Cô giáo hơn 20 năm gắn bó với những học trò đặc biệt

12/11/2024 - 06:03

PNO - Hơn 20 năm trong nghề, với cô Phạm Thị Vũ Xuyên - (43 tuổi) giáo viên Trường chuyên biệt Hy Vọng (quận 8, TPHCM) - mỗi học trò là 1 hoàn cảnh và đều cần nhận được sự quan tâm như nhau.

Dạy trẻ khiếm thính nói qua khẩu hình

“Hôm nay, chúng ta học bài Khối hộp chữ nhật - Khối hộp vuông. Vậy bạn nào nhắc cho cô hôm qua chúng ta học bài gì nào?” - cô Xuyên vừa làm ngôn ngữ ký hiệu, vừa nói to, bên dưới là 4 học trò khiếm thính học lớp Ba. Các em lần lượt giơ tay, cô gọi P. - trẻ khiếm thính và khuyết tật trí tuệ. P. dùng ngôn ngữ ký hiệu để trả lời và hét lớn những chữ “ê a”. Cô giáo liền trấn an: “Không phải, hôm qua chúng ta học hình tam giác, tứ giác. Con phải bình tĩnh, nói chậm từng tiếng theo cô…”.

Rồi cô lấy trong cặp ra mấy khối hộp bằng giấy đủ màu sắc tự làm và hỏi: “Tại sao gọi là khối hộp vuông mà không gọi là hình vuông?”. Lần lượt từng em chạm tay vào mặt hộp sau đó đứng lên nói về những điều vừa được học. Tiết học toán diễn ra chậm rãi và đầy ấm áp. “Đa phần các em tiếp thu chậm, dễ quên, thiếu điềm tĩnh. Bên cạnh ngôn ngữ ký hiệu, tôi luôn cố gắng dạy các em ngôn ngữ nói thông qua khẩu hình, để các em có thể giao tiếp với người nhà” - cô nói.

Cô Xuyên cho học trò tiếp xúc với các dạng hình khối trước khi bắt đầu bài học
Cô Xuyên cho học trò tiếp xúc với các dạng hình khối trước khi bắt đầu bài học

Bên cạnh việc dạy, cô Xuyên còn dành nhiều thời gian tâm sự với các em. Ở lớp có em K., do bất đồng ngôn ngữ nên thiếu sự sẻ chia từ gia đình, chỉ có chú chó bầu bạn. Một lần, thấy K. buồn, cô hỏi chuyện thì được biết chú chó ấy đã bị cha em đưa đi xa. Hỏi phụ huynh, cô mới biết gia đình có việc nên mang chú chó đi vài hôm rồi lại mang về. Nghe cô giải thích, K. mới vui vẻ trở lại. Cứ mỗi lần chú chó bị mang đi, K. lại buồn và cô lại kiên trì giải thích, chưa một lần chán nản. “Để hiểu được trẻ thì phải kết nối mật thiết chứ không phải chỉ ngôn ngữ ký hiệu. Mình phải quan sát và dạy dỗ mỗi ngày” - cô chia sẻ.

Kết thúc giờ dạy buổi sáng, cô Xuyên lại tất bật chuẩn bị dụng cụ dạy cho lớp buổi chiều. Đó là lớp tiền tiểu học với 6 em thiếu tập trung, ngôn ngữ hạn chế. Cô có nhiệm vụ thay đổi hành vi, rèn nền nếp và cung cấp vốn từ để các em bước vào lớp Một.

Đứa trẻ nào cũng đặc biệt

Khi vừa tốt nghiệp THPT năm 2001, cô Xuyên được một người quen mời về dạy học cho trẻ khó khăn tại huyện Cần Giờ. Đến nơi, cô mới biết ở đây còn có những em khuyết tật trí tuệ, khiếm thính, Down, bại não… Những đứa trẻ quấn quýt cô khiến cô càng thấy thương. 1 tháng sau, cô quyết định đi học cách dạy trẻ khuyết tật tại Trường khuyết tật Thị Nghè (quận 1). Rồi cô học thêm lớp trung cấp sư phạm mầm non (có chứng chỉ giáo dục đặc biệt) của Trường đại học Sư phạm TPHCM, liên thông lên đại học chuyên ngành giáo dục đặc biệt.

Năm 2007, cô đến công tác tại Trường chuyên biệt Hy Vọng cho đến nay. “Trẻ bình thường không người này dạy thì người khác dạy, còn các em thì mình có chuyên môn mình sẽ dạy tốt hơn, các em có cơ hội hòa nhập nhiều hơn” - cô nói. Với cô, mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm riêng. Trò nào cô cũng thương, cũng muốn các em hòa nhập tốt nhất với cuộc sống. Dù những đứa trẻ ra trường ít khi trở lại thăm nhưng cô vẫn dõi theo chúng qua mạng xã hội, tương tác và động viên các em.

Khi được hỏi về khó khăn trong nghề, cô suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu. Mỗi ngày đến trường, cô thấy mình được thay đổi, bồi dưỡng nên có thể thích ứng với mọi thứ, kể cả việc chuyển đổi số mà cô từng nghĩ mình sẽ không làm được. Phần lớn thời gian ở trường, cô Xuyên chỉ còn vài tiếng buổi tối để chăm sóc 3 đứa con. Cô vẫn dạy các con phải biết quý cái mình đang có, biết giúp đỡ và tôn trọng những bạn khuyết tật. Có một học trò khuyết tật của cô học tốt nên được học hòa nhập cùng lớp với con trai cô. Con cô không chỉ giúp đỡ, dặn bạn bè không được bắt nạt bạn mà mỗi khi thấy bạn có hành vi lạ, con lại về nói với mẹ để trao đổi với phụ huynh.

Năm học 2022-2023, cô Xuyên đạt danh hiệu giáo viên giỏi thành phố ngành khuyết tật. Điều cô tự hào là đã dạy được nhiều học trò học lên các lớp cao hơn, thậm chí đi làm và hòa nhập tốt với cộng đồng. “Cô sẽ dạy trẻ khuyết tật cho đến khi không còn được dạy” - cô Xuyên bộc bạch.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI