Ăn ngon - Sống khoẻ

Có mì dinh dưỡng cho trẻ thật sao?

14/11/2022 - 08:15

PNO - Một số sản phẩm mì cho trẻ em bổ sung canxi, giúp cải thiện tỷ số canxi/phospho của bữa ăn làm cho lượng canxi trong chế độ ăn của bé được hấp thu tốt hơn, hỗ trợ bé tăng chiều cao.

* Tôi nghe bạn bè nói về loại mì dành cho trẻ em được bổ sung canxi, có loại mì như vậy thật không? Tôi đi làm sớm nên có ít thời gian nấu bữa sáng cho con. Nếu nấu một gói mì cho trẻ, tôi nên bổ sung gì để bữa ăn của con đủ dinh dưỡng? Con tôi học lớp Ba nhưng chỉ nặng 22kg, cháu rất gầy gò, ăn nhiều mì gói có giúp con tôi tăng cân không?

Trà My (TP Thủ Đức, TPHCM)

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Bạch Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia - trả lời: Mì ăn liền vốn là thực phẩm quen thuộc được nhiều người yêu thích kể cả trẻ em. Một số gia đình bận rộn nên có ít thời gian chuẩn bị bữa ăn sáng. Nhiều người lựa chọn nấu mì gói cho trẻ, tuy nhiên, để bữa ăn của con đủ dinh dưỡng thì nên “nấu một bữa ăn mì” và lựa chọn thực phẩm kết hợp với mì phù hợp. 

Mì ăn liền thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo/cơm, bún, bánh phở, bánh mì… là những thực phẩm cung cấp chủ yếu chất bột đường trong bữa ăn. Cha mẹ nên bổ sung vào bữa ăn mì ăn liền các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau muống, cà rốt, cà chua… hoặc cho bé tráng miệng bằng quả chín. Ngoài các vitamin và khoáng chất, chất xơ trong rau củ còn giúp tinh bột được hấp thu từ từ, giúp trẻ luôn tươi vui, phòng ngừa táo bón. 

Cha mẹ cũng lưu ý cho bé thưởng thức bữa ăn mì ăn liền kèm thực phẩm giàu đạm bằng cách bổ sung thịt bò, thịt heo, hải sản, trứng hoặc các loại nấm, đậu… giúp bữa ăn cân đối giữa đạm động vật và thực vật. Nếu không có thời gian và các loại thực phẩm khác để kết hợp, một tô mì chế nước sôi vẫn có thể thay thế một “bữa ăn vội” và cha mẹ cần chú ý cho bé ăn uống đa dạng thực phẩm vào những bữa ăn khác trong ngày.

Các bé học lớp 3 (khoảng 9 tuổi) có cân nặng trung bình 28kg. Trong khi bé nhà mình hiện chỉ nặng 22kg nên rất cần giúp bé tăng ký. Cha mẹ cần đảm bảo cho bé chế độ ăn hằng ngày đủ về nhu cầu năng lượng (từ các thức ăn nhiều chất đạm, chất bột đường, chất béo) và các chất dinh dưỡng khác (vitamin, khoáng chất…), cân đối về chất lượng để tăng giá trị sinh học của mỗi bữa ăn và đa dạng về thực phẩm để giúp bé ăn ngon miệng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. 

Trẻ 8-9 tuổi có nhu cầu năng lượng từ 1.510-1.820kcal mỗi ngày. Với mức năng lượng khoảng 280kcal từ một gói mì 62g thông dụng dành cho trẻ em (cung cấp tương đương 15-18% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với trẻ 8-9 tuổi) sẽ hỗ trợ cha mẹ trong việc đổi bữa cho bé hoặc khi gia đình quá ít thời gian và để đáp ứng sự mong muốn của bé… kết hợp cùng các bữa ăn khác trong ngày, từng bước giúp bé phục hồi tăng trưởng. 

Một số sản phẩm mì cho trẻ em còn bổ sung canxi trong mỗi gói mì, không chỉ làm tăng khẩu phần canxi ăn vào mà còn giúp cải thiện tỷ số canxi/phospho của bữa ăn làm cho lượng canxi trong chế độ ăn của bé được hấp thu tốt hơn, hỗ trợ bé tăng chiều cao.

Về giá trị dinh dưỡng, không có một thực phẩm riêng biệt nào là tốt nhất và càng không thể là nguồn duy nhất cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Mỗi loại thực phẩm có vai trò cung cấp các chất dinh dưỡng khác nhau và có những ưu nhược điểm riêng. Điều quan trọng là cha mẹ biết kết hợp các loại thực phẩm khác nhau như thịt bò, tôm, trứng, rau xanh… với mì ăn liền trẻ em để tô mì không chỉ đầy đủ dưỡng chất, cân đối cho phát triển toàn diện của trẻ và đa dạng về thực phẩm mà còn hấp dẫn hơn với trẻ. 

B.T. (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI