Cô giáo giỏi việc nước, đảm việc nhà ở vùng sâu Trà Vinh

20/11/2024 - 12:56

PNO - Đến Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) là xã vùng sâu, vùng xa có hơn 70% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chúng tôi được lãnh đạo địa phương kể về tấm gương “giỏi việc nước, đảm việc nhà” của cô giáo Thạch Thị Sa Thia. Cô giáo “ 2 giỏi” Thạch Thị Sa Thia là nguồn cảm hứng cho phụ nữ nông thôn trong giai đoạn mới…

Không chỉ là cô giáo yêu nghề, mến trẻ được đồng nghiệp, phụ huynh tin yêu, cô giáo Thạch Thị Sa Thia còn là tấm gương “giỏi việc nước, đảm việc nhà”; là nguồn cảm hứng, sáng tạo trong nghề giáo và trong cuộc sống.

Cô Sa Thia chia sẻ, nghề giáo cao quí được cô yêu thích từ lúc còn học phổ thông nên sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học cô đã thi vào Trường Cao đẳng sư phạm mầm non Trà Vinh. Năm 2008, ra trường cô Sa Thi tình nguyện về giảng dạy tại xã vùng sâu Thạnh Hòa Sơn. Hàng chục năm trong nghề, cô Thạch Thị Sa Thia luôn là tấm gương cần cù, sáng tạo được đồng nghiệp và người dân địa phương tin yêu.

Cô Thạch Thị Sa Thia -Phó hiệu trưởng Trường mầm non Thạnh Hòa Sơn là tấm gương trong ngành giáo dục địa phương
Cô Thạch Thị Sa Thia - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Thạnh Hòa Sơn - là tấm gương trong ngành giáo dục địa phương

Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Sơn Lê Văn Phước nhìn nhận: “Cô Thạch Thị Sa Thia - Phó hiệu trưởng Trường mầm non Thạnh Hòa Sơn là tấm gương trong ngành giáo dục địa phương; đồng thời cũng là tấm gương phụ nữ tiêu biểu giỏi việc nước, đảm việc nhà. 4 năm liền (2020 đến 2023) cô Sa Thia đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và là giáo viên 4 năm liền đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, tỉnh…”.

Chị Trần Thi Thu Thảo - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Ngang - tự hào: “Không chỉ là giáo viên cần mẫn, yêu nghề, mến trẻ… cô Sa Thia còn là “kiện tướng” sản xuất giỏi, là người tiên phong mở ra hướng sản xuất mới, giúp cả trăm người thoát nghèo từ mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen và nuôi cá. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân vùng sâu, vùng dân tộc Khmer”.

Chị Trần Thị Thu Thảo - Chủ tịch Hội LHPN Cầu Ngang trò chuyện với cô giáo Sa Thia ( bên phải)
Chị Trần Thị Thu Thảo - Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Ngang - trò chuyện với cô giáo Sa Thia (bên phải)

Kể về sự gắn bó với cây sen trắng như “cái duyên” tình cờ cách đây 7 năm, cô giáo Sa Thia thổ lộ: “Đầu năm 2018 trong chuyến công tác ở TP Trà Vinh, tôi mua 50 gốc sen trắng đem về trồng thử trên đất trồng lúa của gia đình thấy hiệu quả khá cao, đến nay tôi mở rộng diện tích trồng lên hơn 9 công. Sen dễ trồng, ít sâu bệnh so với trồng lúa, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Chi phí đầu tư một vụ sen khoảng 3 triệu đồng/công. Sau hơn 2 tháng trồng là thu hoạch ngó và bông sen liên tục suốt một năm.

Hiện nay, mỗi ngày tôi thu được khoảng 300 bông và 15kg ngó sen. Giá bán 3.000 đồng sen trắng, sen hồng là 5.000 đồng. Riêng ngó sen giá bán là 30.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thu bông sen rất rộng và còn bán qua mạng theo đơn đặt hàng khách hàng ở TPHCM, Cần Thơ, Hà Nội... Bình quân 1 tháng lợi nhuận từ trồng sen của gia đình khoảng 22-25 triệu đồng”.

Cô Sa Thia cho biết thêm, từ mô hình tiên phong đưa cây sen về trồng trên đất lúa kém hiệu quả mang lại hiệu quả kinh tế cao, đến nay địa phương đã phát triển lên 100 công sen đem lại cuộc sống ổn định cho nhiều nông dân địa phương.

Lãnh đạo huyện Cầu Ngang tham quan mô hình trồng sen hiệu quả kinh tế cao cô giáo Thạch Thị Sa Thia
Lãnh đạo huyện Cầu Ngang tham quan mô hình trồng sen hiệu quả kinh tế cao của cô giáo Thạch Thị Sa Thia

Theo ông Lê Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa Sơn, từ hiệu quả kinh tế cao của cây sen, xã đã thành lập Tổ trồng sen và hỗ trợ nông dân xây dựng nhãn hiệu sản phẩm ngó sen đạt chuẩn OCOP; kiến nghị huyện, tỉnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tiến tới chế biến các sản phẩm từ sen nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đình Cảnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI