Có một cuộc chiến bên ngoài bệnh viện

30/01/2022 - 15:54

PNO - Chỉ có đội ngũ tài xế lái xe cứu thương mới cảm nhận rõ rệt sinh mệnh quý giá đến nhường nào, nhất là trong đại dịch COVID-19.

Ngày cuối năm, không khí lành lạnh buổi sáng sớm không làm vơi đi nhiệt huyết của đội ngũ tài xế lái xe cứu thương trong dịch COVID-19. Ở lằn ranh sống - chết, nếu các anh sợ lây nhiễm, chần chừ sẽ rất khó khăn cho bệnh nhân. Trước dịch bệnh, cuộc chiến ấy, quyết liệt không kém những trận đánh bên trong bệnh viện cấp cứu COVID-19.

Mặc dù có 26 năm kinh nghiệm làm tài xế, anh Phạm Vương Bá - nhân viên lái xe cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, Trưởng tua trực điều hành xe cho biết, thường ngày tài xế xe cứu thương đã rất vất vả, dịch COVID-19 càng tăng thêm phần khó khăn hơn. Anh và các đồng nghiệp làm việc không ngừng nghỉ, nhất là giữa tháng 7/2021 số lượng F0 rất lớn.

“Bệnh nhân mắc COVID-19 mỗi người một hoàn cảnh, già có, trẻ có, thậm chí cả những em bé sơ sinh vài tuần tuổi. Thế nên việc chuyển bệnh nhân đôi lúc cũng gặp tình huống “dở khóc, dở cười”. Hầu hết bệnh nhân lên xe, ai cũng đã khá nặng.

Chúng tôi chuyển bệnh với nhiều lo lắng, nhưng người nhà bệnh nhân mất bình tĩnh hơn. Tôi vừa điều khiển xe vừa phải làm thêm nhiệm vụ trấn an tâm lý, động viên người bệnh và thân nhân để mọi người yên tâm. Có như thế, xe mới nhanh chóng đến được bệnh viện”, anh Vương Bá chia sẻ.

Tài xế lái xe cứu thương, càng lao vào tâm dịch, càng quyết tâm cao độ
Tài xế lái xe cứu thương, càng lao vào tâm dịch, càng quyết tâm cao độ

Theo anh Bá, tuy nhiều nguy nan nhưng niềm vui lớn nhất đó là bệnh nhân kịp thời được chữa trị, anh và đồng đội có thêm kinh nghiệm để cứu người. Trên hết, sự ủng hộ của vợ, con đã tiếp thêm rất nhiều sức mạnh để anh hoàn thành nhiệm vụ an toàn.

Mỗi lần nhắc đến dịch COVID-19, đôi mắt của anh Trần Công Lộc - tài xế Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM đều đỏ hoe. Không thể ngồi yên nhìn người bệnh nguy kịch, anh Lộc giấu vợ lên đường đi chống dịch. Xa nhà, bất chợt anh lo lắng đủ điều cho người thân khi ngày ngày chứng kiến sự tàn khốc của dịch bệnh.

Nhớ lại lần chuyển F0 đầu tiên, tuy trong lòng rất muốn chuyển bệnh nhân đến bệnh viện thật nhanh nhưng anh Lộc cũng có nhiều lo lắng bởi dịch quá mới. Không chuyển, chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong, lúc đó anh ép mình phải mạnh mẽ, xem bệnh nhân như người nhà của mình, họ đang rất cần giúp đỡ rồi lao vào lúc nào không hay.

Anh Lộc tâm sự: “Xe đến bệnh viện kịp lúc, bệnh nhân kịp thở oxy và vượt qua dịch bệnh. Sau lần đó, tôi cũng không e dè nữa mà nghĩ làm sao để tìm bệnh viện nhanh nhất có thể. Thật sự đến lúc này tôi cũng không nhớ mình đã vận chuyển bao nhiêu bệnh nhân, cứ có điện thoại, bằng mọi cách mình phải cứu người”.

Bệnh nhân COVID-19 đang được chuẩn bị chuyển đến bệnh viện cấp cứu
Bệnh nhân COVID-19 đang được chuẩn bị chuyển đến bệnh viện cấp cứu

Quyết tâm là vậy nhưng có lần giữa đêm, điện thoại anh đổ chuông, người thân của anh trở thành F0 thật. Hơn ai hết, anh Lực biết rằng COVID-19 đang bước vào giai đoạn cao điểm, người nhà trở thành F0 lúc này rất nguy hiểm, anh đã chứng kiến biết bao nhiêu trường hợp bệnh nhân không may tử vong.

“Lúc đó, tâm trạng tôi không được ổn định nhưng anh em, đồng đội và ban lãnh đạo luôn động viên, giúp đỡ để tôi vượt qua. Đi đến ngày hôm nay, chúng tôi đã thật sự sát cánh cùng nhau, đó là khoảng thời gian không thể nào quên được”, anh Lộc nói.

Giữa tháng 6/2021, dịch COVID-19 có dấu hiệu tăng tại TPHCM, lực lượng y tế lại quá mỏng cần sự hỗ trợ của sinh viên y khoa, anh Lê Tấn Sang - sinh viên năm thứ 4, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xin phép ra tuyến đầu. Sau khi được huấn luyện, anh Sang đã không ngần ngại cùng đội ngũ y bác sĩ Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM lên đường đi chuyển bệnh. 

Nhắc lại một bệnh nhân đem đến cho anh nhiều quyết tâm trong đại dịch, anh Sang không khỏi bồi hồi. Hôm đó, tiếp nhận lệnh từ Trung tâm Điều phối 115, anh cùng đồng đội tức tốc đến nhà F0 để đưa bà đi điều trị.

Khi các y bác sĩ đến nhà, nữ bệnh nhân có chỉ số SpO2 khoảng 80. Tuy nhiên, bà vẫn có thể tự thay đồ, đi vệ sinh và ra xe đi cấp cứu nên được đánh giá sức khỏe khá ổn.

Tài xế Lộc cùng đồng nghiệp nhận lệnh đi cứu người
Tài xế Lộc cùng đồng nghiệp nhận lệnh đi cứu người

“Thậm chí, bệnh nhân còn nhắc các con mang tiền theo để đi chữa bệnh. Theo lệnh, chúng tôi sẽ phải đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất, nhưng hầu như bệnh viện nào cũng quá tải. Chưa có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi liên tục đi tìm bệnh viện và đợi Trung tâm điều phối 115 tìm bệnh viện khác do nơi nào cũng đông bệnh nhân. 

Lúc đó khoảng 10g sáng, tuy người bệnh còn nói chuyện được nhưng đội ngũ nhân viên vẫn cho bà thở oxy. Chờ đến hơn 14g, quá xót ruột và bà rơi vào tình trạng không ổn, chúng tôi quyết định tự đưa bà đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu.
May mắn, bệnh viện tiếp nhận bà nhưng sức khỏe của F0 đã rất xấu rồi. Tâm trạng tôi không ổn mặc dù các con của bà đã chuẩn bị tinh thần và cảm ơn tôi đã nhiệt tình. Đến sáng hôm sau người nhà bệnh nhân gửi cho tôi một tin nhắn rất dài để cảm ơn, nhưng cuối tin, chị nói mẹ của chị đã không qua khỏi. Bản thân chưa giúp được gì cho gia đình nhưng nhận lại sự cảm kích quá lớn, tôi rất áy náy. Cũng từ đó, tôi hứa với mình phải cố gắng cứu càng nhiều bệnh nhân càng tốt”, anh Sang nói.

Cứ như thế những chiếc xe cứu thương lao đi, bất kể ngày đêm, bất kể sự phản ứng dữ dội của người nhà khi bất lực phải đến trễ do bệnh nhân quá đông. Hay cả khi trong bộ đồ bảo hộ nóng bức ấy, những giọt mồ hôi pha lẫn nước mắt đón nhận tấm chân tình của người nhà bệnh nhân. Mặc dù ai cũng lầm tưởng các anh là bác sĩ, cúi đầu cám ơn.

Công việc lái xe cứu thương rất đặc thù, áp lực cũng không nhỏ, bệnh nhân phía trước, phải đặt an toàn người bệnh lên hàng đầu bất kể không ít lần các anh phải chịu đựng thái độ rất tệ của thân nhân bệnh nhân khi quá tải, xe không đến kịp. Dù lời cám ơn nhầm lẫn khi bệnh nhân kịp cứu, hay phải chịu đựng sự phản ứng không đáng có lúc F0 qua đời, đến hiện tại, các anh vẫn vững tay lái để tìm kiếm hạnh phúc giản đơn - bệnh nhân còn sống!

Trong cuộc chiến sinh tử với đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, từ tháng 6 đến tháng 10/2021 đã phần nào vẽ nên bức tranh toàn cảnh của đại dịch tại TPHCM với trung bình 4.000 cuộc gọi cấp cứu mỗi ngày - gấp hơn 30 lần ngày thường. Ngoài lực lượng lái xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 và các bệnh viện tại địa phương, các tài xế xe taxi của Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh, Phương Trang, Ánh Dương Việt Nam,... các cá nhân, tổ chức thiện nguyện đã chung tay tạo nên sức mạnh, quyết tâm giành giật mạng sống của từng F0.

Đến nay, TPHCM đã mạnh mẽ kiên cường vượt qua bao khó khăn mà đại dịch COVID-19 mang đến, với sự quyết tâm của lãnh đạo chính quyền, lực lượng tuyến đầu và toàn thể người dân, cùng hướng tới một năm mới 2022 an lành, bình yên và hạnh phúc

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI