Giá lúa cao, nông dân lãi khá
Hiện nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch vụ lúa hè thu năm 2023. Chị Nguyễn Thị Trang - ở huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang - cho biết: “Nông dân cắt lúa tới đâu là thương lái đưa ghe tới cân tới đó. Họ mua tại ruộng, trả tiền liền nên nông dân rất vui. Gia đình tôi thu hoạch gần 2ha lúa, năng suất 6,3 tấn/ha, giá bán tại ruộng 6.600 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn vụ hè thu năm ngoái”.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hậu Giang thông tin, trong vụ hè thu này, nông dân trong tỉnh xuống giống 75.200ha, nhiều hơn 700ha so với kế hoạch. Đến nay, nông dân đã thu hoạch hơn 52.000ha. Nhờ bán được lúa nhanh với giá tốt nên vừa thu hoạch xong, bà con liền vệ sinh đồng ruộng, làm đất để gieo sạ tiếp vụ lúa thu đông. Hiện đã có hơn 16.000ha lúa thu đông được gieo sạ.
|
Thương lái thu mua lúa của nông dân Trà Vinh với giá cao - Ảnh: H. Lợi |
Ông Cao Thọ Trường - nông dân xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp - cho hay, gia đình ông sạ hơn 2ha lúa phục vụ xuất khẩu, thương lái mua lúa tại ruộng với giá 6.700-6.800 đồng/kg, lãi ròng hơn 25 triệu đồng/ha: “Vụ hè thu mà lợi nhuận như vầy là tốt rồi”.
Theo ông Nguyễn Văn Đời - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành (huyện Lấp Vò) - trong vụ này, HTX canh tác khoảng 900ha lúa, năng suất đạt 6,2-6,5 tấn/ha, giá bán từ 6.600-6.800 đồng/kg, đạt lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha: “Xã viên rất phấn khởi vì giá phân giảm, giá lúa lại bằng vụ đông xuân nên lời nhiều. Hiện nay, sức tiêu thụ gạo trên thế giới đang mạnh, giá gạo tăng. Do đó, HTX động viên xã viên tích cực chăm sóc lúa thu đông thật tốt với hy vọng được mùa, được giá nguyên năm”.
Đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa thu đông đã gieo sạ hơn 1 tháng, chị Lâm Thị Út - nông dân xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ - cho hay, mấy ngày qua, nhiều thương lái đã đặt cọc thu mua trước với giá bình quân 6.700 đồng/kg. Mức giá này cao hơn hẳn so với những vụ trước, giúp nông dân cầm chắc lợi nhuận 25-30 triệu đồng/ha.
Theo Bộ NNPTNT, trong vụ hè thu 2023, nông dân toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long sản xuất khoảng 1,47 triệu héc ta lúa, đến nay đã thu hoạch khoảng 30 - 40% diện tích. Dự kiến, nông dân vùng này sẽ gieo sạ 700.000ha lúa trong vụ thu đông. Đến nay, nông dân đã xuống giống khoảng 250.000ha.
Doanh nghiệp cần vốn để tăng xuất khẩu gạo
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hoạt động xuất khẩu gạo đang rất thuận lợi. Các thị trường tiêu thụ gạo lớn như Trung Quốc, Philippines, Malaysia dự báo sẽ tăng nhập khẩu gạo từ đây đến cuối năm, Indonesia cũng tiếp tục mở thầu 300.000 tấn và còn mua thêm. Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ tăng hoặc chí ít là không giảm.
Ông Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang - thông tin: “Các doanh nghiệp của tỉnh đang xuất khẩu gạo sang khoảng 39 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nhiều nước đang đẩy mạnh nhập khẩu gạo, nhất là những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc và một số thị trường mới ở Trung Đông. Có thể nói, chúng ta đang đứng trước cơ hội để thắng lớn về xuất khẩu gạo, cả về khối lượng lẫn giá cả”.
|
Thương lái thu mua lúa ở An Giang - Ảnh - H.Lợi |
Từ đầu năm đến nay, Công ty Hoàng Gia Nhựt Quang (tỉnh Long An) đã xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo, tăng khoảng 2.000 tấn và giá tăng từ 10-20 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Nguyễn Nhựt Quang - Phó giám đốc công ty - để hoạt động xuất khẩu gạo bền vững, doanh nghiệp phải bảo đảm chất lượng gạo. Hiện công ty đang phối hợp chặt với các HTX nhằm sản xuất lúa đạt năng suất tốt, chất lượng cao. Công ty cũng mong ngân hàng hỗ trợ vốn vay để thu mua lúa của nông dân kịp thời, gia tăng xuất khẩu trong bối cảnh đang có nhiều thuận lợi.
Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời - nhận định: Việt Nam vẫn chưa tận dụng được hết cơ hội để xuất khẩu gạo bởi doanh nghiệp còn thiếu thông tin, chậm chân trong việc chuẩn bị nguồn gạo. Ngoài ra, do còn hạn chế về khâu truy xuất nguồn gốc nên giá gạo xuất khẩu vẫn chưa cao như mong muốn. Cần mau chóng khắc phục những hạn chế này để xuất khẩu gạo vừa bền vững, vừa có doanh thu cao hơn.
“Trên thực tế, ngành ngân hàng vẫn chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp trong việc xây dựng cánh đồng lớn, thu mua lúa, xuất khẩu gạo”. Ông Phạm Thái Bình |
Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đang liên kết với nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để tạo cánh đồng lớn khoảng 10.000ha, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu gạo vào những thị trường khó tính. Ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc công ty - cho hay, giá gạo đạt tiêu chuẩn rất cao, có khi đạt 1.500 USD/tấn trong khi giá trung bình hiện nay là 517 USD/tấn. Tuy nhiên, để dự án liên kết tạo cánh đồng lớn thành công, công ty rất cần vốn (hàng trăm tỉ đồng/vụ) để trả cho nông dân, nên rất cần ngân hàng giúp sức.
Theo bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) - dù Chính phủ đã có chủ trương giảm lãi suất để hỗ trợ ngành lúa gạo, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất cao. Mức lãi suất vay trung hạn, dài hạn mà công ty đang phải trả là gần 12%/năm, lãi suất ngắn hạn là từ 9 - 9,9%/năm.
Bà nói: “Công ty đã đầu tư gần 1.000 tỉ đồng xây 4 nhà máy xay xát, xử lý gạo với công suất hơn 2.000 tấn/ngày và mua hơn 50 tàu, sà lan chở lúa. Do lãi suất cao nên mỗi năm, công ty phải trả hơn 100 tỉ đồng tiền lãi. Nếu kéo dài thì hoạt động sản xuất, xuất khẩu sẽ rất khó khăn”.
Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ - nhìn nhận, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xay xát, chế biến và lau bóng gạo đang gặp một số khó khăn, đặc biệt là việc tiếp cận vốn, ký các hợp đồng vay để thu mua lúa của nông dân. Sở đã ghi nhận tình hình để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu gạo.
Trước cơ hội tốt về xuất khẩu gạo, để gỡ khó cho các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT - cho biết, sẽ sớm trao đổi với lãnh đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan để có cuộc họp bàn biện pháp.
Gạo Việt dễ bán hơn gạo Thái Thiên tai khiến sản lượng lúa ở Ấn Độ, Thái Lan sụt giảm. Ấn Độ đang xem xét dừng xuất khẩu gạo, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo từ Philippines, Indonesia hiện rất cao. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ nên xuất khẩu lượng gạo dư - tức khoảng hơn 7 triệu tấn/năm - chứ không nên xuất nhiều hơn, nhằm cân đối nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh lương thực. So với gạo trắng hạt dài của Thái Lan, gạo Việt Nam ngon hơn. Dân Philippines cũng thích gạo Việt Nam hơn gạo Thái Lan. Gạo ngon của Thái Lan lại khó bán hơn do giá cao (800-900 USD/tấn) trong khi phần lớn người tiêu dùng mua loại gạo có giá khoảng 500 USD/tấn. Nếu nhận thấy nhu cầu từ các nhà nhập khẩu vẫn duy trì ở mức cao thì doanh nghiệp Việt cần tận dụng thời cơ để tăng sản lượng và tăng giá trị cho gạo. Muốn vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị vùng nguyên liệu, phối hợp với nông dân để làm lúa vụ 3. Tôi tin chắc vụ 3 năm nay sẽ thắng lớn và Việt Nam không lo thiếu gạo. Giáo sư, tiến sĩ Võ Tòng Xuân - nguyên Hiệu trưởng Trường đại học An Giang |
Doanh nghiệp tích cực hợp tác với nông dân Công ty đang xúc tiến kế hoạch hợp tác với nông dân, đầu tư hệ thống vận chuyển nội đồng. Hiện nay, việc thu hoạch lúa khá tốn kém và mất thời gian, khiến hạt gạo bị xuống màu. Hệ thống vận chuyển nội đồng sẽ giảm được hơn 2/3 thời gian thu hoạch và tiết kiệm 2/3 chi phí so với hiện tại. Công ty cũng hợp tác với nông dân để xây dựng cánh đồng mẫu lớn thông qua việc thành lập HTX kiểu mới. Cách làm là doanh nghiệp dùng nguồn lực của mình để tạo lợi ích chung cho cả doanh nghiệp và nông dân. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng khai thác phụ phẩm trong chuỗi giá trị của cây lúa để tạo thêm lợi nhuận, tối ưu hóa chi phí giá thành. Một điều nữa mà doanh nghiệp cần làm là nghiên cứu cách bảo quản gạo để chất lượng gạo không bị suy giảm theo thời gian. Ông Phạm Minh Thiện - Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình |
Việt Nam có lợi thế lớn về xuất khẩu gạo Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu gạo ở các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các nước châu Phi tăng, nhu cầu dự trữ lương thực ở các nước châu Âu cũng tăng. Dự báo, những tháng cuối năm, giá gạo sẽ tăng do các nước tăng cường dự trữ lương thực trước biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang... Trong khi đó, nguồn cung từ các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế, giá gạo Thái Lan tăng do đồng baht tăng trở lại. Việt Nam có lợi thế về nguồn cung gạo gồm sản lượng và chất lượng ổn định nên dự báo giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt. Nhìn chung, thị trường xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm thuận lợi do cầu nhiều hơn cung. Ngành gạo Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết sản xuất để có các chủng loại gạo phù hợp nhu cầu thị trường; liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu; phát triển các loại gạo mới có chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm Việt Nam |
Việt Nam chỉ xuất khẩu gạo dư Tổng sản lượng gạo của Việt Nam khoảng 27-28 triệu tấn/năm (riêng đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 13 triệu tấn), chỉ dư khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo/năm để xuất khẩu. Thị trường thế giới có biến động thế nào thì Việt Nam cũng chỉ xuất khẩu trong số đó chứ không thể hơn, nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Do đó, thông tin Chính phủ Ấn Độ xem xét việc cấm xuất khẩu gạo không tác động nhiều đến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Cẩm (ghi) |
Huỳnh Lợi - Văn Thanh