Có lộ trình hợp lý để dẹp xe máy cũ xả khói bẩn

31/07/2024 - 06:07

PNO - Xe máy xả khói mù mịt là hình ảnh thường thấy trên mọi nẻo đường khắp cả nước. Có những chiếc xe máy có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, chỉ còn trơ bộ khung sắt vẫn lưu thông trên đường, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Xe cũ xả khói mù đường

Trên những tuyến đường của TP Hà Nội, rất nhiều chiếc xe máy cũ nát, tự chế được các cửa hàng chuyên doanh khung sắt, đồ gỗ chọn làm phương tiện chở hàng. Nhiều xe chỉ còn bộ khung sắt trơ trụi, không có đèn, còi, thậm chí không gắn pô, vẫn ung dung “cõng hàng” ra đường, xả khói đen mù mịt.

Xếp những bộ phận của chiếc bàn học lên yên xe Dream, anh Võ Trọng Tạo (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) cho biết, anh mua chiếc xe này từ chợ xe máy cũ ở khu chùa Hà, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội nên cũng không biết nó đã qua bao nhiêu đời chủ: “Xe này không có giấy tờ, không có biển số, không gương chiếu hậu, nhưng nó đang nuôi 4 miệng ăn. Đâu ai muốn chạy xe cũ thế này, nhưng muốn mua xe mới thì phải có tiền, mà công việc thì bấp bênh, thu nhập thì thấp. Nếu bị cảnh sát giao thông xử phạt, chắc tôi cũng bỏ xe chứ tiền bán xe còn thấp hơn tiền đóng phạt”.

Xe máy xả khói mù mịt là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM vào giờ cao điểm (tuyến Quốc lộ 13 từ TPHCM về Bình Dương) - ẢNH: VŨ QUYỀN
Xe máy xả khói mù mịt là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM vào giờ cao điểm (tuyến Quốc lộ 13 từ TPHCM về Bình Dương) - Ảnh: Vũ Quyền

Làm nghề chở thuê hoa quả cho các đại lý, anh Phạm Văn Hải (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) ngày ngày rong ruổi trên đường với chiếc xe máy hiệu Wave được sản xuất năm 2004. Anh mua xe này làm phương tiện đi lại, mưu sinh nên rất chú ý bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng định kỳ. “Nó vẫn chạy tốt nhờ được thay dầu, lốp, nhông xích thường xuyên. Riêng mức khí thải thì tôi không biết vì chưa đo bao giờ. Tôi cũng không rõ sau này người ta kiểm tra khí thải mà thấy không đủ tiêu chuẩn thì họ xử lý ra sao, có tịch thu xe hay không” - anh Hải băn khoăn.

Trên đường phố của TPHCM, cũng có nhiều chiếc xe máy cũ nát, xả khói mù mịt, nhiều nhất là ở các chợ, đầu mối giao nhận hàng. Chúng được gọi là “xe mù” bởi không có đèn, kính chiếu hậu, còi. Một số người còn gắn thêm giá chở hàng để chất được nhiều hàng hóa nên độ an toàn càng kém.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), trong giai đoạn 2005-2022, lượng xe máy ở Việt Nam tăng bình quân 9,1%/năm. Đến nay, cả nước có 69,2 triệu chiếc xe máy được đăng ký, trong đó khoảng 45,5 triệu chiếc đang lưu hành.

Theo kết quả đo kiểm khí thải mô tô, xe máy ở TPHCM, TP Hà Nội và TP Đà Nẵng, xe có tuổi đời trên 5 năm đã bắt đầu có lượng khí thải vượt tiêu chuẩn và xe trên 10 năm có lượng khí thải vượt xa tiêu chuẩn khí thải hiện hành, trong khi số xe trên 10 năm ở TP Hà Nội chiếm 72,58%, ở TPHCM chiếm 68% và ở TP Đà Nẵng chiếm trên 59%.

Có lộ trình để không gây xáo trộn

Theo quy định của Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/1/2025 trở đi, mô tô, xe máy phải được kiểm định khí thải định kỳ; việc kiểm định tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, được thực hiện và cấp chứng nhận bởi các cơ sở kiểm định đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trên Quốc lộ 13 từ TPHCM đi tỉnh Bình Dương, dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy cũ nát được tận dụng để chở hàng hóa - ẢNH: VŨ QUYỀN
Trên Quốc lộ 13 từ TPHCM đi tỉnh Bình Dương, dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy cũ nát được tận dụng để chở hàng hóa - Ảnh: Vũ Quyền

Liên quan đến vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sẽ chưa kiểm định khí thải với tất cả xe máy kể từ ngày trên mà sẽ thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ trì, phối hợp xây dựng, ban hành quy chuẩn về khí thải và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng quy chuẩn về khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang lưu hành, phương tiện đã qua sử dụng nhập khẩu.

Khẳng định việc kiểm định khí thải xe máy là cần thiết nhưng các chuyên gia giao thông cho rằng cần có lộ trình áp dụng để không làm xáo trộn đến đời sống nhân dân, đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về niên hạn sử dụng xe máy. Ông nói thêm: “Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã có quy định về kiểm soát khí thải xe máy nhưng quá trình triển khai gặp phải nhiều khó khăn. Việc tiếp tục ban hành, áp dụng quy định này là cấp thiết và tất yếu để đảm bảo các cam kết của Chính phủ về kiểm soát khí thải, bảo vệ môi trường”. Theo ông, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, ban hành quy định về mức độ khí thải chấp nhận được để xe máy được lưu hành, vượt mức đó thì phải bảo dưỡng, sửa chữa xe và nếu thấy cần thiết thì có chương trình hỗ trợ, trợ giá nhằm đổi xe máy cũ sang xe mới.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội - nhận định, việc kiểm soát khí thải xe máy sẽ gặp nhiều khó khăn do có một lượng lớn xe cũ không chính chủ, do nguồn nhân lực kiểm định, trang thiết bị kiểm định còn hạn chế, do xe máy là phương tiện mưu sinh của đa số người dân. Do đó, phải cân nhắc giữa hiệu quả môi trường và mức độ tác động đến việc mưu sinh của người dân và nên có chương trình hỗ trợ, trợ giá cho người nghèo đổi xe máy cũ sang xe máy mới.

Theo ông, nhà sản xuất cũng cần có phương án thu mua xe cũ, đổi xe mới, phương án xử lý xe thải bỏ. Người dân cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, có ý thức bảo hành, bảo dưỡng xe và đồng thuận với chủ trương kiểm soát khí thải của Nhà nước.

Nam Việt - Vũ Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI