“17g ngày 26/4/1975, tiếng súng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nổ dồn, quân ta mở cuộc tấn công lớn trên các hướng tiến về Sài Gòn. Sau 45 giờ 30 phút chiến đấu thần tốc, dũng mãnh; chiến dịch toàn thắng. Miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất”. Chiến thắng lịch sử ghi nhận công lao của hơn 200.000 phụ nữ tham gia chiến dịch với ba mũi giáp công: chính trị - vũ trang - binh vận… Ngày 27/4 vừa qua, ở chương trình giao lưu Những người phụ nữ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức, chân dung của những “cỏ lau thép” đã được tái hiện…
|
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ - cô gái năm xưa ngồi xe tăng, dẫn đường cho bộ đội tiến vào giải phóng Sài Gòn |
Ngày vui không tả xiết!
“Năm 1959, Củ Chi là quê hương đồng khởi thứ hai. Khi đó tôi 12 tuổi, được các cô chú cách mạng giao nhiệm vụ liên lạc. Má giao thêm cho tôi nhiệm vụ tiếp tế cơm nước cho cán bộ nằm vùng” - bà Vũ Minh Nghĩa kể về những tháng ngày tham gia cách mạng. Bà chậm rãi: “Bao bận sống chết ngàn cân. Giờ, tôi ngồi đây càng nhớ về những ngày tháng Tư năm đó - những ngày để đi đến một ngày mà niềm vui không làm sao kể xiết”.
Năm 1974, bà Nghĩa được trao trả theo Hiệp định Paris. Về từ nhà tù Côn Đảo, bà tiếp tục tham gia đơn vị tình báo J22, Bộ Tham mưu Miền. Đêm 29/4/1975 là một đêm thức trắng của bà cùng đồng đội, sau cuộc hành quân dài từ mật khu Hố Bò (Củ Chi) về căn cứ ở chợ Hóc Môn, được sum họp cùng với các má, các dì và đồng đội với niềm vui chiếm được Đồng Dù trong sáng đó.
Sáng 30/4, đơn vị bà tiếp tục theo đoàn xe tăng hành quân về đường Quang Trung hướng về Sài Gòn. 11g30, chiếc radio của đội phát đi lời tuyên bố đầu hàng, một tiếng reo mừng mà nước mắt đã trào trên từng gương mặt của đoàn hành quân. “Sau đó, một cảnh tượng không sao xóa nhòa. Lính quân dịch lột hết quần áo lính, xin xá tội; tôi cùng đồng đội khuyên các anh cứ bình tĩnh trở về gia đình, Quân giải phóng đã về đây rồi. Người dân khắp nơi đổ ra hai bên đường, hân hoan, hò reo đón chào đoàn Quân giải phóng. Đó là ngày mà tôi đã mơ tưởng từ khi bước chân vào hoạt động cách mạng, những năm tháng ngục tù càng rõ nét trong sự hình dung, tin tưởng” - bà Nghĩa rưng rưng.
Cũng ngày đó, đơn vị của bà Nghĩa đóng tại Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), chiếm được kho vũ khí, binh nhu của binh lính địch… “Tôi hạnh phúc vô cùng vì còn sống để chứng kiến ngày tháng Tư năm đó” - giọng bà chùng xuống. Cả khán phòng im lặng. Người con gái tham gia biệt động thành năm xưa đưa những người có mặt ngược về cuộc chiến oai hùng, để thấu một quãng trường kỳ của chiến tranh, bom đạn, giữa sinh tử gang tấc.
Đó là chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, bà Nghĩa cùng 14 chiến sĩ biệt động của Đội 5 nhận nhiệm vụ đánh vào Dinh Độc Lập. Quân không tương quan so với địch không làm ai sợ hãi. Trước giờ vào trận, họ hứa với đơn vị: “Dù lực lượng ít, nhưng chúng tôi rất vinh dự, tự hào được giao một điểm đánh là đầu não của địch. Chúng tôi hứa sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, dù phải hy sinh”.
|
Bà Lại Thị Kim Túy |
Cuộc chiến ác liệt, đội đã chiến đấu bằng lời hứa với mình, với đơn vị; bằng niềm tin cách mạng. Nhưng kế hoạch không thành. Hơn một nửa đồng đội hy sinh, vị thủ trưởng gục chết trên vai bà; số còn lại cũng bị bắt, tra tấn, đưa về các trại giam. “Ngày 30/4 là một niềm vui bất tận, vỡ òa trong từng người con của dân tộc, và của bản thân tôi. Niềm vui đưa tôi nhớ về những cuộc ngã xuống của đồng đội. Tất cả sự hy sinh đều dành cho ngày đại thắng” - nước mắt chưa bao giờ khô lại khi nhớ về ngày cũ, lăn dài trên gương mặt người nữ biệt động Sài Gòn.
Cuộc chiến đấu thắng lợi, nối liền một dải đất nước không chỉ chứng kiến sự gan dạ, quả cảm của những người phụ nữ trên chiến trường, tham gia lực lượng vũ trang. Mà còn đậm dấu mưu trí, kiên cường của các mẹ, các dì, các chị trên khắp các tuyến hành lang phục vụ cuộc chiến. Cũng ở buổi giao lưu, bà Lại Thị Kim Túy hồi tưởng quãng dài trong công tác giao liên trực tiếp, thuộc Ban Chỉ huy Lữ đoàn 316, Bộ Tham mưu Miền; vượt qua khó khăn, gian khổ, khốc liệt chung của cuộc chiến trên cả chiến trường miền Nam, để hoàn thành nhiệm vụ.
Những con đường đầy gian nguy từ chiến trường Campuchia về Tây Ninh, Tân Biên, Bình Tân… in hằn dấu chân người nữ giao liên này, để luồn lách, mưu trí trong xử lý tình huống, nhằm bươn qua bao trạm chốt kiểm soát mà dẫn đường, đưa rước cán bộ, bộ đội, tham gia vận tải, tải thương…
Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, bà Túy được phân công dẫn đường cho lực lượng 316 biệt động đánh vào cánh Tây Nam Sài Gòn. “Hành quân đến ngã tư Paris - Tân Quy thì tôi bị trúng đạn, bị thương ở chân, đồng đội muốn đưa tôi về phía sau để trị thương nhưng tôi không đồng ý. Nhờ bác sĩ quân y trong đoàn băng tạm vết thương, tôi cùng đoàn tiếp tục tiến về Sài Gòn” - bà Túy bồi hồi. Trong cuộc hành quân đó, đến cầu Rạch Chiếc thì đoàn của bà đụng mặt binh lính địch. Trận đánh làm 52 chiến sĩ hy sinh. Đến Bình Tân, sau một trận đánh, lực lượng đã đánh chiếm được các đồn bốt địch và tiếp quản địa phương này.
Cỏ lau thép
Ở tuổi 74 và cuộc chiến đã đi qua 46 năm, bà Túy chưa từng ngưng thổn thức khi nói về nó, bằng tất cả tình yêu, ngưỡng vọng, hạnh phúc lẫn đau đớn trước những gì cuộc chiến tước đoạt. Bà trầm giọng: “Bản chất của người phụ nữ, bất kể dân tộc, thời đại nào, cũng đều yêu hòa bình, cũng chung một ước nguyện sống bình an bên nhau. Chiến tranh đem đến cho người phụ nữ rất nhiều đau khổ, buộc họ phải cầm vũ khí”.
Câu nói đưa bà trở về với hồi ức những người mẹ, người chị, người em anh dũng, kiên trung tham gia hoạt động cách mạng. Không mặt trận nào không có dáng hình họ. Đào mương đắp đường, tải thương tải đạn; giặc tràn thì cầm súng, trực diện đấu tranh… Cách đây 46 năm, có một cô gái người Bình Dương tên Nguyễn Thị Ngọc Mỹ ngồi trên xe tăng, hướng dẫn bộ đội từ Lái Thiêu, tiến vào giải phóng Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
|
Quang cảnh buổi giao lưu |
Trong thời gian chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tình hình ở Lái Thiêu rất căng thẳng, ác liệt. Bấy giờ, đó là nơi chính quyền Sài Gòn tuyên bố: “Địch (tức Quân giải phóng, bộ đội ta) ở đây mà còn, thì Sài Gòn mất!”. Do đó, mỗi một mét đường đều bị vây ráp dữ dội, việc đi lại của cách mạng để nắm tình hình các cơ sở gặp nhiều khó khăn.
“Tổ chức phân công tôi về bám trụ ngay giữa lòng địch, trực tiếp nắm rõ tình hình, báo cáo để kịp thời chỉ đạo tác chiến” - bà Mỹ kể. Đêm 29/4/1975, tiếng súng nổ dồn dập, người nữ giao liên Nguyễn Thị Ngọc Mỹ đang cùng cơ sở cách mạng may cờ giải phóng, thì phát hiện rất nhiều người dân chạy ra đường hoảng loạn, không biết đi đâu, về đâu giữa tiếng súng nổ trên đầu. Bỏ công việc dang dở, bà Mỹ cùng lực lượng cơ sở đi vận động bà con về nhà. “Khi ghé vào cơ sở má Sáu Ngẫu, tôi gặp Ban Chỉ huy Trung đoàn 27. Qua trao đổi, tôi biết lực lượng chủ lực đang ém quân tại ngã tư Hòa Lân, Thuận Giao. Biết các anh không rành đường sá, lúng túng hình dung thực địa, tôi tình nguyện làm người dẫn đường” - bà Mỹ hồi tưởng.
Trèo lên chiếc xe tăng dẫn bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn, bà cùng với Trung đoàn 27 nhanh chóng tiêu diệt tiểu đoàn địch ở Củ Chi mới tăng viện về bảo vệ Lái Thiêu; bao vây và chia cắt, buộc địch ở trung tâm huấn luyện đầu hàng. Lực lượng tác chiến nhanh chóng chiếm Vĩnh Bình và cầu sắt Lái Thiêu. “Được ngồi trên xe tăng làm nhiệm vụ dẫn đường cho các anh, tôi phấn khởi đến mức 46 năm qua chưa bao giờ quên được cảm giác vui sướng ấy. Vào thời khắc lịch sử của ngày 30/4 đó, dù có phải hy sinh tôi cũng thuận lòng, mỉm cười hạnh phúc. Bởi tôi ý thức được rằng: chết cho Tổ quốc là cái chết vinh quang” - cô gái dẫn đường năm xưa kết luận tại buổi giao lưu.
***
Thời gian có trôi qua, lịch sử vẫn ghi mãi những chiến công và hy sinh thầm lặng. Những người phụ nữ trong chiến dịch Hồ Chí Minh, có lẽ, cũng là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong mọi thời đại. “Các chị giống như cây bông lau mềm mại” - bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, tại buổi giao lưu, nhắc lại nhận xét của Tổng Thư ký Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế trong một chuyến nghiên cứu vai trò, phong trào của phụ nữ Việt Nam. “Ngay sau câu nhận xét đó, người phụ trách phong trào phụ nữ dân chủ thế giới đã lập tức bổ sung: “Cây bông lau đó bằng thép!” - bà Thắm kể lại.
Tuyết Dân