|
Giáo sư - tiến sĩ Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế |
Trong mùa dịch COVID-19, Bệnh viện Trung ương Huế đã tìm cách “vượt khó” để tiến hành ghép tế bào gốc tự thân cứu sống nhiều bệnh nhi có bệnh lý u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao và bệnh lý u nguyên bào võng mạc di căn, bệnh lý Burkitt Lymphoma tái phát. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với giáo sư - tiến sĩ Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế - về hiệu quả của phương pháp này.
Khống chế tế bào ung thư an toàn, hiệu quả
Phóng viên: Thưa giáo sư - tiến sĩ Phạm Như Hiệp, thời gian qua, Bệnh viện Trung ương Huế đã rất thành công trong việc ghép tế bào gốc tự thân cứu người, đặc biệt là các bệnh nhi. Ông có thể nói rõ hơn vì sao Bệnh viện Trung ương Huế lại lựa chọn phương pháp này để điều trị?
Giáo sư - tiến sĩ Phạm Như Hiệp: Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai đa mô thức điều trị u đặc trẻ em từ năm 2016. Đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị bệnh lý u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao. Đối với bệnh lý này, cần có sự phối hợp đặc biệt là ghép tế bào gốc tự thân mới có thể đem lại hiệu quả tốt nhất, kéo dài sự sống cho bệnh nhân. Vì thế, chúng tôi đã chỉ đạo và hỗ trợ Trung tâm Nhi (Bệnh viện Trung ương Huế) thực hiện việc ghép tế bào gốc tự thân.
Nhờ việc sử dụng hóa chất liều cao kèm ghép tế bào gốc tự thân đã giúp diệt tối đa các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể, sau đó kết hợp với việc xạ trị sau ghép đem lại hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân. Từ khi triển khai đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 13 ca, trong đó có 11 ca u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, một ca u nguyên bào võng mạc di căn, một ca Burkitt Lymphoma tái phát.
Hiện tại, do số lượng bệnh nhân chờ ghép nhiều, đặc biệt số lượng bệnh nhi trong hai năm nay tăng đột biến, chúng tôi đã triển khai ghép tế bào gốc tự thân cả hai ca thứ 14 và 15 bị u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao cùng một thời điểm.
* Quá trình ghép tế bào gốc tự thân đối với những bệnh nhi ung thư trong mùa dịch COVID-19 có gặp khó khăn so với thời điểm trước đó?
- Bệnh viện Trung ương Huế đang áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho các bệnh lý u đặc ở trẻ em, bao gồm: bệnh lý u nguyên bào thần kinh nguy cơ cao, bệnh lý u nguyên bào võng mạc di căn và bệnh lý Burkitt Lymphoma tái phát.
|
Bé Nguyễn Xuân B. (7 tuổi, ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) mắc u hạch Burkitt Lymphoma là bệnh nhi đầu tiên ở Việt Nam được ghép tế bào gốc tự thân thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế |
Việc triển khai ghép tế bào gốc trong mùa dịch COVID-19 tất nhiên gặp rất nhiều khó khăn: bệnh nhân phần lớn đến từ vùng dịch, nguồn máu để truyền cho bệnh nhân khan hiếm, hóa chất ghép khó nhập hàng... Vì thế, bệnh viện đã phải tích cực vận động hiến máu và liên hệ với các bệnh viện nước ngoài để có được nguồn thuốc ghép cũng như tổ chức cách ly phòng COVID-19 hợp lý cho bệnh nhi và người nhà.
* Theo đánh giá của ông, trong số những ca ghép tế bào gốc tự thân thực hiện trong thời gian qua, ca bệnh nào khiến đội ngũ y, bác sĩ vất vả nhất?
- Trong các ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi, có hai trường hợp là ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên của Việt Nam được thực hiện tại Huế: ca bệnh nhi bị bệnh u nguyên bào võng mạc tái phát và Burkitt Lymphoma tái phát. Trong đó, ca u nguyên bào võng mạc tái phát là ca gặp nhiều khó khăn nhất mà chúng tôi phải dốc hết sức thực hiện.
Cháu bé mới ba tuổi, người dân tộc, bị suy dinh dưỡng, cân nặng chỉ được 11kg. Trước khi thu hoạch tế bào gốc, cháu phải dùng nhiều hóa chất nên việc thu đủ tế bào gốc để ghép cũng gặp khó khăn. Vì thế, lúc tiến hành điều kiện hóa trước ghép với các hóa chất Thiotepa, Carboplatin, Etoposide (là các hóa chất mạnh), cháu bị sốc nhiễm trùng nặng. Chúng tôi đã nỗ lực chăm sóc và xử trí kịp thời để cuối cùng ca ghép đã thành công.
* Nhiều người hiện vẫn còn lo lắng về việc ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh nhi ung thư. Ông có thể chia sẻ thêm những thông tin giúp gia đình bệnh nhân yên tâm hơn khi thực hiện phương pháp này?
- Đối với các bệnh lý ung thư, có một số bệnh không thể chữa khỏi chỉ bằng việc sử dụng hóa chất thông thường mà cần dùng hóa chất liều cao kèm ghép tế bào gốc tự thân, từ đó mới có thể diệt tối đa các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể. Thành công của 13 ca vừa qua cho thấy, ghép tế bào gốc tự thân là phương pháp an toàn và hiệu quả, giúp khống chế tế bào ung thư, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhi.
Không bệnh nhi nào bị bỏ lại phía sau
|
Niềm vui của đội ngũ y, bác sĩ sau khi bệnh nhi Hồ Thị Tr. được ghép tế bào gốc thành công |
* Sau phẫu thuật, liệu bệnh nhi có nguy cơ gặp biến chứng?
- Một ca ghép tế bào gốc tự thân thành công là khi các tế bào máu trong cơ thể trẻ được phục hồi, trẻ mọc được mảnh ghép, không xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng sau ghép và được xuất viện. Sau đó, tùy tình hình cụ thể từng bệnh, bệnh nhi sẽ tiếp tục trở lại bệnh viện để xạ trị hoặc tiếp tục các biện pháp điều trị tiếp theo.
13 ca ghép ban đầu của bệnh viện đều thành công, không xuất hiện biến chứng, các cháu đều khỏe mạnh, chỉ có tỷ lệ nhỏ bị tái phát do tính chất của bệnh.
* Kinh phí là vấn đề mà gia đình bệnh nhi luôn quan tâm. Bệnh viện Trung ương Huế liệu đã có phương án nào giúp cho bệnh nhi ung bướu, đặc biệt là bệnh nhân ngoại tỉnh?
- Ghép tế bào gốc tự thân là một kỹ thuật nằm trong danh mục được bảo hiểm chi trả một phần, vì thế cũng đỡ gánh nặng cho gia đình bệnh nhân. Trong các ca ghép tế bào gốc tự thân được thực hiện tại Huế, nhiều ca từ các tỉnh phía Nam, phía Bắc cũng như miền Trung. Một số ca bệnh có hoàn cảnh kinh tế ổn định và tự chi trả được.
Riêng đối với những ca bệnh có hoàn cảnh khó khăn, hội chữ thập đỏ bệnh viện đã kết nối với các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện để kêu gọi tài trợ, giúp đỡ bệnh nhi. Vì thế, hầu hết các ca ghép đến với Bệnh viện Trung ương Huế luôn cảm thấy an tâm. Trong 13 ca ghép thành công, bệnh viện đã hỗ trợ hoàn toàn kinh phí cho hai cháu người dân tộc và một số bệnh nhân khác.
* Mới đây, Bệnh viện Trung ương Huế vừa ghép tế bào gốc cứu sống bệnh nhi u hạch Burkitt Lymphoma tái phát đầu tiên ở Việt Nam. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển phương pháp này cho các bệnh khác?
- Chúng tôi dự định triển khai ghép tế bào gốc tự thân đối với các bệnh lý u não: medulloblastoma, u tế bào mầm tái phát, một số thể bệnh khác trong nhóm bệnh lymphoma…
Đặc biệt, bệnh viện sẽ thực hiện ghép tế bào gốc đồng loại để điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh lý máu như suy tủy, thalassemia hay các bệnh lý ung thư máu (bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu cấp dòng lympho).
* Xin cảm ơn bác sĩ.
Thuận Hóa (thực hiện)