PNO - Liên hoan sân khấu kịch nói TPHCM lần I diễn ra từ ngày 12 - 29/11 với 20 đơn vị và 25 tác phẩm dự thi. Những con số không chỉ thể hiện thành công bước đầu của một liên hoan lần đầu được tổ chức mà còn phản ánh khá chính xác thực trạng của đời sống kịch nói TPHCM hiện nay.
Liên hoan sân khấu (LHSK) TPHCM do Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu TPHCM tổ chức. Điểm đáng chú ý so với nhiều cuộc liên hoan (LH) khác là sức sống của các vở diễn tham dự LH. Không giống câu chuyện muôn năm cũ của không ít LH - dựng vở chỉ để dự thi - LHSK TPHCM có khá nhiều tác phẩm đang là kịch mục của các sân khấu (SK). Trong đó có nhiều vở được đánh giá khá tốt: Cơn mê cuối cùng (SK Hoàng Thái Thanh), Giáng Hương (SK Thiên Đăng), Má ơi! Út dìa, Lê Văn Duyệt - Người mang chín án tử (nhà hát kịch Idecaf), Cánh đồng rực lửa (SK Quốc Thảo), Đêm vượn hú (nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ)… Một số vở được dàn dựng mới để tham gia LH cũng sẽ được các SK đưa vào lịch diễn như: Đồng chí (Hội SK TPHCM), Ông già đoàn lô tô (SK Thế Giới Trẻ), Ngày ấy cổng trời (SK Trịnh Kim Chi)…
Ông già đoàn lô tô - vở diễn dàn dựng để tham gia liên hoan sân khấu, đồng thời bổ sung lịch diễn cho sân khấu Thế Giới Trẻ - ẢNH: T.V.
Tuy chỉ có 2 vở diễn dành cho thiếu nhi là Mễ cốc phiêu lưu ký (SK Việt Hương) và Colora - Xứ sở rực rỡ (SK Ban Mai), nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng, cho thấy đã có thêm đơn vị xã hội hóa (XHH) quan tâm đến thiếu nhi, bên cạnh thương hiệu “bền vững” là SK Idecaf.
Điểm đáng ghi nhận nữa ở LHSK TPHCM là sự tham gia của các thế hệ làm nghề làng kịch nói thành phố. Lĩnh vực đạo diễn ghi nhận nhiều tên tuổi từ thế hệ gạo cội như Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trần Minh Ngọc (Cánh đồng rực lửa), NSND Trần Ngọc Giàu (Đồng chí), đến thế hệ tiếp nối như Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thành Lộc (Giáng Hương), đạo diễn Ái Như (Cơn mê cuối cùng), đạo diễn Minh Nguyệt (Tiếng chim vườn ngọc)… Lớp đạo diễn “trung gian” có Hoàng Duẩn (Lê Văn Duyệt - Người mang chín án tử), Bùi Quốc Bảo (Ông già đoàn lô tô), Chánh Trực (Đêm vượn hú)… Lớp trẻ bắt đầu thử sức với SK kịch có Hoàng Hải (Đứt dây tơ chùng), Bảo Chu (Colora - Xứ sở rực rỡ)… LH cũng quy tụ được gần như đầy đủ đội ngũ diễn viên của SK kịch hiện nay: NSND Hồng Vân, NSND Mỹ Uyên, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Thành Hội, NSƯT Tuyết Thu, Ái Như, Việt Hương, Lê Khánh, Đình Toàn, Quang Thảo, Đại Nghĩa, Khả Như…
Nhiều kỳ vọng từ liên hoan đầu tiên
TPHCM là điểm sáng của cả nước trong việc phát triển phương thức XHH SK, đặc biệt là lĩnh vực kịch nói. Kịch nói đang có khoảng 20 đơn vị XHH hoạt động thường xuyên, hình thành diện mạo rất riêng cho đời sống SK kịch thành phố. Mô hình SK XHH ở TPHCM là ước mơ của nhiều người làm nghề. Một số địa phương cũng xây dựng hình thức hoạt động này, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có địa phương nào, kể cả Hà Nội, có được số đơn vị SK XHH hoạt động thường xuyên và bền bỉ như TPHCM.
Cơn mê cuối cùng đang là vở diễn thường xuyên của sân khấu Hoàng Thái Thanh - Nguồn ảnh: Sân khấu Hoàng Thái Thanh
Dù đạt được rất nhiều dấu son, gần đây, SK kịch TPHCM đang có dấu hiệu đuối sức. SK trải qua nhiều xáo trộn lớn từ tách rời, sáp nhập SK đến thay đổi phương thức biểu diễn… Tuy nhiên, số vở diễn tạo được dấu ấn sau tất cả những đổi thay đó lại không nhiều, thậm chí rất hiếm. Đa phần các vở mới được dàn dựng không chỉ yếu về kịch bản mà còn thiếu cả sức sáng tạo của ê kíp thực hiện. Lối kể chuyện sơ sài, đơn giản và cũ kỹ. Công tác dàn dựng, tổ chức SK thiếu sáng tạo, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa tổ chức biểu diễn cho diễn viên và tổ chức không gian SK để mang lại hiệu quả cao nhất cho cả diễn xuất của diễn viên lẫn cảm xúc của người xem. Không ít vở chỉ dừng lại ở mức độ giải trí đơn thuần với thông điệp khá mông lung. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn - đang nắm giữ 2 SK XHH - cũng từng bày tỏ nỗi thất vọng: “Nếu những người làm nghề không nỗ lực, không thay đổi, SK kịch sẽ “chết” một ngày không xa”.
Trong bối cảnh đó, LHSK TPHCM lần I như một làn gió mới, mang nhiều kỳ vọng về những điều tốt đẹp cho SK kịch nói thành phố. “Sau quá trình theo dõi, cơ quan quản lý đã có những nhìn nhận về thuận lợi, khó khăn của SK kịch thành phố. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp SK kịch có rất nhiều nỗ lực trong đầu tư kịch mục, nghiên cứu nhằm xây dựng phong cách kịch, phân khúc khán giả để định hình thương hiệu; lực lượng làm nghề trẻ có nhiều tìm tòi, học hỏi để làm nghề nghiêm túc… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, SK kịch thành phố vẫn còn nhiều khó khăn, trăn trở như nguồn kịch bản chất lượng, đội ngũ tác giả, đạo diễn trẻ còn khoảng cách về tài năng, kiến thức toàn diện so với thế hệ tiền bối; cộng thêm khó khăn về cơ sở vật chất, sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hiện đại… LHSK TPHCM lần I được tổ chức nhằm đánh giá cụ thể về chất lượng hoạt động, đội ngũ, công tác tổ chức biểu diễn… của SK kịch thành phố; đồng thời, mong muốn tạo ra một sân chơi giàu tính chuyên nghiệp cho các đơn vị và đội ngũ sáng tạo, nghệ sĩ” - NSND Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM - cho biết. Cũng theo NSND Thanh Thúy, yếu tố XHH góp phần tạo nên diện mạo kịch nói của địa phương rất đặc thù, cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về cơ sở lý luận và thực tiễn để hoạch định phương hướng phát triển. Cần nghiên cứu những quy định, chính sách riêng để tạo nên nhiều không gian kiến tạo và định hướng phát triển nghệ thuật kịch nói TPHCM ngày càng hiệu quả, bền vững hơn.