|
Đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn bị ngập sâu dù đã có trạm bơm chống ngập khổng lồ. Ảnh: T.N. |
Đường vẫn ngập cả tiếng đồng hồ
Vào lúc 17h45 tối 30/9, một trận mưa tương đối lớn đã ập xuống nhiều khu vực ở TP.HCM. Chứng kiến cảnh đường Nguyễn Hữu Cảnh nước ngập mênh mông, anh Hùng, nhà ở khu vực này, tỏ ra thất vọng: “Hôm trước, thấy nhiều báo đưa tin đoạn đường này đã hết ngập sau khi có máy bơm khổng lồ. Vậy mà hôm nay nước vẫn ngập như sông”. Khi đó, đã gần 20 giờ và mưa cũng đã dần nhỏ hạt.
Theo ghi nhận của công nhân thoát nước thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM, từ lúc 18h30, đường Nguyễn Hữu Cảnh đã bắt đầu bị ngập; đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến D1 nối dài bị ngập một khúc dài hơn 300m, mực nước ngập khoảng 50cm; đoạn từ tòa nhà The Manor đến hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh cũng bị ngập với chiều dài và độ sâu tương tự.
Có mặt tại “điểm nóng” Nguyễn Hữu Cảnh ngay khi trời đang đổ mưa to, chúng tôi ghi nhận, máy bơm chống ngập (do Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung lắp đặt và vận hành) bắt đầu nổ máy vào lúc 19h20. Sau một giờ bơm liên tục, mực nước ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh có giảm, nhưng đến 21h, khi chúng tôi quay trở lại, hai đoạn trũng thấp ở đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn còn ngập lênh láng.
Phải chờ thêm các trận mưa to
Thực tế, trận mưa trên chưa phải là trận mưa có vũ lượng lớn nhất ở TP.HCM trong những năm gần đây. Thời điểm mưa, TP.HCM cũng không có triều cường, nên nước từ cống có thể tự thoát ra kênh, ra sông. Theo số liệu từ trạm đo Mạc Đĩnh Chi (Q.1, TP.HCM) lượng mưa ở khu vực này là 93,1mm. Đây là một trong hai trạm đo dùng để lấy số liệu tính lượng mưa cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (trạm còn lại ở Thanh Đa). Trước đó, trạm đo này từng ghi nhận nhiều trận mưa có vũ lượng lớn hơn 100mm.
Phương án chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh bằng máy bơm công suất lớn do Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung lắp đặt cùng cam kết “hết ngập mới lấy tiền” được lãnh đạo TP.HCM kỳ vọng sẽ là phương án phù hợp để giải quyết điểm ngập này. Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, hiện các đơn vị liên quan đang lập phương án thuê máy bơm này để chống ngập trong thời gian dài; kinh phí thuê dự kiến hơn 12 tỷ đồng/năm, thời gian kéo dài khoảng 10 năm.
Về hiệu quả của máy bơm khổng lồ, khi nhiều phóng viên đặt vấn đề, công trình này chỉ mới bơm thử lần đầu (vào ngày 21/9) mà đơn vị đầu tư đã khẳng định máy bơm đạt hiệu quả, liệu có chủ quan, vội vàng, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Chống ngập TP.HCM - nói: “Hôm 21/9, đơn vị lắp đặt máy bơm chủ động cho nước triều ngoài sông Sài Gòn vào làm ngập đường để vận hành thử máy bơm nên chưa có cơ sở đánh giá hiệu quả thật sự. Do đó, phải chờ mưa lớn mới có thể kiểm chứng được. Ít nhất phải qua ba trận mưa lớn, mới biết máy bơm có hiệu quả hay không”.
Theo Trung tâm Chống ngập TP.HCM, do đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh trũng thấp, hệ thống cống nhỏ nên với những cơn mưa lớn (vũ lượng từ 50mm trở lên), đường thường bị ngập, dù Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM đã trang bị hai máy bơm chống ngập với tổng công suất 4.000m3/giờ. Lãnh đạo Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM nhận định, việc hai máy bơm này không xử lý được tình trạng ngập không phải do công suất máy bơm nhỏ, mà do đường cống hẹp nên nước chảy về trạm bơm quá lâu.
Chỉ mới giảm thời gian ngập
Trung tâm Chống ngập TP.HCM ghi nhận, vào chiều tối 30/9, mưa to diễn ra từ 17h45 đến 18h35, đường Nguyễn Hữu Cảnh bị ngập sâu từ 0,5 đến 0,65m. Trạm bơm công suất lớn của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung bắt đầu vận hành vào lúc 19h20; đến 20 giờ, mưa nhỏ hạt nhưng các đoạn trước tòa nhà The manor, Vincom và cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh vẫn còn ngập từ 0,2 đến 0,3m. Đến 22h22, Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung tắt máy bơm; lúc này, nhiều đoạn trên đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn còn ngập. Theo đánh giá ban đầu của trung tâm này, trạm bơm hoạt động chỉ làm giảm thời gian ngập, chưa đạt được hiệu quả hết ngập.
|
TP.HCM đề nghị công trình có tầng hầm trang bị máy bơm
UBND TP.HCM vừa gửi văn bản khuyến cáo các chủ đầu tư xây dựng, chủ sở hữu, quản lý sử dụng tòa nhà cao tầng trên địa bàn TP.HCM tăng cường tính chủ động trong công tác quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước tại tầng hầm đối với các tòa nhà cao tầng có tầng hầm.
Cụ thể, các chủ đầu tư xây dựng, chủ sở hữu quản lý sử dụng tòa nhà cao tầng có tầng hầm cần sắp xếp, bố trí các phương tiện, tài sản tại tầng hầm theo hướng hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu bị ngập nước. Bên cạnh đó, cần lập trước phương án ứng phó, di dời các phương tiện, tài sản tại tầng hầm trong trường hợp tầng hầm có khả năng ngập nước khi mưa lớn. Đồng thời, chủ đầu tư nên trang bị máy bơm và máy phát điện dự phòng để có thể khắc phục tình trạng ngập nước và cấp điện dự phòng cho máy bơm trong trường hợp trời mưa lớn, bị ngắt điện.
Nam Anh
|
Nhiên Trần