Cô giáo về hưu và những "ước mơ con chữ"

01/05/2013 - 14:56

PNO - PN - Cứ vào tối thứ Ba, thứ Năm hàng tuần, lớp học xóa mù chữ của cô giáo Phan Thị Năm (287/57 Nguyễn Văn Luông, P.12, Q.6, TP.HCM) lại sáng đèn. Học trò đủ mọi lứa tuổi. Ban ngày, các em làm đủ thứ việc, từ bán vé số, rửa chén...

Dù bảy giờ tối lớp học mới bắt đầu, nhưng đã có khá nhiều học sinh đến sớm, tranh thủ ôn bài râm ran. Có em đến lớp còn cầm nguyên tập vé số chưa bán hết, có em quần áo đầy vữa hồ vì “nghề” của em là phụ hồ. Em Ngô Lệ Yến cho biết: “Em học ở đây được hơn hai năm. Ngày nào em cũng đến lớp sớm, tranh thủ ôn bài cùng các bạn. Xóm em còn nhiều bạn không được đi học vì nhà quá nghèo. Em mong mình biết nhiều chữ, sau này được làm cô giáo để dạy miễn phí cho các học sinh khó khăn”. Hằng ngày, công việc chính của Yến là phụ bơm bong bóng thuê kiếm tiền. Hoàn cảnh của Yến rất khó khăn, cha mất sớm, mẹ lấy chồng khác. Yến mong muốn được đến trường như các bạn đồng trang lứa. May mắn, cô Năm biết hoàn cảnh đã đưa Yến đến với lớp học.

Hai chị em Trương Kim Ngân (10 tuổi) và Trương Thanh Tuyền (12 tuổi), hiện đang sống trong căn nhà thuê tận Q.8, nhưng thường xuyên đến lớp học. Theo lớp xóa mù chữ đã ba năm nay, bây giờ, Tuyền và Ngân đã biết đọc, biết viết thành thạo. Với cách nói chuyện như một người từng trải, Tuyền tâm sự: “Có lần vì không đọc được tên đường nên con bị lạc. Con quyết tâm học thiệt giỏi, có việc làm để sau này có nhiều tiền, giúp ba mẹ bớt cực”.

Co giao ve huu va nhung

Cô Phan Thị Năm - người gieo chữ cho những trẻ em kém may mắn

Chính những “ước mơ con chữ” ấy đã níu chân cô Phan Thị Năm đến với lớp học này. Vốn là giáo viên, vừa nghỉ hưu, cô Năm đã tham gia đứng lớp. Cô tâm sự: “Ngoài việc xóa mù, tôi muốn đưa kiến thức, giúp các em có điều kiện thuận lợi hơn trong cuộc sống”.

Mới đầu, việc học hành rất chật vật, các em quen chơi bời lêu lổng nên khó rèn giũa. Nhiều em tới tám - chín tuổi vẫn chưa biết chữ. Không ít lần cô Năm cảm thấy đuối sức. Đêm về chỉ muốn khóc vì học trò quậy phá, không nghe lời. Cô tự động viên: “Tụi nhỏ như cỏ dại, không thể ngày một ngày hai mà vào nền nếp được. Vì vậy, mình phải nhẫn nại, kiên trì”. Thế là, cô Năm đổi giáo án, dạy các em bằng những câu chuyện có thật về những tấm gương hiếu học, biết vượt lên hoàn cảnh; những câu chuyện, bài học về đạo đức; cô còn dạy các em cả kỹ năng sống… Cứ thế, các em dần dần thích đi học. “Ba năm qua, mình đã gắn bó cùng lớp học với biết bao nỗi vui buồn của những học trò. Nhìn học trò cặm cụi học đánh vần từng chữ cái, rồi biết đọc biết viết, ngày nghỉ cũng đem sách vở đến hỏi cô giáo khiến mình thấy hạnh phúc đến trào nước mắt” - cô Năm bồi hồi.

Để duy trì được lớp xóa mù chữ, Hội PN và Đảng ủy, chính quyền P.12, Q.6 đã vận động nhiều tập vở, bút viết tặng học sinh. Cô Năm còn xin sách giáo khoa cũ tặng học trò nghèo; những ngày mưa gió, cô lại đến tận nhà đón các học trò đến lớp.

Lớp học hiện có 13 em đang theo các chương trình từ lớp 1 đến lớp 5. Hồi đầu, cô Năm còn phân nhóm dạy theo từng trình độ nhưng “lỏi chỏi”. Thế là cô quyết định kèm từng em. Nhờ đó mà hiệu quả thấy rõ.

Bà Nguyễn Đỗ Trung Thư - Chủ tịch Hội PN P.12, Q.6 cho biết: “Hiện phường có khoảng 10% số dân thuộc hộ nghèo, trong đó tập trung chủ yếu khu phố 1 và khu phố 2. Lớp học được mở ra nhằm giúp cho các em thuộc những gia đình khó khăn, các em chưa có hộ khẩu được học chữ thuận lợi hơn, Hội hỗ trợ lớp học như tặng học bổng, sách vở nhằm động viên các em cố gắng học tập, vươn lên trong cuộc sống”.

 Phương Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI