Có một chuyện tình vừa kết thúc ngoài... bãi rác

02/08/2023 - 19:56

PNO - Bạn tôi đi đường, thấy ảnh cưới của ai đó vứt bỏ cạnh thùng rác, bạn cảm thán: “Có một chuyện tình vừa kết thúc ở bãi rác!”.

 

 

Tấm ảnh cưới nằm chỏng chơ ở bãi rác khiến người qua đường ngậm ngùi

Nhìn tấm ảnh cưới của cặp đôi tươi xinh, đang trao cho nhau nụ hôn ngọt ngào đang nằm chỏng chơ mặc ruồi bu kiến đậu, tôi bỗng lây cảm xúc của cô bạn. Dù không hiểu nguyên nhân vì đâu dẫn đến kết cục này, nhưng cảm giác băn khoăn, nuốt tiếc bỗng vây lấy tôi.

Chưa có gì mong manh và dễ vỡ như tình yêu. Có đó rồi mất đó. Là họ đã chọn sai người, hay tại họ nông nổi?

Tôi đoán rằng người vứt bỏ tấm ảnh là cô dâu trong bức hình. Mang một kỷ vật đánh dấu ngày trọng đại của cuộc đời bỏ đi, hẳn cô ấy đã đau và tổn thương đến tận cùng…

Dù người vứt bỏ là vợ hay chồng, cũng đều đáng tiếc, bởi biết đâu 5 hoặc 10 năm sau khi đã nguôi ngoai, đã ngấm đủ được mất, người trong cuộc sẽ hối tiếc bởi đã hành động nông nổi.

Ảnh cưới vứt đi rồi nhưng tôi nghĩ nỗi đau vẫn còn nguyên. Vứt một tấm ảnh không có nghĩa là vứt bỏ đi một cuộc tình, một người mình từng yêu thương thắm thiết. Hiện tại và tương lai không thể trọn vẹn nếu không có bước tiếp nối từ quá khứ, học hỏi từ quá khứ.

Dù quay lưng lại với nhau cũng không nên mang theo lòng thù hận (ảnh minh họa)
Dù quay lưng lại với nhau cũng không nên mang theo lòng thù hận (ảnh minh họa)

Tôi nhớ câu chuyện của cô học trò ở một lớp 7 tôi dạy. Em chết hụt vì uống hàng chục viên thuốc ngủ. Trước đó em học hành sa sút, không muốn chơi với ai.  

Tôi dặn các học sinh khác trò chuyện, kéo em vào các buổi sinh hoạt tập thể, cùng làm bài, học bài với em… Nhưng mọi cố gắng đều thất bại vì em không hợp tác. Mẹ em thì hồn nhiên: “Dạo này con nhỏ hay trở chứng, không sao đâu...”. 

Lúc chuyển em đi bệnh viện cấp cứu, em níu tay tôi, cố nở nụ cười: “Chết là không còn phải lo buồn gì nữa phải không cô?”. Tim tôi như bị xé. Em mới 14 tuổi thôi, có đau buồn gì to tát đến vậy!

Em được cứu sống, thoi thóp hồi sinh. Mẹ em xuất hiện với chiếc đầm đẹp,, khuôn mặt chị trang điểm kỹ, nhưng không giấu nỗi vẻ mỏi mệt của người đang cố gắng quá sức. Nhìn con gái, chị gào lên: “Sao con dại dột vậy? Mẹ còn chưa đủ khổ sao?”.

Con bé thều thào: “Mẹ đừng nhắc tới ba, tới nhà nội thì mẹ sẽ không khổ”. Chị sững sờ nhìn con rồi bật khóc.

Em kể với tôi ba và mẹ em ly hôn. Ba đã có gia đình mới. Mẹ không muốn cho em gặp ba, gặp nhà nội, vì “những người đó chỉ làm khổ mẹ con mình”. Mẹ em bán hàng online. Mỗi khi công việc không suôn sẻ, mẹ chửi đời, chửi người, chửi ba…

Những kỷ vật, hình ảnh của ba, mẹ em đều vứt bỏ, nhưng mẹ vẫn nhắc tới ba mỗi ngày trong thù hận. Em sợ về nhà, sợ những lời tàn nhẫn của mẹ. Bị mắc kẹt giữa ba và mẹ, em có cảm giác là người có lỗi. Em nghĩ khi mình “biến mất”, biết đâu cuộc sống của mẹ sẽ nhẹ nhàng hơn…

Tôi bàng hoàng khi nghe em trải lòng. Đôi vai nhỏ bé và non nớt kia sao phải gánh chịu quá nhiều gánh nặng? Mẹ em chìm trong thù hận mà quên đi cảm xúc của đứa con đang ở độ tuổi tâm lý bất ổn.

Người ta hay nói khi yêu đừng nên tận hiến, mang tất cả vốn liếng của đời mình đặt cược vào một người. Hãy chừa lấy một phần để yêu bản thân, cha mẹ, con cái… Khi người ta rời bỏ, mình vẫn đủ sức đứng vững trên đôi chân, không đển nỗi mất sạch tất cả. Khi rời khỏi một cuộc tình, hãy học cách tha thứ cho đối phương, tha thứ cho bản thân. Tương lai phía trước còn chờ mình thêu hoa dệt gấm, hà cớ gì mang theo thù hận để hành trình thêm nặng nề.

Trở lại tấm ảnh cưới nằm ngoài bãi rác của ai đó, tôi mong người trong ảnh sớm lành vết thương, dũng cảm đối diện với cuộc sống mới trong tâm thế bình an và độ lượng. Không còn là chồng vợ thì làm bạn, để con cái còn tình thương của cha mẹ. Mọi hành xử của cha mẹ - con cái luôn nhìn vào.

Thùy Gương

                                                                                                                                                                                                                                

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI