PNO - Với học sinh Trường tiểu học và THCS Kỳ Đồng (xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), giờ học lịch sử cùng cô giáo Phạm Hồng Lê luôn chứa đựng những điều thú vị, mới mẻ.
Lịch sử đến từ những điều gần gũi Từ nhiều năm trước, học sinh của cô Phạm Hồng Lê đã luôn chờ đón những giờ lịch sử, bởi các em không chỉ được đóng kịch, được tranh luận với nhau mà còn háo hức mỗi khi cô liên hệ lịch sử với kiến thức các môn tự nhiên. Tận dụng công nghệ thông tin, những hình ảnh, video về lịch sử liên quan đều được cô tích hợp trong bài giảng. Những giờ học lịch sử đầy tính trực quan sinh động ấy đã khiến nhiều thế hệ học trò của cô Lê yêu thích môn học này.
Đã rời trường làng chuyển lên trường huyện, nhưng học sinh Nguyễn Văn Phúc vẫn nhớ rất rõ những tiết học của cô Lê. Phúc nhớ học kỳ II năm lớp Chín, cô đã cho lớp em dựng lại không khí của lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. “Em và các bạn đứng dưới cờ Tổ quốc, giơ tay chào và hô “Chúng tôi, đội viên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân xin lấy danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới cờ đỏ sao vàng 5 cánh - xin thề…”. Không khí trang nghiêm và tự hào của tiết học lịch sử ngoài trời hôm đó làm em nhớ mãi” - Phúc kể.
Học sinh lớp Chín Trường tiểu học và THCS Kỳ Đồng tái hiện không khí của lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trong 1 giờ học lịch sử - Ảnh: H.L.
Lên bậc THCS, học sinh nào cũng được tìm hiểu “lịch sử là gì”. Thông thường, giáo viên sẽ cho các em đọc sách để tìm ra đáp án. Nhưng cô Lê không theo cách đó. Từ hôm trước, cô yêu cầu mỗi học sinh mang đến lớp 1 món đồ bất kỳ, nhưng bắt buộc món đồ đó phải liên quan đến ông bà, cố để các em kể trong giờ học. Qua đó, học sinh của cô Lê hiểu hơn về lịch sử của gia đình, dòng họ mình; dần dần mở rộng ra - hiểu hơn về lịch sử quê hương, đất nước. Cô Lê nói, có lẽ cô học được cách nuôi dưỡng tình yêu lịch sử giản dị đó từ bà nội. Ngày còn bé, cô thường được bà kể về cuộc sống của cha mẹ, chị em bà; về phong trào bình dân học vụ sôi nổi khắp các xóm làng; về những ngày bà đi dạy xóa mù chữ từ thôn này qua thôn khác… Những câu chuyện bình dị đó là lý do cô thi đỗ đại học luật, nhưng lại chọn học sư phạm sử - địa.
Nhiều người nói lịch sử “khô, khó và xa”, nhưng qua những bài giảng của cô Lê đã trở nên gần gũi. Phúc nói: “Cô Lê cho chúng em hiểu, cách ông Lý Thường Kiệt kết thúc chiến tranh giữa Đại Việt và quân Tống (đang trên đà thắng lợi nhưng vẫn chọn thương lượng, đề nghị giảng hòa) chính là nối tiếp truyền thống nhân đạo của dân tộc. Sau sự sụp đổ của nhà nước An Dương Vương là bài học đoàn kết nội bộ và tinh thần luôn biết đề phòng với kẻ thù. Học về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933, chúng em hiểu về quy luật cung cầu... Các giờ học lịch sử với cô Lê khiến chúng em dễ hiểu, dễ nhớ hơn”.
Luôn đổi mới phương pháp
Không chỉ vậy, trong giờ học lịch sử với cô Lê, có khi các em được nghe cô đọc thơ về chiến sĩ Điện Biên “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm”, có khi cô trò cùng hát 1 bài hát về ngày toàn thắng, có khi cùng nhau vẽ 1 bức tranh về ngày đất nước thống nhất. Hôm khác, cô trò cùng nhau giới thiệu Di tích lịch sử Đền Trần của huyện nhà bằng song ngữ… Cô Lê chia sẻ: “Phương pháp này không chỉ khiến các em thích thú, bị cuốn vào lịch sử mà còn giúp các em thể hiện được năng khiếu ở những môn học khác như âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ. Nhiều khi, có học sinh trở thành trợ giảng cho cô”.
Cô giáo Phạm Hồng Lê hướng dẫn học sinh học lịch sử qua hiện vật - Ảnh: H.L.
Cô Lê về trường giảng dạy lịch sử từ năm 2002. Ngay từ những ngày đầu bước chân vào nghề, cô đã luôn suy nghĩ phải làm sao để việc dạy môn học này đạt được hiệu quả, giúp các em dễ hiểu bài, nhớ bài. Và cô nhận ra ngoài kiến thức, còn cần thường xuyên đổi mới phương pháp dạy, tìm phương pháp giảng dạy phù hợp với từng lứa tuổi học sinh và dạy lịch sử phải có liên hệ thực tế.
Cô hướng dẫn học sinh trong giờ ở lớp khai thác kiến thức trong sách giáo khoa. Về nhà, các em tìm hiểu lịch sử từ những sự vật, hiện tượng xung quanh, qua câu chuyện được nghe từ người thân, nhân chứng lịch sử. Hay các em sẽ sưu tầm hiện vật, hình ảnh… rồi mang trình bày trên lớp. Những tiết học diễn ra ngoài phạm vi lớp học, cô hướng dẫn học sinh học thực địa thông qua di sản văn hóa tại đền Trần, đền Tiên La và quảng trường Long Hưng ngay tại huyện Hưng Hà… Việc dạy học thực địa thông qua di sản giúp các em quan sát, trải nghiệm, biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống, từ đó hình thành năng lực, phẩm chất. Cũng từ đó, các em biết giữ gìn di sản văn hóa, biết bảo vệ môi trường...
Cô giáo Phạm Thúy Nết - dạy ngữ văn ở Trường tiểu học và THCS Kỳ Đồng - cảm kích: “Mỗi lần được dự giờ lịch sử của cô Lê, tôi đều thấy sự chuẩn bị rất kỹ về nội dung bài giảng. Đó là những tư liệu lịch sử rất đắt như các đoạn phim tài liệu được cô chọn lọc hợp lý, những hình ảnh cô sưu tầm được. Những bài giảng powerpoint sinh động của cô, cùng sự hóa thân vào các sự kiện lịch sử đã lôi cuốn các em tham gia xây dựng bài học. Nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh của trường tôi đã nhờ khả năng, tâm huyết của cô Lê mà thay đổi quan điểm về học lịch sử”.
Từ năm học 2015-2016, cô Lê cùng đồng nghiệp đã thực hiện dự án dạy học theo chủ đề tích hợp: “Nhà Trần với sự nghiệp bảo vệ quốc gia Đại Việt”. Dự án gồm 7 tiết, với 4 tiết dạy trên lớp và 3 tiết dạy học thực địa, sử dụng kiến thức liên môn của các môn như văn, địa, giáo dục công dân, nhạc để giải quyết nội dung bài học và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống…
Năm học 2016-2017, cô Lê tiếp tục dạy học theo dự án với đề tài “Việt Nam thời dựng nước”. Cả 2 dự án này đều giành giải Nhất cấp quốc gia về dạy học chủ đề tích hợp liên môn dành cho giáo viên trung học.
Năm học 2017-2018, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng cô Phạm Hồng Lê bằng Lao động sáng tạo. Năm 2020, cô là Đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu; cô Lê cũng là một trong những nhà giáo tiêu biểu tham dự.
Hoàn cảnh khó khăn, nhưng nhiều sinh viên không những vượt qua mà còn có thành tích học tập rất tốt, tham gia nghiên cứu khoa học, làm gia sư miễn phí...
Chiều 14/11, tại Hà Nội, diễn ra buổi gặp mặt các nhà giáo của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và tuyên dương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương.