Có kẻ lén bỏ dòi vào nước mắm?

11/03/2019 - 07:00

PNO - Đến giờ phút này, dư luận và dân làm nước mắm truyền thống không tin, không phục mấy cơ quan ở cấp vụ, viện chi đó rồi, bởi họ nghi có… dòi. Vậy cấp cao hơn hãy lên tiếng đi...

Lại một lần nữa, hàng trăm ngàn doanh nghiệp, hộ nông dân, các làng nghề làm nước mắm truyền thống trong cả nước đã bị “delete” khỏi buổi gặp gỡ báo chí chiều 8/3 do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức, trao đổi về những nội dung liên quan đến dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (TCVN 1260: 2019).

Dân không được mời và thế chỗ họ là các chuyên gia về an toàn thực phẩm. Khi một phụ nữ đưa tay phát biểu, nói như hét: “Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói”, liền bị đuổi ra khỏi phòng.

Người đó là tiến sĩ Trần Thị Dung - chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bà cũng là người hai năm trước đã lên tiếng minh oan cho nước mắm truyền thống khi bị gán mác “nhiễm asen”.

Co ke len bo doi vao nuoc mam?
Tiến sĩ Trần Thị Dung - chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ của Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tôi, một lần nữa nghi ngờ động cơ có dòi trong mắm từ dự thảo lần này.

Có mấy câu hỏi. Một, sao không đưa ra quy định phân biệt rõ ràng nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp? Hai, sao không lấy ý kiến dân, những người làm nghề nước mắm truyền thống? Ba, tại sao không chấp nhận ý kiến các chuyên gia về nước mắm truyền thống? Bốn, các chuyên gia về thực phẩm chức năng nói về nước mắm truyền thống, liệu có chính danh không, có đại diện cho quyền lợi người dân không và có đảm bảo tính đúng đắn của những đánh giá khoa học không?

Các hiệp hội nước mắm đã gửi kiến nghị đến Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Đây không chỉ là chuyện áo cơm của họ mà còn là câu chuyện quốc thể, khi con đường vươn ra thế giới có nhiều cách thì ẩm thực luôn đi đầu, trong đó, nước mắm truyền thống có vị trí xứng đáng. Đừng nghĩ các làng nghề làm bừa bãi.

Một ví dụ là nước mắm Phú Quốc đã thiết lập được hàng rào kỹ thuật đạt chuẩn. Họ tự làm để tồn tại, để vươn ra khỏi Việt Nam và họ thực sự đã góp mặt trên bản đồ nước mắm thế giới.

Người ta lấy làm lạ là, các bộ ngành sao không xắn tay áo xuống với dân, tư vấn họ từ các dữ liệu khoa học đến vốn, để họ làm cho thương hiệu nước mắm truyền thống trở nên lung linh hơn? Sao lại chơi trò “lộn sòng”, “lập lờ đánh lận con đen” để đẩy nước mắm truyền thống đến chỗ chết? Thường nghe, câu trả lời tắp lự là “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

Câu chuyện nước mắm truyền thống nhiễm asen hai năm trước có lẽ chưa... đủ đô để ai đó vì tiền mà quên đi sợ hãi. Lần đó, còn nhớ, chẳng cơ quan quản lý nhà nước nào đứng ra chịu trách nhiệm. Ở đây là nói cấp bộ. Lần này lại ầm ĩ, sao bộ trưởng các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ cũng im lặng?

Co ke len bo doi vao nuoc mam?
Làm nước mắm truyền thống

Chuyện này có lẽ phải nhờ đến các đại biểu Quốc hội đem ra nghị trường chất vấn. Chuyện rành rành như thế mà các ông bà đẻ ra dự thảo cũng làm được, thì một lần nữa, các vị coi dân, coi nghề truyền thống, coi niềm tự hào ẩm thực của đất nước chẳng ra gì. Tại sao không minh bạch, không công khai, lấy ý kiến rộng rãi? Cứ điều tra đi, sẽ biết liền.

Nếu các vị không trả lời được, thì lãnh đạo Chính phủ phải đứng ra trả lời dân. Điều này là bình thường, bởi khi xảy ra vụ asen năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng, việc làm đó là phá hoại kinh tế quốc gia.

Người làm mắm hay nói có hay không có “tay” muối cá. Có người muối ngon, có kẻ muối dở, lại có tay làm mắm tới ngày tháng đem ra ăn thì thấy dòi bò lúc nhúc. Có dòi, bởi che đậy không kỹ, ruồi bu kiến đậu, rồi cá, nước không sạch. Dòi thì bỏ chứ không dám ăn. Làm dở, thiên hạ chê thì mình chịu, nhưng mắm mình ngon mà hàng xóm gắp dòi ném vô rồi bắt mình đổ đi, thì họ xứng đáng bị hắt nước mắm vô mặt.

Đến giờ phút này, dư luận và dân làm nước mắm truyền thống không tin, không phục mấy cơ quan ở cấp vụ, viện chi đó rồi, bởi họ nghi có… dòi. Vậy cấp cao hơn hãy lên tiếng đi, khi tiêu chuẩn hay quy chuẩn, tự nguyện hay bắt buộc, thực ra là cách nói lấp lửng khoác áo quản lý nhà nước. Bởi với cái “màu” này, hễ không tỉnh táo, dân làm nước mắm truyền thống bị lén bỏ dòi liền. Lúc đó, kêu cứu cũng bó tay. Mà lúc đó, nhìn mắm nào cũng thấy dòi.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI