Có mẹ, con luôn thấy bình yên

31/01/2024 - 11:13

PNO - 4 đứa con lớn khôn bận bịu với cuộc sống riêng, khi khó khăn, trắc trở lại quay về bên mẹ. Chúng tôi dần trưởng thì mẹ cũng đã già.

Đầu năm 2008, tôi sinh con gái đầu lòng, đúng đợt rét hãi hùng. Tôi thương con gái nhỏ vừa chào đời đã có trải nghiệm khắc nghiệt, lo thắt ruột mỗi biểu hiện bất thường của con. Tôi biết ơn bà ngoại ở gần sang đỡ đần, chỉ dẫn và thấm thía câu nói của các cụ: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ”.

Mẹ tôi lấy chồng năm 18 tuổi, 19 tuổi sinh con rồi ra ở riêng, con được hơn tuổi lại sinh tiếp đứa thứ hai. Nhà ngoại ở xa, ba đi làm suốt. Không thể hình dung được giữa cảnh bụng to, con mọn, lại chẳng có người đỡ đần, lúc đó mẹ xoay xở thế nào.

Chăm cháu đầu lòng, mẹ vẫn đầy quan niệm kiêng cữ, nhưng cũng rất chịu khó tiếp thu những kiến thức mới. Trời lạnh, vậy mà hôm nào mẹ cũng dậy từ 5 giờ, giặt thau tã đầy cho cháu. Giặt xong là tay mẹ ửng đỏ như bị phỏng. Xong, mẹ lại vào xem xét cháu một lượt rồi mới tất tả về để bày hàng bán tết.

Mẹ của tác giả và cháu nội
Mẹ của tác giả và cháu nội

Con gái lấy chồng lúc sinh nở cần có mẹ biết bao. Nhưng lúc mẹ sinh, bà ngoại cũng chỉ xuống được ít ngày, vì xa xôi, vì bận bịu. Mẹ cũng phải quen và cũng qua hết. Có lần, mẹ phải đưa em kế tôi nhập viện cấp cứu viêm màng não ngoài Hà Nội. Bao nhiêu ngày giành giật sự sống cho con giữa thành phố xa lạ trong cảnh thiếu tiền, thiếu người; kết cục trở về tiền hết, con mất, lại bắt gặp 2 đứa con thơ gửi ở nhà bác nhếch nhác, mắt sưng vù vì đau mắt và vì khóc nhớ ba mẹ. Lần nào kể lại, mẹ cũng không cầm được nước mắt.

Mẹ bảo ngày tôi nhỏ, được cái dễ nuôi và khỏe mạnh; chỉ sau đợt lên sởi không giữ gìn kỹ nên giờ mới sinh một số bệnh. Mẹ kể, có đêm tôi sốt, mê sảng đòi uống nước mà mẹ mãi mới ra lấy nước được vì còn chăm cô em gái đang đau bụng. Ba nằm ngủ trên gác không hề hay biết. Không phải ba không thương con mà vì ba luôn nghĩ, chăm con là “đặc quyền” của mẹ.

Thế nhưng, dù vất vả, mẹ vẫn vui vẻ, yêu đời lạ kỳ. Ngày bé, rất nhiều lần, tôi thấy mẹ cứ rảnh là… hát. Mẹ hát không hẳn hay, nhưng rất tha thiết. Rất nhiều chuyện còn in đậm trong tâm trí tôi cho đến bây giờ. Mẹ sáng dạ, dù không được học nhiều. Ông ngoại tôi là hiệu trưởng trường cấp I, nhưng học đến lớp Bảy, mẹ phải nghỉ vì nhà thiếu người làm. Có lẽ tôi ngấm ít nhiều tình yêu văn chương, ca hát của mẹ nên từ nhỏ đã rất thích học văn.

Một điều ở mẹ không hề ngấm tí nào vào tôi là buôn bán. Ba đi chợ, mua được ít trái cây rẻ hay bắt được ếch, cua, tôm, cá... sẽ bảo mẹ mang đi bán. Lúc đầu mẹ ngại, rồi lại quen. Rồi mẹ sắm hẳn xe hàng, thuê cầu chợ, lại thuê cả cửa hàng ở ngã tư và bây giờ là cửa hàng tại gia. Bao việc lớn nhỏ trong nhà, mẹ đứng ra lo hết.

Nhớ ngày tôi học cấp II, trường chuyên của huyện, chiều đó họp phụ huynh, tôi nhắc đi nhắc lại mẹ đi chợ về sớm để còn đến kịp. Đợi đến gần tối, chưa thấy mẹ về, lòng tôi nóng như lửa đốt. Tối muộn mới thấy mẹ cùng xe hàng lóc cóc vào cổng. Chưa kịp hỏi, mẹ đã giải thích, vì về hơi muộn, sợ không kịp nên mẹ vào thẳng trường để họp luôn. Tôi thở phào nhẹ nhõm. 

Hôm sau, vô tình nghe mẹ kể với cô hàng xóm, rằng vào trường họp cho con, thấy người ta toàn xe máy, còn mình cồng kềnh cả một xe hàng, nổi bần bật. May, kết quả học tập của con khiến mẹ mở mày mở mặt. Tự nhiên thấy thương mẹ, hết cả chút e ngại, xấu hổ ban đầu khi hình dung ra cảnh mẹ đi xe hàng vào trường.

Tôi dần trưởng thành cũng nhận ra mẹ đã già. Bao vất vả, lo toan dồn lại thành chứng đau lưng hành hạ mẹ nhiều năm, thuốc nọ thuốc kia lại cộng thêm bệnh dạ dày. 4 đứa con lớn khôn bận bịu với cuộc sống riêng, khi khó khăn, trắc trở lại quay về bên mẹ. Dù không còn khỏe, tôi biết mẹ vẫn luôn là điểm tựa cho cả gia đình. 

Nhất Mạt Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI