Bà chủ tuổi 18
Đợi khách ở chân cầu thang cư xá Vĩnh Hội, Nguyễn Thanh Vy (phường 8, quận 4, TPHCM) đón lấy chiếc xe máy của khách dắt lên vỉa hè, nhờ cô hàng nước ngó giúp, rồi nhanh nhẹn dẫn khách lên cầu thang.
Tấm bảng hiệu “Spa Thanh Vy” hiện ra ở căn hộ đầu tiên trên lầu 1. 18 tuổi, không chỉ làm chủ tiệm spa, làm nail tại nhà mà Vy còn nuôi ước mơ học thêm nghề thẩm mỹ để có đủ vững chắc khi thuê mặt bằng mở tiệm lớn hơn.
|
Những ngày cận tết, mỗi ngày Vy tiếp 5-6 lượt khách đến làm đẹp |
Ba mẹ chia tay nhau khi Vy vừa vào lớp Một. Mẹ đưa 4 đứa con về tá túc nhà ngoại tại cư xá Vĩnh Hội. Thương mẹ vất vả nuôi 4 anh em ăn học, năm lên lớp Bảy, Vy nghỉ học rồi tập tành kiếm tiền bằng việc phục vụ quán ăn, quán nước, phụ mẹ bán bột chiên. 3 năm trước, Vy trở thành đối tượng được bảo trợ của Chương trình Vùng quận 4 (Tổ chức Tầm nhìn thế giới - World Vision - phối hợp với Hội LHPN hỗ trợ chi phí học nghề cho trẻ yếu thế, trẻ có hoàn cảnh khó khăn…). Vy chọn học kỹ thuật làm nail. Lớp học có khoảng 20 bạn, tuổi 15-16, nên rơi rụng dần. Còn Vy, “em muốn học nghề lâu lắm rồi nhưng học phí gần 10 triệu đồng, quá nặng so với thu nhập của mẹ, nên chưa thể. Bây giờ có cơ hội, người ta lo học phí cho mình mà không chịu học thì quá phụ lòng, nên em quyết tâm” - Vy tâm sự.
Thời gian học nghề là 6 tháng nhưng phải mất 2 năm Vy mới tự tin. Để có được sự tự tin đó, sau khi kết thúc lớp học, Vy còn học thêm các kỹ thuật chăm sóc da mặt, gội đầu, rồi sắm đồ nghề lân la theo các cô giáo vừa làm vừa học thêm và đi làm nghề dạo. Đầu năm 2022, thấy có lượng khách ổn định, Vy ấp ủ ý định mở tiệm spa tại nhà.
Nhìn thấy khả năng phát triển của Vy, Tổ chức Tầm nhìn thế giới cam kết đồng hành và hỗ trợ em phương tiện làm nghề. Họ lên ý tưởng giúp Vy ngăn căn hộ thành 2 không gian tách biệt, phía trước làm tiệm nail và phía sau là không gian sinh hoạt của gia đình. Để có đủ kinh phí sửa chữa, ngăn tách căn hộ và trang trí cho tiệm spa, Hội LHPN phường 4 đã bảo lãnh để mẹ Vy vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ hơn 30 triệu đồng để trang bị những vật dụng cần thiết cho tiệm như giường gội đầu, giường spa, cặp ghế ngồi cho khách, máy chiếu đèn mặt nạ và tủ kệ treo tường.
Tháng 3/2022, Spa Thanh Vy khai trương. “Ban đầu vẫn khó khăn, phần vì em chưa có khách nhiều, phần vì cư xá không có chỗ gửi xe, khiến khách ngại đến. Em phải mất 2 tháng để vào các hội nhóm trên mạng xã hội để giới thiệu, chào mời và tiếp tục xách giỏ đi làm dạo những ngày ế ẩm” - Vy cho biết.
Từ tháng 5/2022, lượng khách bắt đầu ổn định và Vy có thể kiếm được bình quân từ 300.000-400.000 đồng/ngày. Những ngày cuối năm khách đông hơn, có hôm có đến 5-6 người đặt lịch. “Mấy tháng trước có một bạn đến hỏi học nghề mà em chưa dám nhận. Mấy chị phụ nữ phường cũng gửi khách sang đây. Trước mắt em sẽ ráng làm, có cơ hội thì sẽ học thêm một số kỹ năng để nâng cao tay nghề” - Vy phấn khởi.
“Sống lại" nhờ xe bánh mì
Cùng ba mẹ rời quê Sóc Trăng lên TPHCM sinh sống từ nhiều năm trước, chị Lê Thị Quyền Trang - 33 tuổi, ngụ phường 12, quận 10 - lập gia đình và có 2 con 8 tuổi và 2 tuổi. Trước đây, chị làm công cho một quán bán đồ ăn vặt, mỗi tháng thu nhập khoảng 3 triệu đồng, chồng và ba mẹ chị cũng có công việc, nên cuộc sống gia đình tạm đủ.
Đến năm 2021, mọi chuyện xấu đi khi dịch COVID-19 xuất hiện, cả gia đình chị Trang thất nghiệp, sống dựa vào trợ cấp của chính quyền và các tổ chức xã hội từ thiện. Giữa lúc không biết nên làm thế nào để vượt qua khó khăn thì cuối năm 2021, chị Trang được Hội LHPN phường hỗ trợ một xe bánh mì để có việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống. Ngày Hội LHPN đến nhà trao xe, chị lần đầu được làm chủ một tài sản và cũng bắt đầu làm chủ cuộc đời mình. “Vui dữ lắm, cảm thấy như mình được sống lại vậy đó. Trước đó mình cũng từng dự định rồi, nhưng chi phí mua xe mắc quá” - chị Trang nói.
|
Thu nhập từ xe bánh mì giúp cuộc sống của gia đình chị Trang ngày càng ổn định hơn |
Xe bánh mì được đặt ngay đầu hẻm 449/112 Sư Vạn Hạnh và bước đầu chủ yếu bán cho hàng xóm. Chưa có kinh nghiệm nên mỗi khi gặp lại khách hàng, chị đều hỏi thăm, xin ý kiến góp ý để sửa đổi, hoàn thiện. Đến nay, mỗi buổi sáng chị bán được hơn 50 bánh. Để thu hút khách hàng, chị bán thêm xôi mặn. Nhờ chịu khó nên mỗi tháng chị cũng có thu nhập gần 6 triệu đồng. Ngoài ra, chị cũng tập tành kinh doanh online một số sản phẩm để không lãng phí thời gian.
Hiện nay, cả nhà chị Trang đều đã đi làm trở lại. Chị nói: “Hồi xưa chỉ biết lo bữa ăn hằng ngày, còn bây giờ gói ghém cũng đủ cho 2 đứa con đi học. Phải nói là mang ơn Hội LHPN rất nhiều”.
Xe hủ tíu- nguồn sống của gia đình
“Xe hủ tíu này là nguồn sống của gia đình tôi. Nhờ nó mà tôi chắt chiu mua được từng cái bàn, cái ghế và cả xe bán cà phê giải khát” - chị Nguyễn Thị Lan giãi bày.
|
Từ chiếc xe bán hủ tíu - món quà của Hội LHPN - gia đình chị Nguyễn Thị Lan đã có cuộc sống tốt hơn |
Trước đây, chị Lan đi giúp việc nhà với thù lao 40.000 đồng mỗi giờ. Thấy loay hoay mãi vẫn không đủ trang trải, chị
Nhiều chị em đã vượt khó, thoát nghèo Năm 2022, để khắc phục những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để lại, Hội LHPN đã tìm gặp từng trường hợp để nghe các chị nói về mong muốn thay đổi để cải thiện cuộc sống. Từ tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu và tay nghề của các chị, hội đã hỗ trợ phương tiện để các chị làm ăn. Nhiều phương tiện sinh kế đã được trao như xe bán hủ tíu, xe bán nước mía, máy may, cây - con giống, lưới đánh bắt cá… Việc trao tặng sinh kế đã thực sự bắt “nhịp cầu” khơi dậy trách nhiệm, khát khao lao động vươn lên trong từng hội viên, phụ nữ. Trong hành trình vươn lên của chị em, hội luôn đồng hành, tiếp sức bằng nhiều hình thức như xây tặng mái ấm tình thương, hỗ trợ vốn vay, dạy nghề, hướng dẫn chuyển đổi số trong kinh doanh và cả việc buôn bán nhỏ lẻ… Với ý chí và nghị lực, nhiều chị em đã vượt khó vươn lên, thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Bà TRẦN THỊ PHƯƠNG HOA - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM |
mua lại chiếc xe hủ tíu cũ để bán trước nhà tại khu phố 1, phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM. Sau vài năm, xe xuống cấp, bàn ghế nhựa nứt nẻ, bạc màu, nhưng chị không cách nào sắm được đồ mới. Cả nhà 5 thành viên chỉ trông vào xe hủ tíu nên chẳng có dư. Chồng chị chạy xe ôm, nhưng chiếc xe quá cũ, nay vá mai sửa. Con trai đi cai nghiện, còn con gái làm mẹ đơn thân nuôi con nhỏ. Thấy vậy, năm 2019 Hội LHPN TP Thủ Đức đã tặng chị chiếc xe hủ tíu mới. Nhờ đó, mỗi ngày chị bán được khoảng 70-80 tô. Ngoài ra, chị còn lấy thêm dừa về bán. Có đồng ra đồng vô, chị mua bộ bàn inox và xe bán cà phê. Chị cười nói, số mình vất vả nhưng may mắn gặp được nhiều sẻ chia ân cần. “Bộ bàn inox giá 4,5 triệu đồng, người ta cho trả góp mỗi tuần 100.000 đồng và bảo cứ lo làm ăn. Những bữa quán ế khách là cán bộ, hội viên phụ nữ phường lại rủ nhau tới ủng hộ. Tôi có bệnh, cũng may có chị em nhà hội tặng thẻ bảo hiểm y tế nên đỡ chi phí điều trị” - chị Lan bùi ngùi.
Mấy tháng trước, chị Lan được Hội LHPN kết nối vay vốn ngân hàng để sắm xe máy mới cho chồng chạy xe ôm công nghệ. Dẫu biết phía trước vẫn còn nhiều chông gai, nhưng có cái nghề, có phương tiện làm ăn, hai vợ chồng chị đã bớt gánh lo, chỉ mong cả nhà khỏe mạnh, các con cùng nỗ lực để kinh tế gia đình khấm khá hơn.
Thu Lê - Trang Thư - Mẫn Nhi - Thiên Ân