Có gì đó sai sai khi được “nhờ con”?

12/01/2017 - 16:18

PNO - Khoảng hơn chục năm trở lại đây, tôi nghe nhiều người bảo, thời bây giờ sinh con gái "được nhờ" hơn con trai.

Trước kia, tình cảm cha mẹ dành cho con được được xem là tình yêu một chiều, kiểu “nước mắt chảy xuôi” nhưng hiện nay, tư tưởng con cái cũng phải có trách nhiệm ngược lại với cha mẹ, ngay cả khi họ sai đã và đang trở nên phổ biến. Những bình luận trái chiều từ thông tin một ca sĩ trả nợ cho mẹ lên đến hai mươi tỷ đã thể hiện lối suy nghĩ đó.

 Khoảng hơn chục năm trở lại đây, tôi nghe nhiều người bảo, thời bây giờ sinh con gái "được nhờ" hơn con trai và không ít người thậm chí đã chủ động để sinh con gái thay vì cố tìm cho được con trai để nối dõi như trước kia.

Co gi do sai sai khi duoc “nho con”?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo những người này, con gái mới tí tuổi đầu đã có thể giữ em, giúp mẹ làm việc nhà, lớn lên, lấy chồng rồi nhưng vẫn quan tâm đến bố mẹ, nếu may mắn lấy chồng khá giả còn có thể giúp đỡ gia đình mình về vật chất, ngay cả khi con gái họ lập gia đình trên danh nghĩa “vì yêu”. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy có gì đó "sai sai" khi nghe chữ "được nhờ" không khỏi đặt trong ngoặc kép này. Liệu đó có đồng nghĩa với việc báo hiếu, trả hiếu mà một số bậc cha mẹ với suy nghĩ và hành động (chủ động sinh con gái) như trên đang kỳ vọng ở con mình?

Không hiểu có phải vì muốn báo hiếu cha mẹ thực sự hay đó chỉ là cách biện minh cho sự lựa chọn dễ bị cho là "vọng ngoại", là tham phú phụ bần của mình mà Q., một cô bé tôi quen đã thẳng tay chấm dứt mối tình hơn sáu năm với một anh công nhân để lấy một chàng Việt kiều chỉ sau hai tháng quen biết trên mạng. Đám cưới chóng vánh nhưng hào nhoáng cộng với món tiền cưới đủ để bố mẹ Q. xây lại căn nhà mới thật khang trang khiến gia đình Q. mát mặt với họ hàng, chòm xóm. Q. trở thành “tấm gương hiếu thảo” để một số gia đình ở vùng quê ấy đem ra dạy con mình.

Hồi anh em tôi góp tiền sửa lại căn nhà của bố mẹ, đi đến đâu bố mẹ tôi cũng được khen, nào là ông bà có phước, nào là con cái hiếu để khiến bố mẹ tôi tự hào mươi phần thì cũng dăm phần khó chịu. Phần anh em tôi, tự thấy việc chỉnh trang lại căn nhà của bố mẹ cũng là nơi họp mặt chung để con cháu hội tụ mỗi khi có dịp chẳng phải là gì ghê gớm, càng không xem đó là món quà để báo hiếu. Chỉ đơn giản vì thương bố mẹ đã lớn tuổi nên muốn chỗ ở của ông bà tử tế hơn thay cho căn nhà cũ đã đến lúc nâng cấp.

Với tâm niệm ấy, chúng tôi tin ngoài kia chắc hẳn còn nhiều người con cũng muốn thể hiện sự thương yêu bố mẹ theo cách ấy, chỉ là do chưa đủ điều kiện hoặc chưa đến lúc thực hiện mà thôi. Hoặc nhiều gia đình có con cái không được dư giả, đủ đầy nhưng họ vẫn yêu thương bố mẹ theo cách riêng của mình. Họ có thể không giàu có nhưng biết cần kiệm, căn cơ cũng như không bao giờ cậy nhờ, phiền lụy đến bố mẹ.

Họ có thể không đủ điều kiện để tặng cha mẹ những món quà đắt tiền nhưng có thể kề cận sớm hôm, thăm nom, chăm sóc. Có thể họ không biết làm đẹp lòng bố mẹ bằng những mỹ từ hay những hành vi phô trương khiến người khác ngưỡng mộ nhưng họ luôn tôn trọng bố mẹ và thuận hòa với các thành viên khác trong nhà khiến gia đình luôn hạnh phúc, chan hòa tình yêu thương. Đấy chẳng phải là cách đáp đền công lao sinh dưỡng của bố mẹ thiết thực nhất sao?

Muốn con có hiếu, không thể là những quy chuẩn nào đó mà cha mẹ có thể áp dụng để dạy dỗ con mình, để phục vụ cho nhu cầu nào đó của mình hoặc cho một mục đích nào khác, mà chính là tấm gương phản chiếu những gì cha mẹ đã làm với các bậc sinh thành để từ đó con cái họ noi theo. Có hiếu, cũng không thể là những giá trị hiện hữu mà cha mẹ có thể kỳ vọng từ con cái bởi nếu tình yêu thương của các con đủ lớn, tự chúng sẽ biết nên làm gì với các bậc sinh thành.

 Trần Khang Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI