Câu hỏi ám lấy người xem suốt độ dài hai tiếng rưỡi dị thường của một tác phẩm điện ảnh Mỹ - Sophie’s Choice (Lựa chọn của Sophie) - sản xuất năm 1982 dựa theo tiểu thuyết cùng tên của William Styron.
Nếu thiện ác phân minh, đâu có gì khó khăn để ta phải đưa ra chọn lựa. Ở tình huống tích cực, đứng trước hai cái thiện phải chọn, luân lý thường tình dạy người ta chọn điều thiện hảo hơn. Và khi cấp độ gai góc tăng lên, giữa hai cái ác mà buộc phải chọn, ta cũng được “chỉ bảo đàng lành” hãy chọn cái ít cay độc nhất.
Tuy nhiên, lựa chọn nào cũng có những đánh đổi. Sự trả giá trong trường hợp của nhân vật chính Sophie - người đàn bà Ba Lan sống sót từ trại tập trung Đức Quốc xã, những chọn lựa của nàng đưa đến sự “hư mất” mà chính bản thân nàng không bao giờ cho phép mình thoát khỏi cảm giác tội lỗi.
Bộ phim được dẫn dắt bởi hai nhân vật cùng kể chuyện. Một là Stingo - một thanh niên miền Nam 22 tuổi mò lên Brooklyn cho hành trình ấp ủ ước mơ muốn trở thành tiểu thuyết gia vĩ đại. Còn lại là những hồi tưởng từ gương mặt vừa cam chịu, vừa thèm thuồng của Meryl Streep trong vai Sophie, vai diễn mang về cho bà tượng vàng Oscar nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Có lẽ vì cũng là một nhà văn, đạo diễn Alan J. Pakula đã tỏ ra rất tôn trọng tiểu thuyết gốc, khi ông làm cho khán giả tin rằng bất ngờ này sẽ tiếp tục dẫn đến hoảng sợ khác trong nội tâm quá phức tạp của từng nhân vật.
Trong đó, phải kể đến “kẻ thứ ba” - nếu chiếu theo trục tọa độ “cuộc tình vụng trộm” của Sophie và Stingo. Tên anh ta là Nathan Landau, một thiên tài Do Thái chẳng may sớm mắc chứng tâm thần hoang tưởng lúc lên mười - người tình đầy quyến rũ, lập dị của Sophie. Nathan không những đã cứu sống người đàn bà trơ xương khỏi chứng thiếu máu trong những ngày đầu nàng đặt chân đến Hoa Kỳ, anh còn lôi tuột nàng ra khỏi sự trầm cảm rằng “tôi đang chết” bằng tình yêu đầy ảo giác của cả hai.
Vào lúc phải đan xen theo từng ký ức của Sophie và Stingo, bên cạnh những ghen tuông, rồ dại, vĩ cuồng của “kẻ thứ ba” Nathan, người xem cứ ngỡ đó là một tác phẩm ngôn tình lãng mạn. Bỗng, hình ảnh thế chiến thứ hai trở lại, với tiết lộ sau cùng của người đàn bà đã ngoài 30 với chàng nhà văn trẻ khi họ trốn chạy sự đe dọa của gã người tình thiên tài.
Khi bị bắt và đưa đến Auschwitz cùng hai con, một tay phát xít “hứng chí” với sắc đẹp và giọng Đức quá chuẩn của Sophie, bèn đưa ra chọn lựa buộc nàng phải quyết định: con trai Jan hoặc con gái Eva sống, bằng không cả hai đứa trẻ sẽ bị giết. Như chưa đủ độ tàn nhẫn, khán giả giập nát tâm can hơn khi người mẹ trong cơn bấn loạn, gọi vội tên con trai. Thế là, quân lính mang bé gái đi trong tiếng khóc thét, tiếng gọi vô vọng đấng sinh thành.
Điều làm bi kịch này thảm khốc hơn là chúng ta sẽ không bao giờ biết được số phận của cả đứa con trai mà Sophie nghĩ rằng, nó sẽ có điều kiện sống sót trong trại dành cho trẻ con. Quyết định này ám ảnh nhân vật chính, ám lấy chúng ta, cho đến ngày chết của… toàn nhân loại.
Chuỗi phải lựa chọn, một số phù phiếm, một số bi thảm, khiến cuộc đời người đàn bà luôn mặc cảm tội lỗi, nhất là trách nhiệm với cái chết của con gái. “Tội lỗi hồn nhiên” này của Sophie đẩy nàng đi sâu hơn vào vòng xoáy cho chọn lựa cuối đời. Nhiều lần trở về từ cõi chết, nàng cảm thấy mình vô giá trị đến nỗi sẵn sàng nhận mọi kiểu bạo hành thể xác, tinh thần từ Nathan. Dù phát hiện ra mình đã yêu chàng trai Stingo, nhưng một lần nữa nàng thảng thốt: “Em không quan tâm mình sẽ chết. Em chỉ sợ anh ấy chết mà không có em”.
Nhà thông thái Nathan lúc này hệt như đứa con gái trong tâm khảm Sophie. Nàng quyết định trở về để cùng Nathan đáng thương tự kết liễu đời nhau bằng natri xyanua, loại hóa chất được Đức Quốc xã dùng thảm sát trong các trại tập trung.
Có không một thứ tội lỗi hồn nhiên trong Lựa chọn của Sophie, thì hẳn cũng có cả trong thực tại chúng ta đang sống, với những chọn lựa bừa bãi trong vô thức rằng sự chết còn ở đâu đó rất xa vời.
Lựa chọn của Sophie làm tôi nhớ đến một trong những tình huống đau đầu nhất lịch sử ngành y tế Việt Nam. Đó là quyết định cân não trước ca mổ tách đôi cặp song sinh dính nhau Việt - Đức. Trước giờ G, hội đồng chuyên môn và ê-kíp phẫu thuật buộc phải chọn một trong hai giải pháp.
Một, dồn toàn bộ nội tạng cho em nào khỏe hơn, bảo đảm sự an toàn và thành công của ca mổ. Cách thứ hai, chia đều cơ hội sống cho từng bệnh nhi. Cuối cùng, chúng ta đã dũng cảm chọn cách không bỏ mất em nào. Việt - Đức sống sót, lớn lên với những cơ phận chia đôi. Họ nương tựa nhau, chia sẻ ước mơ cùng nhau cho đến ngày một người đã ra đi trong viên mãn.
Lựa chọn của Sophie cũng làm tôi liên tưởng đến dịch bệnh COVID-19 đang gieo rắc cái chết và sự hoang mang tột độ của nhân loại. Trong cơn đại dịch, khoa học biết được sự tồn tại của hai mục tiêu chống chọi với vi-rút dựa trên lý thuyết về “miễn dịch cộng đồng”.
Chọn lựa không cần can thiệp gì, cứ để mầm bệnh lây lan hòng cố đạt đến đỉnh dịch thật nhanh, lúc này có miễn dịch cộng đồng và vi-rút sẽ “yếu dần” rồi “tự nhiên” tháo lui. Cách này hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và sẵn sàng chấp nhận “hy sinh” một bộ phận dân số già nua, bệnh tật, kém cỏi... không thể vượt qua được đại dịch. Mặt “tích cực” khốn nạn nhất trong chọn lựa này, đó là người ta đã dám nghĩ đến việc đánh cược mạng sống của cộng đồng và bản thân khi “tương kế, tựu kế” dùng vi-rút là cái “phễu” kỳ vọng “lọc” đi những mắc xích yếu kém, gánh nặng xã hội.
Chọn lựa thứ hai, may mắn đã được nhiều quốc gia áp dụng. Huy động mọi nguồn lực, phương tiện, biện pháp chống dịch, hạn chế tối đa ca mắc và nguồn lây hòng kéo dài thời gian đạt đỉnh dịch càng lâu càng tốt. Cách này là chọn lựa tối ưu để giảm tối đa áp lực lên hệ thống y tế, một cách “hoãn binh” chờ thêm những “vũ khí” y khoa mới ra đời để điều trị, phòng ngừa hiệu quả. Từ đó, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, mà ai cũng biết hầu hết tập trung vào người già, người có bệnh lý nền… chẳng may nhiễm vi-rút.
“Tội lỗi hồn nhiên” đã hành hạ Sophie, Nathan và cả Stingo như thế nào, nó cũng sẽ theo cách đó với các mức độ, quy mô khác nhau để giáng “lời nguyền” lên nền y khoa, nền kinh tế và quốc gia nào dám chọn lựa bất lương.
Hệt như dịch bệnh ập đến thế giới chúng ta mọi thứ quá bất an. Bộ phim cũng “bỏ rơi” chàng nhà văn Stingo giữa hành trình phiêu lưu dang dở cùng bi kịch của Sophie và Nathan. Nhưng lại giúp cho một người mơ mộng vị thành niên từ một kẻ cầm bút trở nên một nghệ sĩ có thể bắt đầu hiểu được nỗi thống khổ của con người.
Nhà văn trẻ bắt đầu những dòng chiêm nghiệm thật sự của mình ở cuối phim: “Tôi buông cơn thịnh nộ và đau khổ xuống… Cuối cùng, khi tôi có thể nhìn thấy một lần nữa, tôi thấy những tia sáng đầu tiên phản chiếu trên dòng sông âm u. Đây không phải là ngày phán xét. Chỉ là buổi sáng, buổi sáng thôi mà”.
Đoàn Phó Ba