Cô giáo không phải thần thánh

06/03/2016 - 09:02

PNO - Tôi vốn không quá quan tâm tới thành tích... Vậy mà cuối cùng con tôi vẫn không thoát khỏi cách giáo dục đáng buồn hiện nay.

Co giao khong phai than thanh
Ảnh mang tính minh họa

Một ngày đầu tuần, tôi đi làm về khá trễ, mệt mỏi vì mấy đợt kẹt xe. Cậu con trai nhỏ, đang học lớp 1, đón mẹ ở cửa, méc:

- Cô T. đánh con chảy máu tay nè mẹ.

Tôi, như bao nhiêu bà mẹ khác, lập tức chụp lấy bàn tay con, rồi thở ra nhẹ nhõm khi biết đó chỉ là mấy vết xước nhỏ lấm tấm máu. Nhưng cảm xúc tiếp theo là tức giận. Cô giáo sao dám đánh con mình đến nông nỗi này?

Tôi mở điện thoại, định gọi, nhưng lại bấm tin nhắn. Suy tính chạy nhanh trong đầu - Làm cho ra lẽ, cùng lắm thì chuyển lớp cho con chứ sợ gì. Không nên, con mình còn nhỏ, xáo trộn như thế cũng chẳng tốt. Nhắn gì đây ta?

- Cô T. ơi, sao cô đánh em Chua chảy máu tay vậy?

Chua là tên ở nhà của con tôi. Cô giáo vốn khá thân. Thực dụng nghĩ: Con tôi có học thêm tuần ba buổi ở nhà cô giáo. Dịp 20/11 vừa rồi, tôi cũng quà cáp cho cô không thiếu sót gì. Con gái lớn của tôi đang học lớp 4 cùng trường. Năm trước nữa tôi còn làm trong hội cha mẹ học sinh của trường và luôn có mặt trong hội cha mẹ học sinh lớp con gái. Cô T. hẳn phải biết. Vậy thì vì sao cô vẫn dám đánh con tôi?! Con tôi còn bị đánh thì con người khác, sẽ thế nào?

Chua thấy mẹ có vẻ giận dữ thì lo sợ, bảo mẹ đừng gọi cô. “Cô bảo, con mà méc mẹ, mai cô sẽ đánh đòn con thêm đấy”. Trời, thì ra cô giáo còn dọa con không được mách mẹ. Ghê gớm thật! May mà con mình đã được dạy không giấu mẹ chuyện gì.

Tôi hỏi Chua đầu đuôi câu chuyện, vừa khai thác vừa dỗ dành, trấn an con. Hóa ra chuyện cũng không có gì. Chua, thay vì dùng thước, đã gạch ngang bằng tay trên một trang giấy nào đó. Cô phạt hai roi. Chua khóc. Cô T. bảo đưa tay cô xem, nói không sao, chút nữa cô xức dầu.

- “Nhưng cô không xức dầu cho con” - Thằng bé thút thít nói. Tôi ôm con vào lòng, đứt ruột. Thằng bé mới rời trường mẫu giáo - vốn chỉ ăn và chơi - ít lâu thôi mà. Nhiều lần nghe con kể bị cô đánh, tôi đều xem là thường, dù cũng xót con. Chua có cái miệng lép bép, hay nói chuyện, nhưng nhát đòn. Ở nhà, mẹ chỉ cần giơ roi lên là em đã khóc. Em lại vụng về, chữ xấu, dù đọc rất ổn. Đầu năm, tôi từng gọi điện cho cô để trao đổi về con, tránh để con sợ sệt, không muốn đi học.

Tôi vốn không quá quan tâm tới thành tích, chẳng muốn con chịu áp lực học hành. Vậy mà cuối cùng con tôi vẫn không thoát khỏi cách giáo dục đáng buồn hiện nay.

Tôi nhớ lại hôm đi họp phụ huynh đầu năm, cảm thấy cô giáo có vẻ yêu nghề, lời lẽ dịu ngọt nhưng là mẫu người có thể đánh học trò. Cách nói năng của cô khiến tôi nghĩ thế. Nhưng… có sao đâu! Tôi chỉ có hai đứa con mà loay hoay với chúng một lúc có khi cũng muốn phát điên, phải phết cho mỗi đứa vài roi mới yên. Cô giáo với hơn bốn chục đứa học trò nghịch như “giặc cỏ”, không có lúc mất kiểm soát mới lạ. Không giơ roi lên đánh đòn hay dọa dẫm thị uy, dễ gì mà lập nổi trật tự.

Nhớ lại, những lúc đón con buổi học thêm, biết là cô giáo cũng đang nuôi con mọn. Công việc và gia đình chắc bận lu bù… Sau sự cố này, khi tôi đã đánh tiếng, hẳn cô sẽ phải kiềm chế bản thân hơn. Đành vậy!

Tin nhắn hồi đáp của cô giáo đến ngay lập tức. Xin lỗi. Giải thích. Mong tôi thông cảm… Tôi thờ ơ đọc lướt qua lần nữa, dù lòng còn giận nhưng cũng băn khoăn. Chắc cô giáo cũng đang lo lắng. Sự im lặng của tôi có thể khiến cô thêm lo. Ai mà chẳng có lúc sai lầm.

Tôi bấm điện thoại, bảo: “Thôi cô đừng nghĩ ngợi nữa. Em Chua nó cũng cẩu thả, nghịch ngợm lắm, tôi biết”. Chừng như cô giáo chưa đủ yên tâm. Tôi nhắn thêm: “Cái nghề vất vả, áp lực. Thương cô giáo”.

Hải Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI