Cơ hội việc làm cho người vô gia cư tại Anh nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19

06/03/2021 - 12:53

PNO - Giữa lúc nước Anh tiếp tục nỗ lực “đánh bại” COVID-19, một số người vô gia cư bắt đầu nhờ vào diễn đàn dịch vụ xã hội Beam để tìm việc làm trên tuyến đầu phòng dịch. Ý tưởng mang tính lưỡng toàn này hiện được tích cực hưởng ứng, đặc biệt khi tình trạng vô gia cư ở quốc gia Bắc Âu tăng đột biến thời gian gần đây.

Với hàng trăm ca tử vong vì corona ghi nhận mỗi ngày ở Anh, Jolantyte, bà mẹ trẻ đơn thân có 2 con nhỏ, đã phải đắn đo trước quyết định trở thành điều dưỡng viên chăm sóc bệnh nhân COVID-19 trong một bệnh viện tuyến đầu của thủ đô London.

Thế nhưng bất chấp mọi lo ngại, Jolantyte bày tỏ cô thấy “biết ơn vì sự khởi đầu mới”, khi có thể khoác lên đồng phục bệnh viện và đồ bảo hộ để làm việc hằng ngày. Tháng 2 năm ngoái, thời điểm đại dịch vừa bùng phát, Jolantyte bị mất việc làm tại một nhà hàng. Gia đình cô sau đó lâm vào cảnh vô gia cư.

Lều trại của nhóm người vô gia cư trong thị trấn Milton Keynes, tây bắc London. Trước cả cơn đại dịch toàn cầu, vô gia cư đã là thực trạng đáng báo động ở Anh. (Ảnh: TheGuardian)
Lều trại của nhóm người vô gia cư trong thị trấn Milton Keynes, Tây Bắc London. Trước cả cơn đại dịch toàn cầu, vô gia cư đã là thực trạng đáng báo động ở Anh - Ảnh: The Guardian

“Đó là một giai đoạn khốn khổ. Chúng tôi phải chuyển từ nơi ở này đến nơi ở khác, tất cả đều tạm bợ, cho đến khi tôi cạn kiệt tiền tiết kiệm”, Jolantyte, 33 tuổi, người muốn bảo mật họ tên đầy đủ, trả lời phóng viên Reuters.

“Khi ấy tôi không nghĩ sẽ có giải pháp giúp chúng tôi thoát khỏi thảm cảnh”.

Tỉ lệ vô gia cư tại Anh đang đạt mức cao nhất trong vòng 14 năm trở lại đây, từ sau đợt “càn quét” đầu tiên của COVID-19. Tổ chức từ thiện uy tín Shelter - chuyên bảo trợ người vô gia cư trong khu vực Anh quốc và Scotland, cho biết: khoảng 253.000 người dân Anh hiện không có nơi ở ổn định (số liệu thống kê tháng 12/2020). Ước tính vào 3 tháng đầu mùa dịch, có thêm 6.000 người bị mất nhà cửa.  

Sau hàng tháng liền phải nghỉ tạm nơi nhà người quen và phòng trọ, Jolantyte, may mắn thay, đã tìm ra giải pháp cho gia đình thông qua Beam, một công ty dịch vụ xã hội với phương châm trợ giúp người vô gia cư tìm việc làm mới bằng hình thức kêu gọi quyên góp trực tuyến.

Đăng tải thông tin, trình bày hoàn cảnh cá nhân trên trang web kêu gọi đóng góp cộng đồng, Jolantyte đã tích lũy được vốn hỗ trợ gần 3.000 bảng Anh (hơn 95 triệu đồng) từ 200 nhà hảo tâm. Số tiền giúp cô theo học lớp nâng cao tay nghề để trở thành nhân viên chăm sóc y tế, công việc vốn Jolantyte từng ước ao theo đuổi trước đây nhưng không đủ điều kiện.

“Tôi thấy thật vinh dự khi được mọi người hỗ trợ hết mình. Khi bạn có 2 con nhỏ, bạn rất dễ thấy sợ hãi trước COVID-19. Nhưng làm công việc này, tôi đã tự nhủ, người bệnh cần tôi chăm nom hơn bao giờ hết. Nhiệm vụ của tôi là giúp họ tìm thêm động lực và sớm khỏe lại”, cô chia sẻ.

Jolantyte trong bộ đồng phục nhân viên chăm sóc y tế. Cô đang làm việc tại khoa điều trị Covid-19 thuộc một bệnh viện tuyến đầu của London. (Ảnh: Reuters)
Jolantyte trong bộ đồng phục nhân viên chăm sóc y tế. Cô đang làm việc tại khoa điều trị COVID-19 thuộc một bệnh viện tuyến đầu của London - Ảnh: Reuters

Công ty chuyên phát triển dịch vụ xã hội Beam, được thành lập năm 2017, đến nay đã giúp đỡ tìm việc làm cho hơn 120 người vô gia cư. Từ khi xảy ra đại dịch, phần lớn công việc được lựa chọn đều nằm ở vị trí quan trọng, thuộc tuyến đầu phòng chống dịch: nhân viên siêu thị bán lẻ, tài xế vận chuyển hàng hóa, trợ lý, điều dưỡng viên làm việc trong hệ thống Dịch vụ chăm sóc Sức khỏe Quốc gia Anh.

Và yêu cầu công việc “đang ngày một tăng”, theo lời nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Beam, Alex Stephany. “Đang có đông đảo tổ chức từ thiện mong muốn hỗ trợ lực lượng người vô gia cư”.

COVID-19 gây nên hàng loạt xáo trộn nơi nền kinh tế Anh, đồng thời tạo khó khăn cho không ít người lao động, với tỉ lệ thất nghiệp tăng 5% từ tháng 9 đến 11/2020 - con số cao kỉ lục trong 5 năm trở lại đây. Giới chuyên gia dự đoán, sẽ có thêm nhiều người bị mất việc làm nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp.

Stephany nảy ra ý tưởng thành lập công ty hỗ trợ xã hội sau khi làm quen với một người đàn ông vô gia cư tại ga tàu. Anh tin rằng, dẫu mất đi công việc, nhà cửa, những người vô gia cư vẫn có đầy tiềm năng cùng mong mỏi xây dựng lại cuộc sống.

“Tôi nghĩ xã hội chúng ta nên nhìn nhận người vô gia cư theo cách bình đẳng hơn, bởi họ vẫn đủ khả năng đóng góp cho cộng đồng”, Stephany nói.

“Điều đội ngũ Beam nỗ lực làm là giúp họ đảm nhận những vị trí công việc hữu ích, đặc biệt quan trọng nhất là giữa một cơn đại dịch: vận chuyển hàng hóa, chăm sóc bệnh nhân, người cao tuổi, làm việc ở siêu thị - những công việc mang tính chất nền tảng trong xã hội”.

Với Hanifah, một người tị nạn gốc Uganda đến Anh vào năm 2016, công việc nhân viên chăm sóc y tế cô tìm thấy thông qua Beam chính là kết quả đáng trông đợi sau nhiều tháng ngày khó khăn.

Tương tự như Jolantyte, bà mẹ đơn thân Hanifah từng trăn trở về nguy cơ sức khỏe khi làm việc tại trung tâm y tế giữa mùa dịch bệnh. Thế nhưng, cô thấy rất tự hào vì công việc đang làm.

“Sau khi tan ca, tôi phải đối diện nguy cơ mang mầm bệnh trở về nhà, có thể lây truyền cho gia đình - bạn không thể tránh khỏi mối lo ấy”, Hanifah bày tỏ.

“Nhưng mặt khác, tôi cũng hiểu, những bệnh nhân cần ai đó chăm sóc. Nếu tôi ở nhà vì gia đình, ai sẽ chăm lo cho họ? Làm thế nào họ đủ sức vượt qua? Bạn phải tự đưa ra quyết định trong trường hợp này. Dẫu có điều gì xảy ra chăng nữa, tôi muốn ra ngoài và góp sức giúp đỡ”.

Như Ý (theo Reuters)          

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI