|
Biển Đầm Môn |
Đầm Môn
Từ Nha Trang đi về hướng Bắc, qua khu trung tâm huyện Vạn Ninh đã thấy biển thấp thoáng bên đường. Ruộng trải dài đến chân núi. Đàn cò trắng chao liệng. Vài đám lúa tạp lên xanh tuy lưa thưa nhưng cũng làm dịu đi cái nắng. Chúng tôi rẽ vào Đầm Môn từ chân đèo Cổ Mã. Bức tranh biển hiện ra với trời, mây, nước, những đồi cát chạy dài... Khung cảnh bình yên, đẹp xao xuyến.
Con đường trải nhựa dẫn vào điểm cuối cùng là thôn Đầm Môn dài khoảng 19km, một bên là biển còn một bên là đồi cát trắng chập chùng. Qua một số đoạn, cảm giác như con đường xẻ động cát làm đôi. Dương liễu lúp xúp trên đồi cùng những góc cua quá đẹp khiến chúng tôi phải dừng xe ghi lại vài tấm ảnh kỷ niệm. Qua một vùng biển vắng, nước trong xanh êm ả, sóng chỉ chạm nhẹ vào bờ, chúng tôi ghé xuống lội nước, đùa vui.
Đầm Môn khiến tôi vô cùng ngỡ ngàng trước sự thay đổi phồn thịnh so với Đầm Môn hơn 20 năm trước, lúc chưa có đường nhựa, nơi này gần như bị cô lập với đất liền, khi muốn đến đây phải đi ghe từ bến đò Vạn Giã.
Hàng dài những chiếc xe đông lạnh biển số Phú Yên xếp hàng vào cảng chờ lấy cá. Phía xa, cano đưa khách du lịch ra các đảo Hòn Ông, Hòn Lớn, Điệp Sơn, bãi biển Xuân Đừng... Những chiếc cần cẩu bận rộn trên công trường làm nhiệm vụ mở rộng Đầm Môn. Cảm giác cuộc sống ở Đầm Môn vô cùng sôi động với thế mạnh là biển trong vùng vịnh Vân Phong đang phát triển nhanh.
Đường đèo Cả
|
Xe lửa qua hầm đèo Cả |
Rời Đầm Môn, chúng tôi không qua hầm đèo Cả mà đi đường đèo. Tôi đã qua lại đèo Cả không biết bao nhiêu lần từ thời còn tỉnh Phú Khánh (Phú Yên và Khánh Hòa). Quen thuộc vậy mà lần nào tôi cũng thấy đèo Cả đẹp quyến rũ.
Nơi đây từng là ranh giới Đại Việt - Chiêm Thành những năm 1471-1653, xung đột xảy ra triền miên. Năm 1653, Cai cơ Hùng Lộc Hầu vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Tần mang quân vượt qua đèo Hổ Dương, núi Thạch Bi mở rộng lãnh thổ về phía Nam, là cột mốc hình thành tỉnh Khánh Hòa bây giờ.
Đèo Cả là một trong những ngọn đèo lớn và hiểm trở ở miền Trung, dài 12km, cao 333m cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh. Đỉnh đèo nằm ở thôn Vũng Rô.
Tên đèo Cả được gọi từ khi người Pháp mở Quốc lộ 1, trước đó đường mòn Bắc - Nam men theo phía tây dãy núi Đại Lãnh. Đèo Cả còn có tên gọi dân dã là đèo Cục Kịch do khi mới mở, đèo chỉ trải lớp đá, đi lại gập ghềnh. Đèo có 98 vòng cua hẹp gấp khúc lên xuống. Tuyến đường sắt Bắc - Nam có khoảng 27 hầm đường sắt và hầm đèo Cả là hầm dài nhất (1,2km). Ngồi chờ xe lửa qua hầm để săn ảnh là một trong những sở thích của người mê nhiếp ảnh.
Từ trên đèo Cả nhìn xuống biển chỗ nào cũng đẹp. Trước mặt chúng tôi là Hòn Nưa - một hòn đảo nhỏ có hình dáng khá ấn tượng, như một con vật nằm im dưới biển tùy theo góc nhìn và trí tưởng tượng.
Hòn Nưa
|
Hòn Nưa ở một góc nhìn khác |
Dự định ban đầu của chúng tôi là xuống Vũng Rô ăn trưa rồi sẽ đi tiếp ra Phú Yên. Thế nhưng, khi ngồi trên một nhà hàng bè nổi, nhìn ra Hòn Nưa thấy hấp dẫn quá, chúng tôi quyết định ra đảo.
Sau bữa cơm trưa, chúng tôi thuê một chiếc tàu với giá 800.000 đồng (có thể chở được 10 người). Biển êm, tốc độ tàu chạy vừa phải đủ thong thả ngắm cảnh biển nên chúng tôi đã có một chuyến “hải hành” quá tuyệt vời.
Bạn sẽ thấy những nhà lồng bè trên biển san sát nhau. Những chậu hoa trước nhà, những chú cún đứng nhìn chiếc tàu đi qua trông thật dễ thương. Ca nô, ghe, thuyền thúng qua lại tấp nập. Nhìn lên, dãy núi Đại Lãnh chạy dài trùng điệp, đường đèo Cả ngoằn ngoèo lưng chừng núi. Chân núi là đường viền đá tảng như cái nền “bê tông” khổng lồ vững chãi mà tạo hóa làm ra.
Nhìn lên núi Đá Bia, chúng tôi lại có dịp kể nhau nghe chuyện lịch sử. Núi Đá Bia tên chữ là Thạch Bi Sơn, còn gọi là núi Ông, là ngọn núi cao nhất trong dãy núi Đại Lãnh. Có một tảng đá bia cao khoảng 80m trên đỉnh núi, là dấu hiệu nhận biết bắt đầu vào địa phận Phú Yên nếu đi từ Nam ra Bắc. Chuyện chép lại, vào năm 1471, vua Lê Thánh Tôn tổ chức cuộc hành quân vượt núi. Đến chân núi Đá Bia, ông cho quân lính lên núi khắc chữ trên đỉnh, như một cách đánh dấu lãnh thổ biên giới của Đại Việt.
|
Tô bún cá sứa Ninh Hòa giá 25.000 đồng |
Tàu chạy một vòng quanh Hòn Nưa. Theo tài liệu, ngày trước Hòn Nưa còn có tên Trụ Tự, là nơi được các vua chúa xem như cột mốc tự nhiên chia ranh giới hành chính giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
Những bãi cát trắng mịn là nơi khách thỏa sức trải nghiệm những hoạt động vui chơi, tắm biển với các trò chơi hấp dẫn như: đi mô tô nước, ca nô, lặn ngắm san hô... Không có người sinh sống trên đảo, nước trong xanh, môi trường trong lành...
Trên đỉnh núi cao 105m so với mực nước biển là ngọn hải đăng. Vào đêm trăng, du khách có thể leo lên hải đăng ngắm trời đất, tận hưởng không khí biển trong lành. Đây cũng là nơi hẹn hò lãng mạn cho những người đang yêu.
Thiên nhiên ban tặng cho Hòn Nưa cảnh quan quá đặc biệt: hết bờ cát trắng lại đến các ghềnh đá với những cột đá hướng thẳng lên trời mang vẻ đẹp kiêu hãnh hay những vách đá khổng lồ cao vút dễ gợi liên tưởng đến những điều huyền bí. Bên dưới còn có những gộp đá như những cánh tay vươn ra biển. Hôm đó, chúng tôi thấy có những người ngồi câu cá trên những bãi đá dưới thấp. Trong ánh nắng chiều, những cột đá cao hùng vĩ đẹp huy hoàng.
Rời Vũng Rô, chúng tôi quyết định đi tiếp theo cung đường biển đến Bãi Môn (Phú Yên) rồi quay về. Vẫn cảnh biển rất đẹp, từ trên nhìn xuống thấy ngọn hải đăng Mũi Điện. Đặc biệt, trên cung đường này, bạn sẽ thấy dãy núi đá ấn tượng với những tảng đá lớn xếp thứ tự lớp lang từ trên xuống chân núi.
Món nem nướng ở Ninh Hòa kết thúc chuyến đi. Khi chúng tôi về đến Nha Trang, thành phố mới chỉ vừa lên đèn.
Đào Thị Thanh Tuyền