Có mối liên hệ giữa đau lưng với các triệu chứng tâm thần

08/12/2016 - 06:50

PNO - Nghiên cứu mới trên tạp chí General Hospital Psychiatry với gần 200.000 tình nguyện viên tham gia cho thấy, người bị đau lưng có nhiều khả năng xuất hiện một loạt vấn đề sức khỏe tâm thần.

Đau lưng là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới, nhiều hơn bất kỳ căn bệnh nào khác. Theo số liệu từ cuộc điều tra Global Burden of Disease của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 người lại có một bệnh nhân đau lưng. Ngoài ra, còn có nhiều bằng chứng cho thấy đau lưng tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, làm tăng nguy cơ của các vấn đề thể chất khác, đi kèm với khoản chi phí chăm sóc sức khỏe khổng lồ.

Một nghiên cứu trước đó sử dụng dữ liệu từ đợt điều tra sức khỏe tâm thần toàn cầu cho rằng, cơn đau lưng và đau cổ mãn tính có liên quan với việc tăng nguy cơ mắc rối loạn tâm trạng, lo âu và lạm dụng rượu. Vì vậy, nghiên cứu mới trên tạp chí General Hospital Psychiatry, vừa được công bố đầu tháng 12/2016, tập trung tìm hiểu tương quan giữa chứng đau lưng và sức khỏe tâm thần ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình (LMICs).

Co moi lien he giua dau lung voi cac trieu chung tam than
Cơn đau lưng dai dẳng có thể ảnh hưởng tâm lý và đi kèm vấn đề thần kinh

Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là giáo sư Patricia Schofield và tiến sĩ Brendon Stubbs từ Đại học Anglia Ruskin (Anh), xem xét dữ liệu của 190.595 người từ 18 tuổi trở lên thuộc 43 quốc gia từng tham gia vào cuộc điều tra y tế thế giới năm 2002-2004 của WHO. Trong số đó, 19 quốc gia đang ở mức thu nhập thấp và phần còn lại thuộc nhóm thu nhập trung bình.

Nhìn chung ở các nước LMICs, đau lưng ảnh hưởng đến 35,1% dân số, với 6,9% bệnh nhân báo cáo về cơn đau lưng mãn tính. Trong đó, mức độ đau lưng của Trung Quốc là thấp nhất, chỉ ở mức 13,7%. Ngược lại, tại nhiều nước, hơn một nửa số người được hỏi đều bị đau lưng: Nepal đứng đầu với 57,1%, Bangladesh là 53,1%, và Brazil là 52%.

Việc phân tích dữ liệu cho thấy, khi so sánh với người khỏe mạnh, những người từng trải qua đau lưng có tỷ lệ trải nghiệm một trong năm điều kiện sức khỏe tâm thần (gồm lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần, căng thẳng và thiếu ngủ) nhiều hơn gấp hai lần.

Những người bị đau lưng kinh niên cũng có nhiều khả năng biểu hiện bệnh trầm cảm (gấp ba lần) và rối loạn tâm thần (gấp 2,6 lần). Điều thú vị, kết quả tương đối giống nhau cho tất cả 43 nước LMICs, bất kể vị thế của quốc gia trên bậc thang kinh tế - xã hội.

Tiến sĩ Brendon Stubbs cho biết: “Dữ liệu thể hiện rằng đau lưng và đau lưng mãn tính có liên quan với tỷ lệ mắc trầm cảm, rối loạn tâm thần, lo âu, căng thẳng và rối loạn giấc ngủ. Điều này cho thấy, bệnh đau lưng có thể đi kèm ảnh hưởng sức khỏe tinh thần quan trọng, vốn làm cho quá trình phục hồi khó khăn hơn, dù lý do chính xác cho mối liên hệ này vẫn chưa được xác định”.

Do nghiên cứu sử dụng từng nhóm lớn đại diện cho một phần của quần thể, những phát hiện trên có độ tin cậy cao. Tiến sĩ Stubbs kết luận: “Cần nghiên cứu để tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa những vấn đề trên nhằm đảm bảo phát triển phương pháp điều trị hiệu quả. Đó cũng là thông tin quan trọng giúp các chuyên gia y tế dễ dàng thuyên chuyển bệnh nhân đến các dịch vụ khác nếu thấy cần thiết.”

Bảo Tùng (Theo Medical News Today)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI