Đò gần đến đảo, chị Kim Thanh chỉ cho tôi những dãy nhà lầu, ngói đỏ nổi bật bên sông, đó là trường cấp III và tòa nhà ủy ban của xã đảo Thạnh An. Chị làm dâu xứ đảo đã mấy mươi năm, từ lúc điện còn chưa về đảo. Giờ thì bọn trẻ được học vi tính, tiếp cận với công nghệ. Những đứa con của chị lớn lên đã khác hơn đời cha mẹ. Chúng được ra huyện, lên phố tiếp tục sự nghiệp học hành…
Hừng đông, chúng tôi khởi hành đi Thạnh An.
Cuối năm, trên chuyến đò ra đảo không chỉ có người dân đi chợ huyện về mà còn có cả du khách. Chuyến đò quê thân thiện, rôm rả những lời chào, hỏi thăm nhau. Gần một giờ đồng hồ di chuyển trên sông, chuyến đò ngang không lúc nào vắng tiếng nói cười.
Tôi quên mất cảm giác buồn ngủ, mỏi mệt khi phải dậy sớm để kịp chuyến đò sớm nhất ra đảo, cũng hào hứng hòa vào cuộc chuyện trò với mọi người. Nghe để hiểu hơn về Thạnh An - xã đảo xa xôi nằm cách thành phố chừng 70km và phải di chuyển bằng đủ loại phương tiện, mất hàng giờ mới đến nơi.
Đảo Thạnh An nhìn từ xa trông như một con tàu, được bao bọc bởi vạt rừng xanh ngát vững chãi. Chị Kim Thanh cho biết, suốt hai mùa giãn cách vì dịch COVID-19 trong năm 2020, đảo Thạnh An không có du khách. Chỉ dạo gần đây, “người thành phố” mới lại ra đảo chơi.
Trên chuyến đò hôm ấy, có cả tuổi trung niên lẫn người trẻ, họ hào hứng khi lần đầu được ra đảo Thạnh An. Người lớn hỏi chuyện làm ăn, kinh tế của dân đảo; bọn trẻ thì rủ nhau ra ngoài chụp ảnh với mây trời sông nước.
Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ (TP.HCM), mà nghe dân đảo gọi mình là “người thành phố”, chúng tôi cứ tủm tỉm cười. Quả là, cùng một thành phố mà sao từ trung tâm đến đây lại khác nhau nhiều quá. Cảm giác cứ như thể đến một miền biển đảo xa xôi.
Tàu cập bến Thạnh An. Khi chúng tôi còn loay hoay chưa biết bắt đầu thế nào thì đã có người dân nhiệt tình hướng dẫn: thuê xe máy tham quan một vòng quanh đảo, giá 5.000 đồng/khách/tour. Giá thuê đã bao gồm cả tài xế, hoặc khách cũng có thể tự chạy xe máy. “Trước đó, giá thuê xe/tài xế chỉ 3.000 đồng. Sau này thấy như thế rẻ quá nên mọi người đề xuất được tăng giá” - chị Thanh giải thích.
Chúng tôi chọn cách tự chạy vòng quanh đảo. Xã đảo Thạnh An có diện tích khoảng 13.000ha, bao gồm cả phần rừng ngập mặn nhưng đoạn đường tham quan quanh khu dân cư chỉ khoảng vài cây số. Anh Phước - chủ xe máy - giao xe, giao nón cho chúng tôi, cẩn thận kiểm tra bình xăng và nhiệt tình hướng dẫn lối đi, những điểm cần dừng chụp ảnh.
Đang vào kỳ nghỉ lễ, lối vào khu dân cư hai bên treo cờ đỏ rực. Những chậu hoa giấy, dừa cạn, sao nhái làm duyên cho những thềm nhà. Những ngày cận tết, người dân phơi củ hành, củ kiệu cùng những nong nia cá khô phảng phất hương vị mặn mòi của biển.
Chúng tôi tìm đường đến đê chắn sóng, nơi tha hồ cho khách những góc ảnh đẹp. Gió lồng lộng thổi, đứng trên đê nhìn ra sông nước, cảm nhận sự sống thật kỳ diệu. Giữa mênh mông nước này, có một hòn đảo xanh. Điều kiện sống từng khó khăn, thiếu thốn biết bao nhiêu, vậy mà từ nơi ấy, bao thế hệ lớn lên, lưu dấu những cuộc mưu sinh, gầy dựng, lập nghiệp, truyền đời...
Tour khám phá đảo Thạnh An có thể đi về trong ngày, chuyến đò cuối cùng rời Thạnh An về lại Cần Giờ lúc 17 giờ. Nếu muốn nghỉ lại qua đêm, khách có thể lưu trú tại các nhà nghỉ trên đảo. Từ lúc điện về đảo, năm 2015, nhiều hộ gia đình đã đầu tư các phòng cho thuê có máy lạnh, wifi.
Chị Kim Thanh nói, có khi khách chỉ cần đến ăn hải sản, gia chủ cũng sẵn sàng miễn phí phòng ở. Hoặc khách cũng có thể nghỉ đêm tại nhà dân, rồi tổ chức tiệc nướng, hát hò… Thạnh An có thể còn nhiều thiếu thốn nhưng không thiếu tấm lòng, ân tình dành cho khách phương xa.
Sau khi viếng lăng Ông, miễu Bà, tham quan chụp ảnh khắp đảo, khách tiếp tục thưởng thức bữa trưa với đặc sản tươi ngon, giá rẻ bất ngờ. Đặc biệt nơi này có hàu do người dân đảo nuôi và chế biến tại chỗ, với các món: hàu chấm mù tạc, hàu nướng phô mai, hàu sữa nấu canh chua, hàu chiên giòn...
Đảo Thạnh An không có nhiều ruộng muối, kinh tế đảo chủ yếu là đánh bắt thủy hải sản gần bờ, nuôi hàu… Tham quan bè nuôi hàu cũng là một trải nghiệm thú vị. Bè được làm bằng hệ thống các thùng phuy, lưới, mùn, cát, các tấm xi măng được đổ thành khuôn chữ nhật hoặc hình vuông, bọc lưới thả xuống lòng sông. Hàu sẽ bám vào những tấm xi măng này.
Nghề nuôi hàu chỉ nặng phần đầu tư xây bè, còn lại không tốn nhiều công sức như nghề làm muối. Thậm chí người dân cũng không cần phải cho ăn, không cần vốn lớn. Sau khoảng sáu tháng đến một năm là thu hoạch. Có người giàu lên nhờ nuôi hàu mấy năm qua.
Không có gì làm khó được con người, từ miền rừng ngập mặn nằm giữa con sông Lòng Tàu và sông Thị Vải ấy, sự sống không ngừng phát triển.
Nhiều năm trước, phương tiện ra đảo chỉ có đò ngang, chạy theo giờ quy định. Hiện tại, dân đảo đã tự chủ hơn với các phương tiện khác: ca-nô hoặc vỏ lãi. Nhiều hộ gia đình đầu tư được phương tiện cá nhân, rút ngắn thời gian “đi huyện” từ một giờ xuống chỉ còn mươi phút.
Khám phá đảo Thạnh An chỉ cần một ngày là đủ nhưng nếu bạn muốn trải nghiệm cuộc sống cùng người dân thì ở lại qua đêm cũng là một lựa chọn thú vị. Như thế sẽ được ngắm cả hoàng hôn lẫn bình minh, cùng người dân đi kéo lưới, bắt cá; có thêm nhiều thời gian khám phá rừng ngập mặn, chèo thuyền kayak trên sông…
Chúng tôi trở về trung tâm thành phố vào buổi chiều muộn bằng vỏ lãi (tắc ráng, là một loại xuống máy nhỏ, chạy với tốc độ cao so với đò máy thông thường). Hình ảnh lưu lại trong ký ức Thạnh An còn có bóng dáng của chú chó Vàng vươn mình trên mũi xuồng. Chú cứ đứng hiên ngang không sợ hãi dù chiếc vỏ lãi đang lướt sóng băng băng, hai bên mạn xuồng bọt tung trắng xóa. Thi thoảng, chú nhảy xuống khoang, thân thiện đón nhận những cái vuốt ve của khách, khuôn mặt như mỉm cười.
Chỉ một ngày sang sông, ra đảo, thấy mình được nhận về bao cảm nhận nguyên lành, quý giá.
Bạn có thể đi grab từ nhà ra Bến Thành, lên xe buýt số 20 xuống phà Bình Khánh, qua phà, đi tiếp xe buýt số 90 về Cần Thạnh, sau đó di chuyển bằng xe ôm khoảng 3km đến bến đò Tắc Suất. Chuyến đò sớm nhất từ Cần Thạnh sang Thạnh An khởi hành lúc 9 giờ sáng (tiếp đến là 11 giờ, 13 giờ và 16 giờ), giá vé 40.000 đồng/người.
Bài, ảnh: Bùi Tiểu Quyên