Cô giáo vẽ đường đời cho trẻ em nghèo bị tự kỷ

17/11/2023 - 06:07

PNO - Học sinh trong lớp của cô Phương Dung đều là trẻ tự kỷ, là con em lao động có thu nhập thấp. 4 năm qua, lớp học đã mở ra chân trời mới, giúp nhiều đứa trẻ hòa nhập cộng đồng.

Lớp học đặc biệt

8 giờ sáng, trong căn nhà nhỏ vang lên những thanh âm bài hát: “Cây bông hồng em trồng tặng cô/ Cánh hoa hồng tươi như khoe ngày hội/ Mát dịu mùi hương như tình thương mến/ Cô dành cho chúng em”. Cô giáo và 3 học trò ngồi thành vòng tròn quanh bàn học. Cô vừa bắt nhịp, vừa sửa phát âm, từng chữ, cho các em.

Cô giáo ấy là cô Nguyễn Thị Phương Dung, 58 tuổi. Lớp học đặc biệt ấy được thành lập từ năm 2019, đặt tại nhà cô, trong một con hẻm trên đường Phong Phú, phường 12, quận 8, TPHCM. Hiện, lớp có 7 trẻ tự kỷ là con em của những lao động nghèo. Buổi sáng gồm những đứa trẻ tự kỷ dạng nhẹ. Buổi chiều, những giờ học bằng phương pháp can thiệp chuyên sâu giúp trẻ tự kỷ nặng sớm hòa nhập.

Cô Phương Dung dạy cho các em học sinh tự kỷ nhận biết về các nghề nghiệp trong cuộc sống ẢNH: NGÂN GIANG
Cô Phương Dung dạy cho các em học sinh tự kỷ nhận biết về các nghề nghiệp trong cuộc sống ẢNH: NGÂN GIANG

Thấy khách, Quang Hải (12 tuổi) lễ phép chào chúng tôi và được cô giáo vỗ tay tán thưởng, khiến cậu sung sướng cười tít mắt. Quang Hải bị tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ và có hoàn cảnh khá đáng thương. Ba em bị bệnh bại liệt. Cách đây không lâu, mẹ em cũng phải “ngồi một chỗ” vì thoái hóa cột sống. Thế là, một mình chị gái Hải phải chăm lo cho ba, mẹ và cậu em trai.

Dù rất muốn đưa em đến trường, nhưng căn bệnh của Hải khiến em không thể hòa nhập được với bạn bè cùng trang lứa. Chị gái không đủ sức lo cho Hải đi can thiệp sớm tại các trung tâm dành cho trẻ tự kỷ, nên gần 10 tuổi, cậu bé vẫn không thể nói được một câu trọn vẹn.

“May mắn, gia đình chúng tôi được người quen giới thiệu đến lớp học của cô Phương Dung. Bây giờ, Quang Hải không chỉ biết giao tiếp mà còn đọc, viết, vẽ được. Gia đình tôi biết ơn cô Phương Dung dữ lắm” - chị gái Quang Hải chia sẻ.

Mấy hôm nay, Quốc Long (9 tuổi) thường mang những bức tranh nhiều sắc màu về tặng mẹ. Nhìn những bức tranh do con trai bị chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý phác họa, mẹ của Quốc Long đã khóc vì sung sướng. Chị Thảo Vy - phụ huynh em Quốc Long - cho biết, gia đình đã rất cố gắng để đưa cậu con trai tự kỷ vào trường tiểu học như bao đứa trẻ khác, nhưng Long không thể hòa nhập nên trường đã “trả về”.

May mắn đã mỉm cười với Quốc Long khi được giới thiệu đến lớp học của cô Phương Dung. Sau 2 năm học, bây giờ Quốc Long đã có thể đọc, viết, giao tiếp cùng mọi người. Gia đình kỳ vọng, một ngày không xa, Quốc Long có thể trở lại trường phổ thông để hòa nhập với bao đứa trẻ khác.

“Đường đời của những đứa trẻ tự kỷ như con tôi rất chông chênh. Những nét bút mà cô Phương Dung tập cho cháu như là vẽ lại đường đời để mai này con tôi có thể phát triển, tự lo cho bản thân và giúp ích được gì đó cho xã hội” - chị Thảo Vy chia sẻ.

Cô Phương Dung dạy các em học sinh tự kỷ hát bài Bông hồng tặng cô
Cô Phương Dung dạy các em học sinh tự kỷ hát bài Bông hồng tặng cô

Cần vòng tay yêu thương của cộng đồng

Buổi chiều, lớp học của cô Phương Dung có phần căng thẳng hơn bởi những tiếng la hét thỉnh thoảng xuất hiện. Một cách vô thức, nhiều học trò đã tự gây tổn thương cho mình và những người xung quanh. Những lúc ấy, cô giáo sẽ ôm học trò vào lòng mà vỗ về, giúp các em bình tĩnh trở lại. Cô nói: “Để giúp đỡ một đứa trẻ tiến bộ, ngoài kỹ năng dạy trẻ chuyên biệt thì người giáo viên cần có tình thương. Bởi tình thương là thứ mà trẻ tự kỷ dễ dàng cảm nhận nhất”.

30 năm dạy trẻ khuyết tật, tự kỷ, cô Phương Dung đã tham gia nhiều dự án, ở nhiều trung tâm lớn. Đến năm 2019, cô có ý định mở một lớp để giúp đỡ trẻ bị khuyết tật, tự kỷ ngay tại nhà mình. Trùng hợp, có một phụ huynh ở phường 12, quận 8 đến nhờ cô giúp đỡ con trai mình.

Từ đó, “tiếng lành đồn xa”, những lao động nghèo có con bị tự kỷ lần lượt đưa con đến nhờ cậy cô. Thế là lớp học ra đời. Cùng với việc giúp đỡ trẻ tại nhà, cô Phương Dung cũng đang tham gia một dự án liên quan đến giáo dục trẻ khuyết tật, tự kỷ ở cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn (quận 3) với vai trò điều phối.

“Nhiều người xem trẻ tự kỷ là bất bình thường, thậm chí có người gọi đây là bệnh khùng. Nhưng hãy thử kết bạn với chúng, trải lòng với chúng, nghe kể chuyện và nói về ước mơ thì ta sẽ thấy chúng cũng có một tâm hồn trong sáng, đáng yêu như bao đứa trẻ bình thường” - cô Phương Dung nói. 

Bởi thế, mong muốn lớn nhất của cô là những đứa trẻ khuyết tật, tự kỷ sẽ được đối xử bình thường như những đứa trẻ khác; cộng đồng xã hội không còn kỳ thị chúng nữa. Cô cũng mong ngành giáo dục, xã hội quan tâm hơn nữa đến những đứa trẻ đặc biệt; giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập phải được đi học, được bồi dưỡng chuyên môn về giáo dục trẻ đặc biệt; tạo điều kiện hết mức để những đứa trẻ khiếm khuyết được hòa nhập, được đến trường như những đứa trẻ khác. 

“Trên chặng đường hòa nhập của những đứa trẻ khiếm khuyết, cần có vòng tay yêu thương của cộng đồng, nhà trường, xã hội. Chỉ có như vậy, các cháu mới có thể hòa nhập với môi trường giáo dục bình đẳng, được phấn đấu, được phát triển bình thường như những đứa trẻ khác” - cô Phương Dung khẳng định. 

* Tên của một số học sinh đã được thay đổi.

Giúp đỡ được nhiều chị em hội viên phụ nữ

Đại diện Hội LHPN phường 12, quận 8, nhận xét, việc mở lớp học của cô Phương Dung rất nhân văn. Không ít chị em hội viên phụ nữ có con bị khuyết tật, tự kỷ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không thể gửi các cháu vào các trung tâm để được can thiệp sâu, can thiệp sớm và lớp học của cô Phương Dung đã giúp họ giải quyết, giúp các cháu sớm được hòa nhập. 

Đặc biệt, lớp học của cô Phương Dung không thu học phí. Hằng tháng, phụ huynh tự nguyện gửi một khoản tiền nhỏ tùy theo khả năng để cô mua thiết bị, dụng cụ học tập. Thời gian tới, Hội LHPN phường 12 sẽ phối hợp với một số nhà hảo tâm để có thể chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường, trong đó có lớp học của cô Phương Dung.

“Khi biết đến lớp học của cô Phương Dung, chúng tôi đã mở lời, nếu cô gặp khó khăn cần hỗ trợ, giúp đỡ gì cứ liên hệ với hội. Nếu không giúp được nhiều về vật chất, hội sẽ giúp về mặt tinh thần” - đại diện Hội LHPN phường 12, quận 8 chia sẻ.


Ngân Giang

 

 

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhoatdonghoivi /strCate=hoatdonghoi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdiendanvi /strCate=diendan

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEnhungnguoiphunuquanhtoivi /strCate=nhungnguoiphunuquanhtoi

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEvicuocsongantoanchophunutreemvi /strCate=vicuocsongantoanchophunutreem
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhoivacuocsongvi /strCate=hoivacuocsong