Cố gồng cho bằng vợ

02/08/2018 - 15:00

PNO - Trước một người vợ tài sắc đều hơn mình, sự thiếu tự tin khiến anh mang cảm giác đang mặc chiếc áo quá rộng, lúc nào cũng thấy bùng nhùng, chơi vơi. Anh thấy mình đuối sức khi luôn phải cố gồng lên cho vừa chiếc áo.

Mấy ngày liền, anh liên tục chia sẻ những bức ảnh kèm những triết lý, thông điệp về hôn nhân, hạnh phúc gia đình trên Facebook. Lặng lẽ vào inbox, tôi hỏi “anh ổn không?”. Khác hẳn kiểu “anh ổn, em đừng lo” như mọi khi, anh trả lời nặng trĩu: “Anh muốn rời thành phố vài ngày nên về quê thăm các cụ và anh em họ mạc. Con người nhiều khi cũng sụt nguồn như cục pin, cần thời gian để nạp đầy trở lại”.

Co gong cho bang vo
 

Hôn nhân của anh chị là dạng rổ rá cạp lại. Vợ anh mất trong một vụ tai nạn giao thông, chồng chị thì đã ra đi sau nhiều năm chống chọi với ung thư. Anh với chồng chị vốn là đồng đội ở chiến trường biên giới năm 1979. Khi chồng mất, chị còn phơi phới thanh xuân, một nách hai con - đứa đang là học sinh, đứa sinh viên chưa tốt nghiệp. Các con anh đều đã lớn, tự lập, định cư ở nước ngoài, chúng ủng hộ anh tìm một người để vui vầy tuổi xế chiều. Anh tìm đến chị vì thực lòng muốn làm chỗ dựa cho chị những ngày sau.

Ban đầu, các con chị phản ứng, người nhà anh ái ngại, bởi anh chị không những có khoảng cách về tuổi tác, địa lý, mà cả trình độ. Chị là dân trí thức, có học vị tiến sĩ, là người “thét ra lửa” ở nơi làm việc. Anh tốt nghiệp cấp III thì đi bộ đội, xuất ngũ về mày mò học sửa chữa xe máy. So về học vấn, các mối quan hệ xã hội giữa anh chị thật khập khiễng. Nhưng sự kiên trì và tình cảm chân thành anh dành cho chị cùng các con đã dần xóa đi rào cản. Họ về chung nhà sau gần 3 năm anh xuôi ngược thủ đô về tỉnh lẻ.

Nghĩ cho công việc, cuộc sống của chị và các con, anh quyết định theo chị về tỉnh, gom vốn liếng, góp cổ phần kinh doanh nhà hàng. Một năm, rồi hai năm, anh trở thành quản lý, nhà hàng ăn nên làm ra. Anh vẫn một lòng thương yêu, lo toan cho chị và con. Nhiều năm nay, trong mắt đồng nghiệp, nhân viên, anh chị là hình mẫu của hạnh phúc. Dẫu người gần sáu mươi, kẻ năm chục, đi đâu hay làm gì, anh chị cũng quấn quýt, vẫn giày đôi, áo đôi, chụp hình “tự sướng” như các thanh niên thời sống ảo. Tình yêu anh dành cho chị khiến bất kỳ người phụ nữ nào nhìn vào cũng phải thầm ao ước.

Co gong cho bang vo
Ảnh minh họa

Từ ngày có anh chung vai gồng gánh chuyện áo cơm, con cái, họ mạc, chị có nhiều thời gian lo việc cơ quan nên sự nghiệp ngày càng thăng tiến. Dù ý thức rõ giá trị bản thân, nhiều khi đi bên chị, anh vẫn thấy nỗi tự ti còn vương đâu đó trong lòng. Từ khi nào chị trở nên vô tâm, cứng nhắc. Nhiều ngày, anh căng thẳng nghĩ chiến lược kinh doanh, cái đầu gối của anh ngày qua đau hơn vì thời tiết, dạ dày hôm nay hành hạ anh vì lỡ thêm vài chén rượu khi tiếp khách, chị không hề hay biết, bởi vẫn tất bật việc công. Anh mua chiếc ô tô mới, chị bảo anh sĩ diện, xe cũ vẫn đi được, sao phải đổi. Chị không biết anh mua xe vì không muốn chị đi mãi chiếc xe cũ kỹ, dù vệ sinh sạch sẽ vẫn ám mùi khó chịu, tiếng máy ồn ào. Phần nữa là để ngầm ý nói với gia đình anh, công việc làm ăn hiệu quả, chuyện rời thủ đô theo vợ là đúng.

Chị thông minh, sắc sảo, đầy năng lượng sáng tạo. Anh từng thích thú cùng chị trải nghiệm mọi điều, nhưng do tuổi tác, nhiều khi anh không theo kịp những gì chị nói, những kiến thức hàn lâm… anh nghe mà chẳng nhớ được bao nhiêu. Nhiều khi anh thấy mình thừa thãi, vì lúc nào chị cũng bận rộn. Trở về nhà sau ngày làm việc, chị hết cầm iPad đến điện thoại, học ngoại ngữ. Có lúc muốn ca cẩm cái chân đau, cái lưng mỏi, thấy chị vậy, anh lại thôi. Cả năm rồi, anh chị ăn cơm cùng nhau ở nhà hàng chứ chị không vào bếp nữa. Thậm chí, 28 tết chị vẫn còn bận công tác, tối mịt mới về, mọi chuyện sắm sửa đều một tay anh. Con gái đi làm xa, chỉ được về trước tết vài ngày rồi lại đi sớm. Chị và con “lệch giờ” ba ngày mới gặp được nhau. Anh là đàn ông mà phải tỉ mẩn từng lá trầu quả cau, chuyện lớn chuyện bé nhà nội nhà ngoại đều chạy đôn chạy đáo. Còn chị, dường như đã quen được bảo bọc, quen thấy anh vững chãi mà quên mất sẻ chia.

Anh chưa từng đòi hỏi chị phải giỏi việc nước đảm việc nhà, vì anh biết đó là điều không thể. Là đàn ông, anh mặc định mình là người chủ động, là bờ vai trụ cột cho người phụ nữ anh thương yêu mà không tính toán. Nhưng trước một người vợ tài sắc đều hơn mình, sự thiếu tự tin khiến anh mang cảm giác đang mặc chiếc áo quá rộng, lúc nào cũng thấy bùng nhùng, chơi vơi. Anh thấy mình đuối sức khi luôn phải cố gồng lên cho vừa chiếc áo. 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI