|
Quầy làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội 1 lần tại TP Thủ Đức (TPHCM) - Ảnh: Quốc Ngọc |
Khó làm hài lòng tất cả
Sáng 23/11, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nói, khi bà tiếp xúc cử tri, phần lớn công nhân, doanh nghiệp ở TPHCM mong muốn Quốc hội lựa chọn phương án thứ nhất trong dự thảo, đó là “người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, nếu có nhu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần sau 12 tháng nghỉ việc”.
Theo bà, đây là phương án tương đối hài hòa, đảm bảo quyền được hưởng BHXH 1 lần của người tham gia BHXH, giữ ổn định quan hệ lao động khi luật có hiệu lực thi hành. Khi đó, nhóm người tham gia BHXH sau năm 2025 sẽ duy trì sự tham gia đến hết tuổi lao động, giúp tăng dần mức bao phủ lương hưu trí đến năm 2030 cho người trong độ tuổi nghỉ hưu lên 60%.
Nữ đại biểu cũng dự đoán, có thể có làn sóng xin nghỉ việc, hưởng BHXH 1 lần ngay sau khi Quốc hội bấm nút thông qua luật này. Bà nói: “Khó có chính sách nào làm hài lòng được mọi đối tượng liên quan. Do đó, nếu muốn hạ số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm như dự thảo luật thì cần phải chấm dứt quy định hưởng BHXH 1 lần, nhưng đồng thời không được làm xáo trộn quan hệ lao động”.
Tuy nhiên, đại biểu Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) lo rằng người lao động sẽ phản ứng tiêu cực nếu áp dụng phương án này, bởi theo phương án thứ nhất, sau ngày 1/7/2025 (ngày dự kiến luật có hiệu lực), người lao động sẽ không được hưởng chế độ BHXH 1 lần.
Theo ông, khi sửa đổi, bổ sung luật này vào năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã quyết định bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi về già, người lao động có khoản tiền trang trải cuộc sống. Đây là chính sách rất nhân văn nhưng người lao động không đồng tình và họ đã có phản ứng. Do đó, năm 2015, Quốc hội khóa XIII đã phải ban hành Nghị quyết 93 để cho phép người lao động lựa chọn việc bảo lưu hay hưởng BHXH 1 lần. “Nếu chọn phương án này, tôi e rằng, người lao động không đồng tình và sẽ phản ứng như trước đây” - ông nói.
Ưu tiên phương án được hưởng 50%?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho rằng, hưởng BHXH 1 lần là thực trạng “vô cùng day dứt”, gây nhiều hệ lụy tới an sinh xã hội. Theo bà, nếu không có quy định triệt để thì tình trạng này cứ tiếp diễn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc cấm nhận BHXH 1 lần sẽ rất khó. Do đó, bà đề xuất, nên trao quyền lựa chọn cho người lao động bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ BHXH, từ đó “giữ chân” họ ở lại trong hệ thống. Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa việc hưởng BHXH 1 lần. Cần có lộ trình hạn chế, siết chặt, sau đó mới bỏ hoàn toàn chế định hưởng BHXH 1 lần.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (tỉnh Quảng Bình) đề nghị ban soạn thảo luật thiết kế nhiều phương án để người lao động lựa chọn. Nếu người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng quyền lợi tăng thêm so với thông thường. Nếu người lao động nhận BHXH 1 lần thì không được hưởng những quyền lợi tăng thêm và phải đáp ứng những điều kiện khắt khe. Một phương án khác là người lao động có thể hưởng BHXH 1 lần của 50% tổng thời gian đóng BHXH, 50% còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia BHXH khi có điều kiện.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá, nhận BHXH 1 lần là vấn đề lớn, nhạy cảm. Để có phương án cho nội dung này, cần phải đáp ứng 2 mục tiêu cơ bản: đáp ứng nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH; phấn đấu giữ chân người lao động trong hệ thống để giúp họ có lương hưu, đảm bảo cuộc sống khi về già. Ông cho hay, sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động để hoàn thiện dự thảo luật.
Theo ông, ban soạn thảo đã tính toán rất nhiều và cho rằng, phương án thứ hai là tối ưu nhất. Phương án thứ hai cho phép người lao động được nhận BHXH 1 lần nhưng không được quá 50% tổng thời gian đóng; 50% còn lại được ghi nhận trong sổ BHXH và bảo lưu và sẽ cộng tiếp thời gian đóng khi người lao động tham gia BHXH trở lại. Nếu sau đó, người lao động không tái tham gia BHXH thì khi đến tuổi nghỉ hưu, sẽ hưởng trợ cấp hằng tháng.
Sẽ giảm dần độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí Trợ cấp hưu trí là tầng đầu tiên trong hệ thống BHXH đa tầng theo Nghị quyết 28 của Chính phủ. Đây là khoản trợ cấp từ ngân sách nhà nước dành cho người cao tuổi không có lương hưu, không có BHXH hằng tháng. Trước mắt, Chính phủ đề xuất với Quốc hội giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Thời gian tới, độ tuổi này sẽ tiếp tục giảm dần về tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này sẽ tùy theo tình hình phát triển kinh tế, xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước. Thời điểm điều chỉnh, mức chỉnh sẽ do Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nhiều thiệt thòi khi nhận bảo hiểm xã hội 1 lần Theo BHXH Việt Nam, việc nhận BHXH 1 lần và ra khỏi hệ thống BHXH sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên quyền lợi của người lao động và mục tiêu, nỗ lực, sự quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân. Đối với người tham gia BHXH, việc nhận BHXH 1 lần gây đứt quãng thời gian đóng BHXH, làm mất đi cơ hội được hưởng lương hưu hoặc làm giảm số tiền lương hưu sẽ được hưởng sau này; không được chi trả chi phí khám, chữa bệnh khi về già do việc nhận BHXH 1 lần sẽ làm mất đi tính đảm bảo về điều kiện hưởng lương hưu nên cá nhân có thể phải tự tham gia bảo hiểm y tế; không được hưởng trợ cấp mai táng và tử tuất khi chết; nhận được số tiền BHXH 1 lần ít hơn số tiền đã đóng BHXH. Mạnh tay xử lý doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, gần 10.000 tỉ đồng BHXH bị trốn, bị chậm đóng mỗi năm trong giai đoạn 2016-2022 là con số lớn, gây nhiều hệ lụy. Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2022, có tới 2,6 triệu người lao động bị chậm đóng BHXH, số tiền khó có khả năng thu hồi do doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn là 2.500 tỉ đồng. Nguyên tắc của BHXH là “có đóng mới có hưởng” nên khi tiền BHXH bị doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng, quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng, như không được chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, hưu trí, tử tuất. Đại biểu Ma Thị Thúy (tỉnh Tuyên Quang) băn khoăn: “Tại sao không coi các khoản đóng BHXH bắt buộc như khoản thuế và quy định chế độ quản lý việc thu BHXH bắt buộc như quản lý thu thuế? Nhiều nước trên thế giới quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển cho cơ quan BHXH. Họ cũng quy định xử lý hình sự hành vi trốn đóng, chậm đóng, nợ BHXH theo pháp luật quản lý thuế nên không có tình trạng chây ì, trốn đóng, chậm đóng, nợ BHXH kéo dài”. Theo bà, nếu Việt Nam cũng áp dụng cách này thì sẽ bớt đi việc bàn thảo sửa đổi luật, giảm bớt quy định về thanh tra, kiểm tra, tố tụng, khiếu kiện và tinh giản được các bộ phận quản lý thu BHXH. Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (TPHCM) cho rằng, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cần bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bởi hành vi này đang xảy ra khá phổ biến. |
Minh Quang