Cô MC hai lần đạp xe xuyên Việt: Yêu cũng như đi xe đạp, chậm rãi và không phán xét

15/04/2021 - 08:00

PNO - Cô gái trẻ ấy nói rằng, người đạp xe cần sức khỏe dẻo dai và tinh thần bền bỉ để không bỏ cuộc, yêu thương cũng vậy, cứ chậm rãi, tập trung và không phán xét, đích đến sẽ càng gần.

5 năm trước, Nguyễn Hồng Quyên lần đầu đạp xe xuyên Việt. Trong lần xuyên Việt lần hai này, cô đạp một chiếc xe kém chuyên nghiệp hơn rất nhiều, một chiếc xe mini kiểu học trò để vượt gần 1.200 cây số từ Hà Nội về Cần Thơ.

Đạp xe để buông bỏ 

Nguyễn Hồng Quyên sinh năm 1991, quê ở Cần Thơ, hiện làm việc tại VTC9 Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC tại Hà Nội. Cô là MC dẫn các talk show như Sức khỏe và đời sống, Café ngày mới, Nói về cuộc sống.

Được làm công việc yêu thích, đúng đam mê và chuyên môn đào tạo, thế nhưng suốt khoảng thời gian từ năm 2013-2015, Quyên rơi vào tình trạng stress, liên tục mất ngủ, loét dạ dày. Sức khỏe kiệt quệ khiến Quyên tìm cách cân bằng lại, cô xin nghỉ việc, bắt đầu đạp xe.

Trong lần đạp xe xuyên Việt đầu tiên, Quyên ép mình vào sự kham khổ, cô chở theo đủ thứ đồ đạc, lều bạt, thực phẩm dự trữ, thuốc men. Ngoài ra, mấy tháng trước khi bắt đầu hành trình, Quyên dành thời gian tập luyện cơ bắp, rèn kỹ thuật đạp xe, khả năng đọc bản đồ và cả kỹ thuật… sửa xe đạp.

“Chuyến đi ấy mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Đáng nhớ nhất vẫn là hai điều: Một là, kỹ thuật vá xe của tôi nâng cấp rõ rệt. Chẳng hiểu sao mà hầu như ngày nào chiếc xe cũng bị xịt lốp. Nhiều đến nỗi tôi muốn bỏ luôn chiếc xe. Hai là, kỹ năng tìm chỗ lưu trú qua đêm của tôi sau mỗi chặng trở nên nhạy bén.

Với quyết tâm tiêu tiền ít nhất có thể, tôi nhắm vào các đồn công an, cây xăng, các công trình tôn giáo hoặc nhà dân để xin ngủ nhờ. Tôi đi tuyến đường quốc lộ nên hầu như đoạn nào cũng có nhà dân. Tôi chưa bao giờ phải dựng lều ngủ bụi”. 

Chiếc xe đạp càng đi xa, những áp lực và lo toan trong công việc và cuộc sống càng bị bỏ lại, và sức khỏe thêm khả quan. Cô giảm cân, cơ bắp mỗi ngày thêm dẻo dai, ngày ăn cơm ngon, đêm đến ngủ thẳng giấc. Bệnh viêm loét dạ dày chẳng cần một viên thuốc mà đã giảm.

Sau hai tháng đạp xe và trải nghiệm, tháng 3/2016, Nguyễn Hồng Quyên trở lại công việc với nguồn năng lượng tươi mới, khỏe khoắn, tích cực hơn rất nhiều.

Đồ càng ít, sống… càng đầy

Lần thứ hai đạp xe xuyên Việt, Quyên xin nghỉ phép, xuất phát vào ngày 28/2/2021 từ Hà Nội. 

Rút kinh nghiệm sau lần đầu với hành lý cồng kềnh nhưng không sử dụng đến, trong lần này, Quyên đạp xe kiểu… siêu tối giản.

Cụ thể, cô mang theo 1 đôi giày, 3 đôi vớ, 2 cái áo cotton thấm mồ hôi, 2 chiếc quần thể thao, 1 chiếc áo khoác, 1 chiếc khăn rằn, 1 chiếc nón bảo hiểm, 1 cái bơm xe đạp cùng vài miếng vá đa năng, 1 chiếc đèn pin, vài đồ dùng cá nhân như bàn chải đánh răng, kem đánh răng.

“Khi nhắc đến cá nhân nào đó đang đạp xe xuyên Việt thì nhiều người sẽ hình dung đến hình ảnh những chiếc xe thể thao đắt tiền, hành lý đầy đủ, lều bạt, đồ bảo hộ “xịn sò”, thế nhưng với kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy đồ mang theo càng tối giản càng chạm đến tự do.

Cuộc sống “càng ít lại càng đầy” là như thế. Trong lần đầu xuyên Việt, tôi đạp chiếc xe hiệu Giant, một hãng xe thể thao nổi tiếng. Lần này, tôi đạp chiếc xe mini kiểu “chở đầy hoa phượng”, nhưng mà dù xe nào thì đến dốc, đến đèo cao, muốn an toàn tôi đều xuống dắt bộ”. 

Quyên cho biết, lên dốc cao cũng tốn nhiều sức, nhưng đầu óc thoải mái, Quyên có thể ngắm trời mây, nếu mệt quá thì dừng nghỉ. Với dốc thấp có thể ngồi xe thả xuống, còn dốc cao cũng phải dắt, mà đã đổ dốc thì cao hay thấp cũng phải tập trung cao độ mới kiểm soát xe được. 

Không chỉ tối giản về hành lý, mà ngay cả cách đối đãi với bản thân cũng được Quyên điều chỉnh, quay về những gì ban sơ, bản năng nhất.

Cô thường khởi động đạp xe vào khoảng 9 giờ sáng mỗi ngày. Lúc nào thấy cơ thể phát đi tín hiệu báo đói, cô sẽ tìm chỗ ăn, mệt thì cô tìm chỗ nghỉ ngơi. Cô không ăn quá no, tránh bắt dạ dày làm việc quá tải. Cô cũng không ép mình phải đạp trung bình bao nhiêu km mỗi ngày. Điều đó tùy thuộc vào thể trạng của cơ thể và độ dẻo dai của đôi chân.

Cũng như lần trước, lần này chặng cuối của cô vẫn là Cần Thơ, cô sẽ được ở nhà với ba má vài ngày, sau đó bay ra Hà Nội tiếp tục công việc.

Yêu giống như đạp xe

Năm nay đánh dấu cột mốc 30 tuổi, đã từng trải qua vài mối tình, nhưng Hồng Quyên chưa bao giờ xây dựng cho mình một hình mẫu bạn trai hay đặt ra những điều kiện “cần” và “đủ” trong tình yêu.

Với cô, yêu chính là duyên, chính là sống chậm bên nhau để lắng nghe, hỗ trợ, thấu cảm và để được tự do nữa. Hệt như việc tìm được một người bạn đường. 

Quyên nói: “Với mối tình này, điều khiến bạn tự tin là sự hòa hợp và đồng điệu, nhưng với mối tình khác thì chính những gì khác biệt giữa hai người lại mang đến cho bạn sức mạnh để rèn tính dung hòa. Nó là triết lý hai mặt như việc đi xe đạp vậy.

Nếu bạn đi qua vùng có nắng thì cơ thể sẽ nóng bức và mất nhiều năng lượng, nhưng bù lại bạn sẽ được ngắm cảnh vật rõ ràng, tràn đầy nhựa sống. Còn khi bạn đạp qua miền nhiều mưa thì cơ thể lại mát dịu nhưng thiên nhiên bên ngoài lại trầm mặc, buồn bã.

Vậy nên, nếu bạn để trái tim mình dao động mà không nhấn cho nó nút yêu thương thì dù người bạn đời của mình có ổn đến đâu, bạn cũng nhìn ra khiếm khuyết và cảm thấy đau khổ. Với tôi thì trời nắng hay trời mưa cũng có giá trị, vẻ đẹp riêng của nó, vũ trụ đã gửi đến bên cạnh mình tức là có duyên”.

Hiện tại, trên hành trình đạp xe, ngoài cảnh vật, ẩm thực và văn hóa vùng miền, điều thu hút Hồng Quyên nhiều nhất chính là cuộc sống của những cặp đôi, những gia đình có lối sống đặc biệt.

Quyên tâm sự: “Sau chặng vượt đèo Hải Vân lần này, tôi đã đến và ở lại Đà Nẵng vài hôm. Ở đó có những đôi vợ chồng theo lối sống thuận tự nhiên, họ không sử dụng internet, tiêu rất ít tiền và luôn sử dụng đồ tái chế. Tôi đã hẹn gặp và trò chuyện với họ thật nhiều, mỗi câu chuyện đều hàm chứa những thông điệp ý nghĩa”. 

Hồng Quyên đạp xe xuyên Việt với hành lý siêu tối giản
Hồng Quyên đạp xe xuyên Việt với hành lý siêu tối giản

Quyên cười: “Quê tôi miền Tây, bạn bè lấy chồng sớm lắm. Ba mẹ tôi giục quá trời, nhưng tôi chưa sẵn sàng lập thành một “tế bào xã hội”. Người ta không nói cá nhân là tế bào xã hội mà chỉ nói gia đình là tế bào xã hội nên chắc chắn vai trò và trách nhiệm phải lớn dữ lắm, tôi thà chậm mà chắc”. Cuốn nhật ký hành trình của Quyên liên tục dày lên bởi nhiều nhân sinh quan mới mẻ. Đi càng nhiều, gặp càng nhiều cặp đôi, lắng nghe câu chuyện của họ cũng chính là cơ hội để cô gái soi chiếu chính mình.

Cô gái trẻ ấy nói rằng, người đạp xe cần sức khỏe dẻo dai và tinh thần bền bỉ để không bỏ cuộc, yêu thương cũng vậy, cứ chậm rãi, tập trung và không phán xét, đích đến sẽ càng gần. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI