Có hay không chuyện ông quan già 70 lấy công chúa 17 tuổi?

01/10/2015 - 10:27

PNO - Do 2 lần đỗ Tiến sĩ mà Trịnh Thiết Trường ở tuổi 70 được lấy công chúa mới 17 tuổi xuân mơn mởn. Chuyện có thật hay chỉ là giai thoại?.

Đỗ tiến sĩ vẫn còn chê thấp

Trịnh Thiết Trường quê làng Đông Lý, huyện Yên Định, xứ Thanh Hoa (nay là thôn Đông, xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) nổi tiếng học giỏi từ nhỏ, lớn lên bát tiếng tăm vang khắp vùng nhưng không đi thi mà ở quê dạy học. Vì bạn bè thúc giục nên đến năm Nhâm Tuất (1442) ông mới đi thi, đỗ ngay Tiến sĩ.

Thế nhưng thứ bậc khoa bảng này không làm ông vừa lòng, theo thứ hạng chung thì Trịnh Thiết Trường xếp thứ 24/33 người đỗ nên lúc làm lễ xướng danh, gọi tên đến 3 lần mà ông và học trò vẫn không lên tiếng. Ông nói riêng với bạn bè rằng: “Tôi muốn đoạt Tam khôi nhất giáp, chứ tam giáp thì chưa hết sức học của tôi”.

Một người học trò của Trịnh Thiết Trường đỗ cùng khoa với thầy cũng từ chối nhận học vị tiến sĩ vì cũng cho rằng thứ hạng đỗ chưa xứng với tài học của mình.

Co hay khong chuyen ong quan gia 70 lay cong chua 17 tuoi? 
Một vị quan già (Tranh minh họa)

Lời hứa của đế vương

Chuyện hai thầy trò đã đỗ Tiến sĩ mà không nhận danh hiệu làm sĩ tử bốn phương kinh ngạc, vua Lê Thái Tông cũng lấy làm lạ cho triệu vào cung. Khi vua hỏi lý do, hai thầy trò đều tâu xin trở về bản quán chứ không nhận học vị Tiến sĩ hay chức tước gì cả.

Lý giải cho quyết định đó, Trịnh Thiết Trường tâu rằng:

- May được sinh ở đời thánh đế, thần không phải không muốn làm quan nhưng vì muốn có tên trong hàng Tam khôi cho xứng với cái học. Nay chưa đạt được ý nguyện nên về học thêm để thi lại”.

Lê Thái Tông phán rằng:

- Quả là người có chí, nếu khoa sau đỗ vào hàng Tam khôi, ta sẽ đem công chúa năm nay mới 11 tuổi gả cho làm vợ!

. Quan Thái sử đứng hầu bên cạnh mới nói rằng:

- Lời thiên tử nói không thể nói đùa, nay xin ghi vào sách

Lê Thái Tông có vẻ do dự nhưng rồi cũng truyền:

- Nếu vậy cho nhà nho già kia phải làm tờ giao kèo

Trịnh Thiết Trường bèn tâu:

- Thần dạy học cũng tích góp mua được 50 mẫu ruộng tốt, nếu khoa tới không đỗ Tam khôi, xin hiến tất cả số ruộng đó cho nhà nước.

Vua bằng lòng. Chuyện đó được quan Thái sử ghi vào trong sách. Tuy nhiên chưa được bao lâu, vào tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442), Lê Thái Tông qua đời đột ngột.

Giữ lời tiên đế hứa

Khoa thi năm Mậu Thìn (1448) có 27 người đỗ Tiến sĩ, xếp thứ 2 trong Tam khôi là Trịnh Thiết Trường, ông đoạt học vị Bảng nhãn, bấy giờ ông đã ở 70 tuổi khiến dư luận thán phục, bàn tán sôi nổi.

Vua Lê Nhân Tông gọi riêng Trịnh Thiết Trường vào cung, nhắc lại chuyện trước đây và quyết định thực hiện lời hứa của cha mình.

Trịnh Thiết Trường vội tâu bày:

- Đội ơn bệ hạ, nhưng công chúa mới tròn 17, thần đã 70 tuổi, thật không xứng. Xin bệ hạ rút lại lời vàng!.

Quan Thái sử nói rằng, cứ theo như giao kèo trước đó mà thực hiện bởi thiên tử đâu có nói chơi. Vua Lê Nhân Tông cũng phán:

- Tiên đế từng có lời hứa, ta đâu dám làm trái, hơn nữa phải giữ chữ Tín, nếu không trị quốc an dân làm sao được?

Sau đó nhà vua cho tổ chức lễ cưới, gả chị gái là công chúa Thụy Tân cho Trịnh Thiết Trường.

Co hay khong chuyen ong quan gia 70 lay cong chua 17 tuoi? 
Công chúa xinh đẹp (Tranh minh họa)

Sự thật về chuyện quan già 70 lấy công chúa 17

Dân gian có nhiều câu ca mang tính châm biếm, hài hước về sự chênh lệch tuổi tác trong hôn nhân, nhưng trường hợp của Trịnh Thiết Trường, người ta lại có câu sau:

Bảy mươi, mười bảy đang vừa,

Ngoặc đi ngoặc lại cũng là đồng niên.

Hoặc câu:

Mười bảy mà lấy bảy mươi,

Lộn lên lộn xuống cũng người đồng canh.

Đó là một câu chuyện hay đầy tình tiết thú vị. Thế nhưng nó có thực hay không, theo chính sử không có dòng ghi chép nào. Nếu có thực thì rất nhiều điểm mâu thuẫn, bởi theo chính sử năm Nhâm Tuất (1442), sau khi tổ chức thi được vài tháng thì Lê Thái Tông mất, thọ 19 tuổi, như vậy lúc đó làm sao lại có con gái 11 tuổi mà hứa gả được? Vậy nàng công chúa đó chỉ có thể là em gái của vua Lê Thái Tông, tức là con gái của Lê Thái Tổ, nhưng trong các con gái của vị vua khai sáng vương triều Hậu Lê không có ai có hiệu là công chúa Thụy Tân cả.

Phải chăng câu chuyện hôn nhân lạ lùng đó chỉ là sản phẩm thêu dệt của dân gian phủ lên cuộc đời của Trịnh Thiết Trường như một giai thoại trong số các giai thoại về ông?.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI