"Cô Hai Chung" trong ngôi nhà đông "cháu nội"

07/12/2015 - 09:26

PNO - “Chỉ một ngày không đến là nhớ tụi nhỏ. Thế nên, tôi sẽ còn gắn bó với ngôi nhà đông “cháu nội” này tới lúc không còn đi được nữa mới thôi”.

Lần thứ hai tham dự Đại hội thi đua yêu nước, cô Hai Chung - tên gọi thân mật của Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung đã bước sang tuổi 84. “Năm 1985, tôi cùng đoàn thành phố tham dự Đại hội thi đua yêu nước và đại diện cho Bệnh viện Từ Dũ nhận danh hiệu Tập thể anh hùng. 30 năm sau, với danh nghĩa cá nhân, tôi chỉ mong muốn truyền ngọn lửa nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trẻ của mình cho những thế hệ tiếp sau”, cô Hai Chung chia sẻ.

Khi còn công tác tại BV Từ Dũ (1975 - 1998), trong vai trò Phó giám đốc BV, tên tuổi cô Hai Chung gắn liền với những đề xuất, sáng kiến mà thời ấy không phải người phụ nữ nào cũng dám nghĩ, dám làm như: mở phòng khám ngoài giờ, xã hội hóa bệnh viện bằng cách thu một phần viện phí, đào tạo “cô đỡ thôn bản”, lập mô hình nhà tạm lánh, ủng hộ chương trình “thụ tinh ống nghiệm”…

Cô Hai Chung

Thầy thuốc nhân dân Tạ Thị Chung cũng là một trong những bác sĩ tham gia vào ê kíp thực hiện ca phẫu thuật tách mổ cặp song sinh dính liền Việt - Đức tại BV Từ Dũ. Người phụ nữ đầy bản lĩnh ấy quan niệm: “Người lãnh đạo trong bất cứ ngành nào cũng vậy, ngoài cái tâm thì cần phải có tầm để phát triển ngành của mình và nhìn ra thế giới”.

Năm 1990, từ ý tưởng của cô Hai Chung, làng Hòa Bình nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật bị nhiễm chất độc da cam dioxin đã được Bệnh viện Từ Dũ thành lập. Tới nay, hơn 200 mảnh đời bất hạnh đã được chở che dưới mái nhà của làng Hòa Bình.

Cô Hai Chung tâm sự: “Mỗi lần trực đêm, tôi đi lòng vòng thấy tụi nhỏ ngồi dưới sân, nước mắt lại chực trào. Con cái mình ở nhà được cưng quá trời, mấy đứa trẻ ở đây không biết phải chờ ai?”.

Năm 1998, sau khi về hưu, cô Hai Chung tiếp tục gắn bó với công việc tại làng trẻ. Trong suốt 17 năm qua, từ tờ mờ sáng, người ta đã thấy bóng dáng quen thuộc của cô Hai trong chiếc áo blouse trắng. Cô bảo, có biết bao việc phải lo khi bọn trẻ không chỉ cần ăn, ở mà còn phải có chỗ để học nghề, để tìm được công việc phù hợp. “Chỉ một ngày không đến là nhớ tụi nhỏ. Thế nên, tôi sẽ còn gắn bó với ngôi nhà đông “cháu nội” này tới lúc không còn đi được nữa mới thôi”.

Tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX, thầy thuốc nhân dân Tạ Thị chung đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Đình Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI