Cô giáo gieo mầm thiện

07/02/2019 - 07:30

PNO - Lớp học đặc biệt tồn tại hơn 23 năm trên góc đường Tống Văn Hên này đã đưa hàng ngàn đứa trẻ nghèo vào đời, có em thành kỹ sư, có em được ra nước ngoài du học.

Co giao gieo mam thien

Cô Vân với quyển sổ lưu giữ “lý lịch trích ngang” của hàng ngàn học trò suốt 23 năm làm cô giáo của lớp học đặc biệt

Lớp học chỉ hơn 30 học sinh nhưng đủ thành phần, trình độ. Học sinh là những đứa trẻ từ nhiều miền quê, theo cha mẹ vào TP.HCM và dừng chân ở P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM sinh sống. Trong số này, có những em không có giấy khai sinh, có em còn không biết chính xác tuổi của mình, nhưng chúng có một điểm chung: khát khao con chữ.

Chỉ cần như vậy, chúng đã được vào lớp học của cô giáo Võ Thị Bích Vân và chồng là thầy Nguyễn Tất Hữu. Lớp học đặc biệt tồn tại hơn 23 năm trên góc đường Tống Văn Hên này đã đưa hàng ngàn đứa trẻ nghèo vào đời, có em thành kỹ sư, có em được ra nước ngoài du học. 

Co giao gieo mam thien
Bây giờ, dù ngày nắng hay mưa, cứ mỗi chiều, thầy Hữu, cô Vân lại ra lớp học của mình trên đường Tống Văn Hên gieo chữ cho học trò.

Năm 1990, vợ chồng cô Vân rời vùng quê Duy Xuyên, Quảng Nam vào TP.HCM mưu sinh, làm đủ thứ nghề, dạy kèm, bán rau củ quả. Bấy giờ, khu vực chân cầu Tham Lương, Q.Tân Bình là đồng khô cỏ cháy, trẻ đa phần là con em người nhập cư, thất học, rất dễ rơi vào tệ nạn xã hội.

Năm 1994, ông Võ Minh Nhựt - khi đó là cán bộ Ủy ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em P.15, Q.Tân Bình - nảy ra ý tưởng mở lớp xóa mù chữ ở chốt dân phòng. Lớp học sẽ không duy trì được nếu không có sự xung phong của thầy Hữu, cô Vân - khi đó là hội viên Hội Phụ nữ P.15, cũng từng là sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Nam - Đà Nẵng. 

Học trò của vợ chồng cô Vân là những  em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi cha mẹ, cha mẹ bị nhiễm HIV, cha mẹ bị tù tội, cha mẹ không có điều kiện cho con đến lớp… Để giữ chân học trò, cô Vân đã “chiêu dụ” các em bằng nhiều cách: thưởng kẹo, tặng quà khi trò đến lớp, tặng học bổng, phương tiện đi lại nếu học tốt. Thông qua mối quan hệ xã hội của mình, cô Vân đã mời gọi được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí cho lớp học. 

Co giao gieo mam thien

Cô Vân cũng tích cực trong các hoạt động chung của khu phố. Cô là nhịp cầu giúp các chị em hội viên được vay vốn làm ăn, cô cũng là người dầu tiên khởi xướng phong trào “Nói không với túi ni-lông” ở khu phố, cô còn kêu gọi thành lập câu lạc bộ Vòng tay nhân ái tại Chi hội Phụ nữ khu phố 11, P.15.

Nhờ có câu lạc bộ Vòng tay nhân ái của cô Vân, chi hội đã tổ chức được nhiều hoạt động chăm lo hằng tháng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến nay, câu lạc bộ đã tổ chức gần 10 đợt chăm lo, với tổng cộng hơn 60 phần quà tương đương 10 triệu đồng. 

Tôi hay hỏi đùa cô Vân “khi nào nghỉ hưu”, cô mỉm cười khẳng khái: “Còn trẻ đói chữ, còn phụ nữ khó khăn là tôi chưa hưu được”. Và vì vậy, cô Vân vẫn từng ngày miệt mài gieo mầm thiện, mang con chữ đến học trò nghèo, mang từng món quà nho nhỏ cho các hội viên khó khăn.  

 Hoàng Thị Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI