Cô không phải là bà phù thủy ác độc

14/09/2014 - 08:02

PNO - PNCN - Ngày xưa đó, buổi mới cắp sách đến trường, tôi là một cô bé gầy gò nhưng rất ương bướng và cứng đầu nên hay bị đòn: lúc bị khẻ vào tay, lúc ăn cái cốc. Cô giáo tóc đã bạc, đôi mắt đầy vết chân chim, nhăn nhíu và...

edf40wrjww2tblPage:Content

Co khong phải la ba phu thuy ac doc

Cô giáo mầm non - ẢNH KHẮC HIẾU

Thời gian như bóng câu. Định mệnh đưa đẩy, tôi hôm nay lại đứng trên bục giảng. Nhìn những đôi mắt long lanh, những cái đầu xù xụ, những bàn tay cầm cây viết còn cong vòng, tôi thấy lòng mình trỗi lên khúc thương yêu, một thương yêu da diết đến lạ kỳ: “Em phải cầm bút thế này”. Tôi cúi xuống. Mái đầu em thơm hương tóc, bàn tay em no tròn bụ bẫm, thoang thoảng hương sữa. Em nhìn tôi, cái nhìn trong veo và tôi thấy ở đấy lung linh đêm sao trời Pleiku yêu dấu. Tôi cầm tay em, giữ chặt để em vẽ những nét vẽ đầu tiên trong đời và chợt nhớ cô giáo “phù thủy” ngày xưa. Lòng tôi xốn xang, đã có những lần cô cầm tay cho tôi viết, nhưng cái con nhỏ ngu ngốc là tôi vẫn ghét cô căm căm.

“Con cám ơn cô”, cô bé học trò lí nhí trong miệng và tôi lại thấy mình thật là ương bướng khi ngày xưa chưa biết thế nào là lời nhỏ nhẻ cảm tạ, dù đã mài mòn đũng quần trên ghế suốt cả bậc tiểu học rồi phổ thông. Thật không bằng cô bé lớp 1 hôm nay. Ngày xưa dại khờ…

Ngày ấy, đất nước còn nghèo, bữa cơm độn khoai với mì, bụng lưng lửng đói, nhưng thầy cô đêm đêm vẫn miệt mài bên chồng bài tập học trò. Dưới ngọn đèn tù mù, khi mờ khi tỏ, thầy cô sửa từng lỗi chính tả, từng dấu phẩy, suy nghĩ ghi một nhận xét làm thế nào có thể chỉ ra được ưu khuyết của bầy trẻ thơ dại.

Đêm không có nhạc xập xình, không có ti vi phim ảnh, thầy cô chỉ vùi vào trang giáo án, trở trăn để có một bài soạn tốt cho tiết học ngày mai. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Mỗi người trong cuộc đời mình đã nợ thầy cô bao nhiêu chữ? Không thể cân đo đong đếm, thế nhưng đã có thời gian tôi nhìn cô giáo mình bằng cái nhìn ác cảm, gán cho một cái danh tự xấu xa “bà già phù thủy”. Đôi khi, thầy cô có thể nói to, có thể giận, có thể khẻ thước vào tay vì vở bài bẩn, vì lười biếng… nhưng có lẽ thầy cô rất đau lòng. Nhất định vậy, những ngày thơ dại, tôi đã sai!

“Không thầy đố mày làm nên”. Nếu không có thầy cô dẫn dắt, tôi đã không được làm thầy và giờ này biết đâu là một tiểu du thủ du thực, lang thang góc phố bụi đường, sa chân lầy lội hay sa đọa hoang đàng, không góp được chút sức lực cho cuộc đời thêm mấy phần tươi đẹp.

Tôi nhìn xuống lớp. Những mái đầu chăm chú vẽ, những nét cong queo, những hình tròn, ô vuông. Tôi đi về cuối lớp, em bé trai tóc xù ốm tong mải mê nói chuyện. “Sao em không vẽ?”. Em nhìn tôi, miệng mím lại, vẻ ương bướng: “Em không thích vẽ!”. Tôi nhìn thấy tôi bao nhiêu năm trước, và chợt mỉm cười, lòng gợn chút bình yên: “Em không thích vẽ hình cô cho trên bảng, vậy em thử vẽ những hình mà em thích, thế em thích vẽ hình gì?”. “Em thích vẽ nhà”.

Tôi mỉm cười, cầm tay cu cậu và hướng dẫn thằng-bé-tôi vẽ một ngôi nhà: “Đầu tiên em vẽ cho cô những đoạn thẳng thế này... rồi nối chúng lại với nhau ta sẽ có một ngôi nhà với nhiều ô cửa sổ…”. Tôi hướng dẫn em vẽ, em nhìn tôi, vẻ mặt đã không còn căng thẳng. Im lặng, em cúi xuống vẽ một ngôi nhà khác. Tôi nhìn em, lại thấy tôi những ngày xưa cũ và biết bao nhiêu người đã không nghĩ đến những chuyến đò đưa mình qua khúc sông tuổi thơ .

Ngoài trời mưa bay. Tôi lại nhìn thấy ngôi trường tuổi thơ và hình ảnh “cô giáo tôi tóc bạc, lưng khòm, đôi mắt đầy vết chân chim, nhăn nhíu”. Em xin lỗi cô. Cô không phải là một bà phù thủy ác độc. Chỉ có em mãi là cô học trò ương bướng của cô. 

Lê Vi Thủy
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI