Thật tình, đôi lúc chính tôi cũng tự hỏi mình: "Có phải vậy không? Mình có thay đổi không? Mình rút ra được kinh nghiệm gì sau đổ vỡ không? Người sau có phải có nhiều “tuyệt chiêu” hơn không?...".
Việc kết thúc hôn nhân có thể do một trong ba nguyên nhân, hoặc cả ba: 1. Sự quan tâm và tôn trọng nhau bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 2. Không còn hấp dẫn nhau cả về thể xác lẫn tâm hồn (chính yếu). 3. Một trong hai người vi phạm lời thề chung thủy.
Người ta thường bắt đầu từ yếu tố thứ nhất, sự tôn trọng và quan tâm, điều từng kéo hai người lại với nhau. Rồi mọi thứ trở nên nhạt dần, dẫn đến “chán ngán”. Cuối cùng là người đàn ông sẽ tìm vui bên ngoài, cam kết chung thủy bị vi phạm - bước ngoặt để đi đến quyết định ly hôn.
Khi đổ vỡ, đàn ông thường là đối tượng dễ bị kết án, nên đâu đó trong tâm hồn anh ta cảm thấy bị tổn thương hoặc ấm ức do không được đánh giá đúng. Rồi chuyện bị chia cắt với con của mình… Vì thế, khi bắt đầu một mối quan hệ khác, anh ta mang theo trong mình một vết sẹo hay có thể là một vết thương không lành, đòi hỏi người phụ nữ tiếp theo đến với anh ta phải thích ứng và đương đầu với vết tích đó.
Nhiều người, bao gồm cả người trong cuộc, khi thấy một người đàn ông đã ly hôn tiếp cận với mối quan hệ mới vẫn nghĩ anh ta là người đã có kinh nghiệm, nên sẽ biết ứng xử tốt hơn, biết cách làm cho người phụ nữ sau hài lòng hơn… Sự thật không phải vậy. Dù là ai, dù kinh nghiệm đến thế nào, thì mối quan hệ mới luôn đầy bối rối và mới mẻ. Đó chính là điều thu hút hai người đến với nhau, bởi không ai và không thứ gì có thể lặp lại y như chuyện cũ hay người cũ để có thể ứng xử bằng kinh nghiệm.
Do sự khác biệt luôn tồn tại, nên vấn đề là hai người trong cuộc vẫn phải học lại từ đầu cách đối thoại và thông hiểu nhau. Tôi vẫn nghĩ, vấn đề không phải là các bạn không làm phát sinh mâu thuẫn với nhau mà cốt yếu là các bạn giải quyết mâu thuẫn như thế nào.
Mối quan hệ sau của người đàn ông đã ly hôn không thể tự nhiên trở nên tốt hơn so với trước, mà tùy thuộc vào việc họ đối thoại với nhau thế nào, lắng nghe và thông hiểu nhau ra sao. Trong chừng mực nhất định, hai người yêu nhau hay đã thành vợ chồng thì cũng chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc khi biết cố gắng cân bằng các yếu tố tạo thành tình yêu, như Sternberg đã nêu trong lý thuyết của ông về tam giác của tình yêu: sự thân mật, sự đam mê và sự cam kết. Tôi thấy mọi sự việc đều bắt đầu và kết thúc với khả năng giao tiếp tích cực của cả hai nhân vật trong một mối quan hệ.
Tôi xin nhấn mạnh, yếu tố kinh nghiệm của người đàn ông chỉ là một điểm cộng thêm khi anh ta đến với một người phụ nữ tiếp theo, còn lại thì toàn bộ con người của anh ta vẫn như cũ: tính tình, năng lực, công việc, quan niệm sống, quan niệm về tình yêu… Tất cả có thể có hoặc không có thay đổi sau khi chia tay với vợ cũ.
Người đàn ông sau khi chia tay cũng có thể học được một vài kinh nghiệm nào đó, nhưng thường thì nó sẽ không có giá trị là bao trong mối quan hệ mới, thậm chí có khi còn gây ra chuyện không tốt cho quan hệ mới. Chẳng hạn, một người đàn ông đã thường xuyên bị người vợ cũ coi thường thì có thể anh ta sẽ rút kinh nghiệm bằng cách không để chuyện đó diễn ra với người phụ nữ tiếp theo. Từ đó, anh ta có thể trở nên quá cứng nhắc hoặc quá nhạy cảm với hành vi hoặc lời nói của người phụ nữ mới, phát sinh những phản ứng không nên có.
Việc rút kinh nghiệm của người đàn ông còn liên quan đến việc họ chọn gắn bó với một người thế nào trong mối quan hệ tiếp theo, nghĩa là anh ta sẽ chọn lựa có cân nhắc hơn và ý thức rõ hơn về các yếu tố liên quan đến việc xây dựng và duy trì quan hệ; còn trong đời sống hôn nhân với người mới thì kinh nghiệm với người cũ rất khó có thể áp dụng.
Người đàn ông sau khi ly hôn cần một khoảng thời gian để được chữa lành thật sự và sau khi đã “hoàn hồn” trở lại, anh ta có thể có chút thay đổi về con người của mình và bước vào mối quan hệ mới với con người mới.
Chúng ta thường cho rằng, trong mối quan hệ mới anh ta đã trở nên tốt hơn nhưng thật ra chỉ là anh ta “mới” hơn do đã bước vào mối quan hệ mới với một con người mới. Nếu người đàn ông sau ly hôn không có đủ thời gian để làm mới lại bản thân thì trong mối quan hệ tiếp theo anh ta cũng sẽ gặp những rắc rối tương tự hoặc những rắc rối mới, khác rắc rối với người cũ.
Dù thế nào thì việc chuẩn bị cho một cuộc hôn nhân là vô cùng quan trọng và cần thiết với bất kỳ ai. Có thể quan hệ với người vợ cũ trục trặc vì thiếu sự chuẩn bị, nhưng mối quan hệ mới thì đã có sự chuẩn bị tốt hơn nên thành công hơn.