Bằng thạc sĩ chính quy
Chương trình đào tạo liên thông từ đại học lên cao học lấy bằng thạc sĩ (BSMS) được Đại học (ĐH) Quốc gia TPHCM cho phép triển khai từ năm 2019, đến nay hầu hết các trường thành viên đều đang thực hiện.
|
Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) là một trong những trường triển khai sớm chương trình đào tạo liên thông đại học lên cao học (trong ảnh: Sinh viên Trường đại học Quốc tế nghiên cứu, học tập) - ẢNH: P.T. |
Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Đình Minh Trí - Trưởng phòng Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Quốc tế - cho biết, BSMS được trường triển khai chính thức từ năm 2020. Các sinh viên đang học năm 3 trở đi, đã hoàn thành hơn 50% số tín chỉ của bậc ĐH và có điểm trung bình tích lũy từ 70 (thang điểm 100) trở lên đều được đăng ký xét tuyển. Sinh viên tham gia liên thông sẽ được phép đăng ký các học phần của chương trình thạc sĩ có quy định trong khung liên thông (tối đa 50% chương trình thạc sĩ).
Trong số các học phần thạc sĩ đã học, sinh viên được phép quy đổi tối đa 15 tín chỉ cho các học phần tương ứng ở ĐH. Sinh viên phải thực hiện và bảo vệ luận văn ĐH và luận văn cao học theo quy định, tuy nhiên có thể tiếp tục phát triển nội dung luận văn ĐH cho luận văn cao học. Tất nhiên, mức độ và các yêu cầu về chuyên môn của luận văn từng cấp học sẽ phải đảm bảo theo quy định.
Bằng cấp ĐH và cao học đều là bằng chính quy của cơ sở đào tạo. Người học phải hoàn thành khối lượng đào tạo cũng như đáp ứng các điều kiện đầu vào, đầu ra của cả hai bậc học. Ban đầu, trường áp dụng đối với 5 ngành, đến nay đã triển khai với 10 ngành, gồm: quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, kỹ thuật điện tử, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, kỹ thuật y sinh, kỹ thuật hệ thống công nghiệp, công nghệ thực phẩm, logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
“Hiện chỉ còn 1 ngành thạc sĩ có ngành ĐH tương ứng, nhà trường đã có kế hoạch triển khai thời gian tới. Chúng tôi không hạn chế số ngành mà ngành học nào thuận tiện thì triển khai trước để sinh viên có thêm cơ hội tiếp cận với chương trình liên thông hữu ích này” - ông Lê Đình Minh Trí cho hay.
Chương trình BSMS cũng được triển khai tại Trường ĐH Công nghệ thông tin với ngành hệ thống thông tin. Người dự tuyển là sinh viên năm 3-4 đã học xong học kỳ 5 ĐH, số tín chỉ tích lũy tối thiểu là 60 và điểm trung bình tích lũy tối thiểu là 7,0 (thang điểm 10). Tổng thời gian đào tạo cho cả bậc ĐH và cao học là 5,5 năm. Sinh viên tham gia chương trình có thể đăng ký học và tích lũy các môn học trình độ thạc sĩ từ năm thứ ba trong quá trình học ĐH.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn triển khai BSMS với 9 ngành đào tạo gồm: công tác xã hội, lịch sử Việt Nam, lý luận và phương pháp dạy học tiếng Anh, lý luận văn học, ngôn ngữ học, quan hệ quốc tế, quản lý giáo dục, văn học Việt Nam và Việt Nam học. Trường ĐH Kinh tế - Luật có 14 ngành ĐH được liên thông lên 8 ngành cao học. Trường ĐH Bách khoa hằng năm có 2 đợt xét tuyển chương trình BSMS vào tháng Năm và Mười một với 30 ngành đào tạo ĐH. Trong đó, từ năm 2021 trở đi, tổng tín chỉ cao học được quy đổi cho chương trình ĐH tối đa chỉ 12 tín chỉ, thay vì 15 tín chỉ như trước.
Cơ hội cũng là thách thức
Ông Lê Đình Minh Trí cho biết, hiện nay, người học được quy đổi tối đa 15 tín chỉ môn tương đương của chương trình cao học cho chương trình ĐH. Như vậy, với các học phần này, sinh viên chỉ học 1 lần nhưng được tính điểm 2 lần. Người học đồng thời có thể tiết kiệm học phí từ các tín chỉ quy đổi này.
Với một số ngành của Trường ĐH Quốc tế, ước tính chi phí học tập tiết kiệm được khi liên thông có thể lên đến 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, thông thường, sinh viên năm cuối sẽ mất thêm khoảng thời gian chờ đợi quy trình tổ chức đánh giá luận văn, chờ xét tốt nghiệp, chờ đến kỳ tuyển sinh thạc sĩ… Song khi theo chương trình liên thông này, sinh viên khá giỏi được học trước chương trình thạc sĩ ngay khi đang học ĐH mà không mất công chờ đợi, tiết kiệm được khá nhiều thời gian.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - cũng đánh giá chương trình liên thông BSMS rất hay, tạo điều kiện cho các bạn có ý định đi sâu vào con đường học thuật, nghiên cứu khoa học. Với chương trình này, sinh viên có thể lấy bằng thạc sĩ nhanh nhất có thể so với đi theo con đường thông thường là học ĐH xong mới lên cao học. Không chỉ tiết kiệm thời gian mà sinh viên có thể đảm bảo mạch học liên tục để có sự so sánh, đối chiếu những gì đã học từ bậc thấp hơn lên bậc cao hơn. Từ đó, người học có thể hình dung rõ ràng về sự kết nối giữa kiến thức các bậc học trong một chương trình được học liền mạch.
Tuy vậy, theo ông, không phải ai có nhu cầu cũng có thể theo được chương trình BSMS, mà đòi hỏi sinh viên có năng lực, tư duy về học tập tốt, có đam mê học thuật, đào sâu nghiên cứu các vấn đề mình quan tâm. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người học cũng phải đảm bảo đã hoàn thành các yêu cầu tốt nghiệp ở bậc ĐH thì những phần sau ĐH mới được chuyển tiếp và công nhận. Việc vừa học ĐH vừa học cao học buộc sinh viên phải có phương pháp học tập khoa học, quản lý, sắp xếp thời gian một cách hợp lý.
Để đi con đường nhanh hơn cũng có nghĩa các bạn phải nỗ lực và cố gắng hơn rất nhiều. Chẳng hạn chương trình sau ĐH có những phần kiến thức sâu hơn, bài tập lớn hơn đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức hơn. Chính vì vậy, chương trình này là cơ hội nhưng cũng là thách thức. Thời gian qua, đa số sinh viên chọn học chương trình này đều có năng lực học tập tốt, biết cách tổ chức sắp xếp khoa học. Các bạn hình dung được trước con đường phải đi, đặt mục tiêu tích lũy gì, như thế nào để việc học tập liên tục. Chứ nếu không lường hết phía trước đi như thế nào thì sẽ rất khó khăn, có thể bị đuối giữa chừng. Những sinh viên có năng lực, có khả năng tổ chức khoa học và tư duy logic thì chắc chắn theo học được chương trình này. Ông PHẠM TẤN HẠ - Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn |
Minh Linh