Cơ hội nào cho lao động lớn tuổi?

17/06/2024 - 15:31

PNO - Cần xoá bỏ phân biệt, ưu tiên trong tuyển dụng (tuổi tác, ngoại hình, sức khoẻ...), tạo điều kiện cho lao động lớn tuổi tiếp tục làm những công việc phù hợp.

Trong lúc cơ quan quản lý BHXH và người lao động đang nỗ lực để tìm tiếng nói chung trong việc rút BHXH một lần hay để dành sau này lãnh lương hưu, tôi lại nghĩ đến một yếu tố khác có thể gián tiếp góp phần dung hòa hai việc này.

Có dịp đi đó đây bằng máy bay quốc tế, tôi nhận thấy: trong khi các hãng hàng không châu Á như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc... thường chọn đội ngũ tiếp viên trẻ đẹp, thì với các hãng bay ở Mỹ hay các nước châu Âu như: United, Delta, Southwest, American... thường chọn có đội ngũ nhân viên phục vụ lớn tuổi (thậm chí không đẹp) là bình thường.

Trừ cấp độ quản lý, hình ảnh nhân viên lớn tuổi nơi công sở ở nước ta hơi bị hiếm (ảnh minh hoạ)
Trừ cấp độ quản lý, hình ảnh nhân viên lớn tuổi nơi công sở ở nước ta hơi hiếm (ảnh minh hoạ)

Tương tự, tại các trung tâm thương mại, siêu thị ở ta cũng chỉ thấy các nhân viên trẻ, có ngoại hình "dễ nhìn" hoặc chí ít cũng trên dưới 40 chứ U50 là hiếm. Trong khi đó, tại các trung tâm mua sắm sang chảnh hoặc các siêu thị lớn ở Mỹ (như Walmart, Costco, Target, TJ Maxx chẳng hạn), nhân viên lớn tuổi vẫn làm việc bình thường ở các vị trí khác nhau, thậm chí có nơi còn nhiều hơn các nhân viên trẻ.

Nhân viên tại một số chi nhánh Walmart có người còn ngồi xe lăn, xe điện, chứng tỏ tuổi tác, sức khỏe, ngoại hình không hề là rào cản trong việc tuyển nhân viên tại những nơi này. Điều này không chỉ cho thấy sự công bằng, bình đẳng trong chính sách lao động, mà còn thể hiện sự nhân văn của các nhà tuyển dụng.

Công bằng mà nói, so với lớp lao động trẻ (dưới 40 tuổi), lớp tuổi lao động lớn hơn chỉ bị giới hạn về mặt sức khỏe, độ nhanh nhạy, nhưng bù lại, họ có lợi thế về kinh nghiệm, sự trung thành, độ chín chắn và kỹ năng xử lý công việc.

Thực tế tình trạng việc làm ở nước ta, dù tuổi hưu được quy định rõ ràng, nhưng chỉ cần sau 50 tuổi là cánh cửa nghề nghiệp đã gần như khép lại với những lao động chưa kịp tới tuổi hưu. Trừ phi người lao động là đàn ông, quá trình lao động có thể được kéo dài hơn (do đặc điểm giới tính chăng?).

Hoặc những cá nhân có năng lực thực sự xuất sắc thì dẫu hơi lớn tuổi, họ vẫn còn cơ hội được tuyển dụng vào các vị trí quản lý, nhưng số này không nhiều. Phần đông còn lại rất sợ mất việc, vì chỉ cần bị sa thải là cơ hội xin việc mới ở tuổi này dành cho họ gần như bằng không, đặc biệt là với lao động nữ.

Nhân viên lớn tuổi là hình ảnh thường thấy tại các siêu thị ở nước ngoài, trái với ở ta chỉ toàn nhân viên trẻ đẹp (ảnh minh hoạ)
Nhân viên lớn tuổi là hình ảnh thường thấy tại các siêu thị ở nước ngoài, trái với ở ta chỉ toàn nhân viên trẻ đẹp (ảnh minh họa)

Thử điểm qua các yêu cầu tuyển dụng, dù không có quy định nào cho phép, nhưng không ít đơn vị tuyển người vẫn ghi rõ giới hạn tuổi. Có nơi còn ghi rõ điều kiện chiều cao, cân nặng, ngoại hình.

Ở những nơi không đặt ra điều kiện cụ thể như vậy, các ứng viên xin việc vẫn ngầm hiểu rằng người có ưu thế về tuổi tác, ngoại hình sẽ có ưu thế hơn, vì với quan điểm "kinh nghiệm làm việc chỉ cần thời gian tích luỹ là được", các nhà tuyển dụng sẵn sàng đào tạo, huấn luyện các nhân viên còn trẻ, non tay nghề, thâm niên ít.

Khi chế độ an sinh xã hội đủ tốt, người dân sẽ tin tưởng, không đổ xô rút BHXH một lần mà sẽ để dành lĩnh lương hưu. Tuy nhiên, việc hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội là cả một quá trình dài hạn với nhiều sửa đổi, bổ sung phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, các nhà ban hành chính sách không chỉ có tầm nhìn xa, rộng mà còn có khả năng dung hòa lợi ích của xã hội và hợp lòng dân.

Trong lúc chờ đợi, sao ta không thực hiện những điều khả thi hơn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của người lao động bằng những việc cụ thể như xóa bỏ phân biệt, ưu tiên trong quy trình tuyển dụng (tuổi tác, ngoại hình, sức khỏe...), tạo điều kiện cho lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc bằng những việc phù hợp, không đòi hỏi kỹ năng cao, ngoại hình bắt mắt hay sức khỏe vượt trội.

Điều này không chỉ giúp "an sinh" về mặt xã hội, mà xét từ góc độ cá nhân, người dân được đối xử công bằng trong lao động cũng có cuộc sống vật chất ổn định, đời sống tinh thần hạnh phúc hơn, vì cảm giác lớn tuổi nhưng vẫn tự chủ, có ích cho xã hội, gia đình. Khi người dân an tâm về việc có thể tự nuôi sống bản thân, không lệ thuộc vào ai cho đến lúc về hưu, họ đâu chăm chăm rút BHXH một lần chi nữa?

Lê Thị Ngọc Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI