Có gì trong mâm cơm ngày Vu lan ở các quốc gia?

30/08/2023 - 07:53

PNO - Trong văn hóa của các nước Á Đông, Vu lan báo hiếu là những ngày đặc biệt khi những người con sẽ trở về quây quần bên gia đình để thăm cha mẹ và cùng gia đình làm nên những mâm cơm hấp dẫn. Và ở mỗi quốc gia, những món ăn trên mâm cơm sẽ thay đổi để phù hợp với nền văn hóa từng nước. Từ đó tạo nên những sắc màu riêng cho ngày đặc biệt này.

Việt Nam

Trong ngày Vu lan ở Việt Nam, những mâm cơm lúc nào cũng đầy ắp món ngon từ đồ mặn đến đồ chay tạo nên nét đa dạng cho ẩm thực Việt Nam. Các gia đình thường chuẩn bị 3 mâm bao gồm 1 mâm cúng Phật, 1 mâm cúng gia tiên, 1 mâm cúng cô hồn - vong hồn vất vưởng.

Mâm cỗ chay thờ Phật gồm có các món chay hoặc trái cây, thường sẽ là những món ăn như xôi, chả giò chay, nem chay, gỏi chuối ngó sen, canh rau củ, đậu hũ non xốt nấm… Mâm cỗ sẽ được đặt cao nhất trên bàn thờ cùng các loại hoa sen, hoa huệ nhằm bày tỏ tấm lòng.

Mâm cúng cô hồn gồm có các món như: muối, gạo, cháo trắng, hoa quả, các loại bánh kẹo, tiền vàng, nước, hương và nến nhỏ… được cúng vào tối ngày 14-15/7 âm lịch.

Cuối cùng là mâm cỗ cúng lễ Vu lan, đây thường sẽ là những món mặn mà ông bà tổ tiên thích nhằm bày tỏ sự biết ơn bao gồm các món: gà luộc, xôi, chả giò, canh rau củ, giò chả, các món gỏi… cùng trái cây.

Mâm cơm ngày Vu Lan của người Việt - Ảnh Internet
Mâm cơm ngày Vu lan của người Việt - Ảnh Internet

Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, Vu lan là dịp đặc biệt để người dân đất nước này bày tỏ sự biết ơn đối với cha mẹ. Vào ngày này, người dân Trung Quốc thường chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để dâng tổ tiên, 3 lần mỗi ngày và buổi lễ chính thường diễn ra vào lúc hoàng hôn. Đáng chú ý khi mỗi một vùng đều có những cách chuẩn bị mâm cỗ khác nhau.

Ở miền nam Trung Quốc, bữa cơm luôn có thịt gà luộc và heo quay đồng thời họ luôn để một chiếc ghế trống cạnh bàn ăn với niềm tin người đã khuất sẽ ngồi ở đó. Còn ở Quảng Tây, người dân thường làm vịt để cúng vì cho rằng các linh hồn thường sẽ đứng trên mình vịt.

Mâm cơm cúng ngày Vu Lan ở Trung Quốc - Ảnh Internet
Mâm cơm cúng ngày Vu lan ở Trung Quốc - Ảnh Internet

Nhật Bản

Ở xứ sở hoa anh đào, Bon-Odori là tên gọi của ngày Vu lan, các thủ tục thờ cúng cũng như ở Việt Nam. Điểm khác biệt làm nên sự độc đáo của ngày Vu lan ở Nhật Bản chính là mâm cỗ gồm các loại bánh cúng có màu sắc sặc sỡ được làm từ bột gạo (Hasu Okashi) sau đó tạo hình thành hoa sen và đặt trên bàn thờ cùng các loại trái cây khác nhau.

Ngoài ra các món bánh cũng được thay đổi linh hoạt từ ngày 13 đến ngày 16, lần lượt là Mukaedango (món bánh đón linh hồn), Ohagi (bánh bột gạo), Soumen (bún làm từ bột mì), và cuối cùng là Okuridango (bánh tiễn linh hồn). Tất cả nhằm bày tỏ sự biết ơn, tưởng nhớ công dưỡng dục của đấng sinh thành của người dân xứ sở mặt trời mọc.

Các món bánh được bài trong mâm cỗ của người Nhật - Ảnh Internet
Các món bánh trong mâm cúng của người Nhật - Ảnh Internet

Hàn Quốc

Đối với người dân xứ kim chi, Vu lan ngoài việc là một ngày để bày tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ với những phong tục cúng lễ giống như những quốc gia kể trên thì họ còn chuẩn bị thêm những mâm bánh được làm từ ngũ cốc, cơm rượu và cùng nhau diễu hành để cầu cho mùa màng được thuận lợi, bội thu hơn.

Mâm cúng Vu Lan của người dân Hàn Quốc - Ảnh Internet
Mâm cúng Vu lan của người dân Hàn Quốc - Ảnh Internet

                        Bửu Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI