'Có mới nới cũ'

30/11/2014 - 07:25

PNO - PNCN - * Hôm qua, khi người mua ve chai đến chất đồ chơi lên xe ba gác chở đi, con trai tôi nhìn thấy nhưng thờ ơ, không chút tiếc rẻ, dù đó là những món mà cu cậu từng mê tít khi mới mua về.

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ lúc hai tuổi, đi trên đường, thấy món đồ chơi ưng ý, cậu “đòi sống đòi chết”, nằm vạ, khóc thét nếu không được đáp ứng. Khi được bố mẹ chiều ý mua cho, cậu nhảy cẫng vui sướng, hôn bố mẹ, cảm ơn rối rít nhưng chỉ chơi chốc lát đã chán, rồi lại đòi thứ khác... Không chỉ với đồ chơi mà với quần áo, thức ăn, phim ảnh, khu vui chơi giải trí... cháu cũng thường “có mới nới cũ”. Đáng lo là trong việc kết bạn, cháu không chơi bền với ai cả. Cháu mau chóng làm quen với bạn nhưng chơi vài lần là không thích gặp nữa.

Vợ chồng tôi hiếm muộn nên xin cháu về nuôi từ lúc cháu ba tháng tuổi, nay đã năm tuổi. Chúng tôi yêu cháu rất mực, dồn tất cả tình thương cho cháu và rất chú trọng việc xây dựng cho cháu nhân cách tốt, nhưng trước những tình huống cụ thể, đôi lúc chúng tôi cũng lúng túng, khó xử. Có phải do cháu không mang dòng máu của chúng tôi nên tính cách khác hẳn? Hay tại cháu giống tính bố ruột, là người không có trước có sau, “cả thèm chóng chán”,“tham đó bỏ đăng”, đã ruồng bỏ mẹ con cháu? Chúng tôi phải làm sao để ngăn ngừa cháu có những tính xấu đó?

Lan Anh (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

'Co moi noi cu'

Chị Lan Anh mến,

Trẻ con thường tò mò, ham thích cái mới. Những biểu hiện đòi mua cho bằng được một thứ đồ chơi nào đó, một thời gian sau lại chán là thường gặp ở trẻ nhỏ. Tật này xuất hiện nhiều hơn ở những trẻ được cha mẹ nuông chiều.

Chuyện cháu không thân thiết với bạn bè, cũng “có mới nới cũ”, liên quan đến môi trường sống, ảnh hưởng từ cách giáo dục, cách ứng xử của những người xung quanh cháu nhiều hơn là sự di truyền từ cha mẹ đẻ. Đúng là “giỏ nhà ai quai nhà nấy”, nhưng cũng có câu “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nếu cha mẹ không tạo cơ hội cho con được chơi với bạn bè thì rất khó có tình bạn thân thiết, bền lâu. Nếu cháu được nuông chiều, tưởng mình là trung tâm, mọi người phải chạy theo cháu thì cháu sẽ học cách làm “ông tướng” chứ không học được cách trở thành người bạn tốt, hòa đồng với mọi người. Khi đó cháu sẽ ích kỷ và khó nhận ra điểm hay, điểm tốt ở người khác để mà trân quý họ. Cũng có thể do bản thân trẻ, trong sâu thẳm tâm hồn, chưa tìm ra niềm vui trong cuộc sống nên “cả thèm chóng chán” mọi thứ. Người lớn chúng ta, nếu mất đi mục đích sống cũng sẽ gặp phải tình trạng này.

Dù là nguyên nhân nào thì biểu hiện “có mới nới cũ” của cháu cũng là hành vi xấu, nếu không sớm điều chỉnh sẽ thành thói quen, rồi thành tính cách. Mỗi đứa trẻ là một cá tính riêng, cần người lớn hiểu và đồng cảm, từ đó tìm ra cách giáo dục thích hợp.

Trước hết, anh chị có thể giảm dần sự nuông chiều, đưa cháu vào những khuôn khổ, tạo ra một vài giới hạn để trẻ được tự do hành động trong giới hạn đó. Ví dụ, chuyện mua đồ chơi, khi nào được mua và nên mua loại đồ chơi nào, trong giới hạn bao nhiêu tiền, cha mẹ cần trao đổi trước với con. Khi đã có sự thống nhất, cha mẹ và con cần tuân thủ, dù bé có giãy ra đất đòi ngay giữa chốn đông người, cha mẹ cũng kiên quyết không đáp ứng. Trong cuốn sách Phương pháp dạy con kiểu Mỹ, tác giả chia sẻ rằng cha mẹ Mỹ không mua nhiều đồ chơi cho con mà muốn con chơi hỏng rồi tự sửa để dạy con biết tiết kiệm và sáng tạo. Đây cũng là một kinh nghiệm hay để chúng ta học hỏi.

Chị có thể tạo ra nhiều cơ hội để cháu vui chơi cùng bạn bè, cùng anh chị em họ hàng. Đừng đòi hỏi cháu thân thiết ngay, mối quan hệ gắn bó cần được xây dựng trên sự tương tác ổn định và lâu dài. Các cháu đang là những đứa trẻ khám phá cuộc sống, những gì mới lạ đều hấp dẫn chúng hơn những thứ quen thuộc. Đôi khi chúng ta áp đặt cách nghĩ của người lớn cho trẻ mà không biết.

Anh chị cũng có thể giúp con tìm ra niềm vui sống từ sự tôn trọng những sở thích, những khả năng riêng của cháu, ủng hộ và giúp cháu khám phá và phát huy tiềm năng bên trong. Thay vì nhìn vào điểm tiêu cực trong tính cách của cháu, cha mẹ nhìn những “điểm sáng” nơi con, để động viên, khích lệ con. Khi cháu tự tin, biết quý trọng bản thân, cháu cũng sẽ biết trân trọng mọi điều xung quanh mình. Để giúp cháu có được điều này, không ai khác chính là anh chị, người đang đảm nhiệm vai trò cha mẹ - người thầy đầu tiên và suốt đời của con.

Chuyên viên tham vấn

PHẠM THỊ THÚY
Thư cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ: tuvandanhchochame@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI