Có lộ trình tiến tới người dùng BHYT được khám, chữa bệnh và thanh toán trên toàn quốc

25/09/2024 - 11:06

PNO - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị có lộ trình để tiến tới người mua thẻ BHYT có thể tới bất cứ tỉnh, huyện nào để khám, chữa bệnh và được thanh toán.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin nhiều điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin nhiều điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế - Ảnh: Q.H.

Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến với người mắc bệnh hiểm nghèo

Sáng 25/9, thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự luật sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng bảo BHYT để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội; cập nhật các đối tượng đã thực hiện ổn định tại các luật, nghị định và bổ sung một số đối tượng cần được Nhà nước hỗ trợ để tăng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.

Đáng chú ý, dự luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỉ lệ hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành.

Dự luật quy định bổ sung nhóm “người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chẩn đoán xác định đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh và quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế” được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo tỉ lệ phần trăm mức hưởng mà không phải thực hiện thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Thẩm tra nội dung này, bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - bày tỏ sự nhất trí. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch và khả thi, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ căn cứ, nguyên tắc xác định hoặc nêu cụ thể “bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao” tại khoản này.

Bên cạnh đó, dự luật sửa đổi nhiều nội dung mới, mang tính cấp bách nhưng đã có thông tin, dữ liệu rõ ràng. Cụ thể, dự luật bổ sung thanh toán BHYT cho bệnh nhân điều trị lác và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp người dưới 18 tuổi; bổ sung quy định chi phí sử dụng máu, chế phẩm máu, khí y tế, vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng trong khám bệnh, chữa bệnh. Dự luật quy định trường hợp mắc bệnh mãn tính chuyển về cấp thấp hơn được sử dụng thuốc như cấp cao hơn; bổ sung hình thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đặc thù đối với lực lượng vũ trang và nhân dân ở khu vực biên giới, các xã đặc biệt khó khăn, biển đảo...

“Dự thảo luật bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua, tự chi trả và được bảo đảm quyền lợi” - bà Đào Hồng Lan thông tin.

Chuyển đổi số để tránh trục lợi BHYT

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu đảm bảo
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu đảm bảo công bằng, không phân biệt đối xử giữa người bệnh khám chữa bệnh dịch vụ và sử dụng BHYT - Ảnh: QH

Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phải làm sao giữ gìn vấn đề y đức trong ngành y tế, khám bệnh giữa dịch vụ và BHYT có sự công bằng, không phân biệt đối xử. Vì thế, khi sửa đổi luật, cần căn cứ vào nguyên nhân của vấn đề để giải quyết căn cơ, không chỉ xử lý khi dư luận có “ở chỗ này chỗ kia”.

Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, theo ông, là đúng đắn để hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần rà soát kỹ để đảm bảo công bằng, không bỏ sót đối tượng, không giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ tham gia BHYT so với hiện tại. Đặc biệt lưu ý đối tượng người có công, người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở khu vực khó khăn.

Qua đợt bão lũ vừa qua, đời sống người dân rất khó khăn. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khám và điều trị bệnh cho nhân dân là việc thường xuyên nhưng cũng cần quan tâm đặc biệt ở các vùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh như hiện nay.

Về chính sách mở rộng quyền lợi của người tham gia BHYT, ông Trần Thanh Mẫn nói là quy định nhân văn nhưng cần xem xét, cân nhắc để đảm bảo tính khả thi, phổ quát, công bằng và khả cân đối quỹ bảo hiểm y tế, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội.

Việc sắp xếp cơ sở khám chữa bệnh trước đây theo tuyến, nay được phân theo 3 cấp chuyên môn. Vì vậy, thể hiện yêu cầu này trong dự thảo luật phải đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với phân cấp khám bệnh mới, đảm bảo thống nhất đồng bộ, không phân biệt cơ sở công lập hay tư nhân.

Ông cũng mong muốn, có lộ trình xây dựng các chính sách bảo hiểm y tế để tiến tới khi mua BHYT, bệnh nhân có thể khám chữa bệnh trên toàn quốc: “Làm sao đến tỉnh nào, huyện nào có thẻ bảo hiểm y tế đều được khám chữa bệnh, được thanh toán”.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu về thực tế người dân đi khám bệnh phát hiện thẻ BHYT hết hạn và phải làm lại thẻ mới song còn mất thời gian, đi lại. "Thủ tục làm thẻ mới làm sao phải rất nhanh, làm ngay tại bệnh viện, làm trên điện tử. Còn giờ phải về quê, khai báo sẽ rất mất thời gian. Việc này cần cố gắng khắc phục" - ông Định nêu.

Ông Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị đẩy mạnh chuyển đổi số và đưa tất cả lên mạng để theo dõi được hết, tránh lợi dụng, lạm dụng: "Chăm sóc cho người dân, người bệnh nhưng không để những người có tư tưởng tiêu cực để lợi dụng. Tránh tình trạng người đi khám nhiều xong lấy thuốc về không uống mà đi bán...".

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI