Cô giáo Đào Thị Hồng Quyên: Miệt mài đưa STEM đến học sinh nông thôn

11/06/2023 - 08:14

PNO - Nếu hỏi Đào Thị Hồng Quyên đâu là động lực giúp cô kiên trì và bền bỉ với giáo dục STEM như vậy, câu trả lời nhận được luôn là chính cô cũng không rõ. Chỉ biết trong cô luôn thường trực thôi thúc thực hiện các dự án nhằm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các nhóm học sinh dân tộc thiểu số - nông thôn - thành thị.

 

Cô Đào Thị Hồng Quyên trong một lớp giáo dục STEM
Cô Đào Thị Hồng Quyên trong một lớp giáo dục STEM

Phương tiện giúp Đào Thị Hồng Quyên đạt được khát vọng đó là STEM. Đây là chương trình giảng dạy được thiết kế nhằm trang bị cho người học các kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineer), toán học (math). Mục tiêu giáo dục STEM ở các quốc gia có thể không giống nhau nhưng mô hình này đều hướng tới việc giúp người học vận dụng kiến thức từ các môn học để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

Tình yêu trong trẻo với nghề giáo 

Việt Nam đã tiếp cận giáo dục STEM cách đây hơn 15 năm. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình giáo dục STEM còn nhiều khó khăn khi có đến 68% dân số sống ở vùng nông thôn - những nơi thường thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, những câu hỏi như giáo dục STEM nên được thử nghiệm và triển khai trong bao lâu và theo cách nào; nên dạy ở cấp độ nào trong các trường công lập và tư thục; cần bao nhiêu tiền; những nguồn lực nào có thể sử dụng để hỗ trợ giáo dục STEM ở mỗi tỉnh… vẫn còn bỏ ngỏ.

Cô Đào Thị Hồng Quyên - ẢNH: ELLE
Cô Đào Thị Hồng Quyên - Ảnh: ELLE

Chính những khó khăn của việc đưa hệ thống giáo dục STEM đến gần với học sinh nông thôn ở Việt Nam đã cho thấy nỗ lực, sáng tạo cũng như tinh thần tiên phong của nhiều cá nhân tâm huyết, trong đó có Hồng Quyên. Cô thú nhận, những ngày đầu, cô thậm chí còn không biết việc dạy học tích hợp khoa học - kỹ thuật hay toán như vậy là STEM. “Tôi chỉ biết rằng mình phải cố gắng để mỗi bài học hay hơn, sinh động hơn, gần với thực tế hơn” - cô tâm sự.

Càng thú vị hơn khi biết, trước đó, Quyên không hề có ý định theo nghề giáo. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô muốn học y nhưng cha mẹ của cô bảo nghề y lâu ra trường. Giai đoạn đó, sức khỏe cha Quyên không tốt. Ông muốn nhìn thấy con gái tốt nghiệp đại học. Thương cha, người thầy trường làng tảo tần, Quyên chọn học sư phạm. Càng đi dạy, Quyên càng yêu nghề. Cô không ngừng tìm tòi phương pháp dạy sao cho học sinh có thể hiểu bài nhanh nhất. 

10 năm trước, khi mới bước chân vào nghề, Quyên là giáo viên môn sinh học ở một trường tại Hà Nội. Dù chưa định hình về STEM, cô và đồng nghiệp đã chủ động làm những thí nghiệm vui, đồng thời tổ chức nhiều buổi đưa học sinh đi tham quan thực địa. Đem tinh thần đó đến Nam Định, suốt 4 năm dạy học ở Trường THPT Mỹ Lộc, Quyên không chỉ lôi kéo đồng nghiệp và học sinh say mê thực hiện những thí nghiệm vật lý - hóa học đơn giản trong lớp mà còn hình thành mô hình câu lạc bộ để hoạt động thường xuyên hơn.

Bước ngoặt lớn đối với Quyên là khóa tập huấn ngắn hạn về giáo dục STEM và khoa học vũ trụ tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ vào năm 2017. Tình cờ đọc được thông tin về chương trình và nhanh chóng nộp đơn đăng ký, Quyên được tài trợ học bổng vì đã “bắt đầu giảng dạy STEM cho một thế hệ nhà khoa học mới”. Cô hăm hở lên đường mà không ngờ rằng đây sẽ là chuyến đi làm thay đổi toàn bộ tầm nhìn giáo dục của bản thân.

Hồng Quyên thực hành với giả lập môi trường không trọng lực tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ năm 2017
Hồng Quyên thực hành với giả lập môi trường không trọng lực tại Trung tâm Vũ trụ và Tên lửa Hoa Kỳ năm 2017

Trong gần 100 giáo viên đến từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt tại khóa học, Quyên là một trong những người hiếm hoi làm việc ở nông thôn. Quyên chợt nhận ra khoảng cách về giáo dục STEM ở Việt Nam và thế giới không xa vời như mình đã tưởng. Mỗi chủ đề cô trải nghiệm đều được xây nên từ những bài toán cơ bản mà “bất kỳ giáo viên khoa học nào trên thế giới đều có thể tự tổ chức”. Thực tế, có tới 1/3 số hoạt động học hỏi về khoa học vũ trụ hoàn toàn không cần đến bất kỳ máy móc tân tiến hiện đại nào. 

Về nước, Quyên tự tin hơn và liên tục tham gia nhiều khóa tập huấn về giáo dục STEM cho các thầy cô giáo ở miền núi và nông thôn do Liên minh STEM tổ chức.

Có nhiều lý do khiến trẻ em Việt Nam sống ở khu vực nông thôn không được tiếp cận với giáo dục STEM. Chẳng hạn như các trường THCS và tiểu học thiếu chương trình giảng dạy STEM, đào tạo STEM cho giáo viên và cơ sở vật chất phòng thí nghiệm... Để giải quyết những vấn đề trên, Quyên và cộng sự đã khởi tạo một dự án STEM cho khu vực nông thôn bằng cách xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh từ nhân lực đến cơ sở vật chất thông qua đào tạo, thu hút tình nguyện viên và liên kết các làng nghề để phát triển nội dung liên quan đến thực hành STEM.

Người Việt đầu tiên đạt giải thưởng POR

Mặc dù được đào tạo bài bản về giáo dục STEM qua các khóa học quốc tế, Quyên luôn ý thức việc lắng nghe và trau dồi kiến thức sát với hoàn cảnh thực tiễn. Trong vai trò Trưởng bộ môn khoa học Trường trung học Genesis, Quyên đã có những đóng góp đáng kể cho chương trình giáo dục STEM suốt 8 năm qua. Những bài học STEM không tốn kém nhưng vui nhộn và hiệu quả đã truyền cảm hứng đến nhiều thầy cô và cho chính bản thân Quyên.

Hồng Quyên trên bục nhận giải POR
Hồng Quyên trên bục nhận giải POR

Trong giai đoạn COVID-19, Quyên đã triển khai 28 hội thảo trực tuyến dành cho giáo viên về giáo dục STEM, giúp nâng cao nội dung về STEM và phát triển kỹ năng mềm, bao gồm kỹ năng tư vấn cho hơn 84.000 giáo viên tại Việt Nam. Những năm gần đây, Quyên còn làm người điều phối và quản trị diễn đàn Cộng đồng Giáo viên STEM với hàng vạn thành viên.

Trước những nỗ lực bền bỉ và liên tục truyền cảm hứng đó, tháng Tư năm nay, Quyên vinh dự trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải Power of Radiance (POR - Sức mạnh tỏa sáng) toàn cầu. Giải thưởng này do Clé de Peau Beauté sáng lập với sự tư vấn trực tiếp từ Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) nhằm tôn vinh những phụ nữ góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ em gái bằng giáo dục - đặc biệt là giáo dục STEM - và thúc đẩy bình đẳng giới.

Quyên ví von giải thưởng này với cô tương tự vai trò của enzyme đối với cơ thể: “Nếu không có enzyme, các phản ứng vẫn xảy ra nhưng với tốc độ vô cùng chậm. Không có sự hỗ trợ của giải thưởng Tỏa sáng, chắc chắn tôi vẫn tiếp tục thúc đẩy giáo dục STEM nhưng giải thưởng đúng là enzyme đối với tôi, thúc đẩy công việc lên nhiều lần. Điều rất thú vị nữa về enzyme là nó sẽ thúc đẩy hàng loạt chuỗi phản ứng và có thể được tái sử dụng một cách bền vững” - Quyên nói.

Đó là một cam kết đầy tính trách nhiệm, chứa đựng nhiệt huyết, sự bền bỉ và tinh thần tận hiến vì cộng đồng, vì lý tưởng sống mà Quyên tin tưởng - điều người ta thường cho là hiếm thấy ở người trẻ ngày nay.

Hiện tại, Quyên vừa học lên thạc sĩ, vừa tiếp tục kết nối các nhóm thúc đẩy STEM. Hoạt động này hướng đến 3 mục tiêu: Phát triển giáo dục STEM dành cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi phía Bắc; Phát triển giáo dục STEM dành cho học sinh khuyết tật sau COVID; Thúc đẩy truyền thông giáo dục STEM. Các hoạt động kỳ vọng triển khai tới hơn 1.000 giáo viên cùng hơn 10.000 học sinh (trong đó 60% là học sinh nữ) nhằm hỗ trợ tiếp cận và phát triển giáo dục STEM, mang lại hiệu quả tích cực trong học tập và cuộc sống. 

 

Nhã Ca 

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI