'Có gan ly hôn thì đừng đòi cấp dưỡng'

05/08/2018 - 18:33

PNO - Lỡ phải ly hôn, đừng mong và cũng đừng đòi tiến cấp dưỡng, vì khi người đàn ông đã không biết trân quý vợ con để đến nỗi bước qua con đường ly hôn, thì anh ta sẽ quên luôn giọt máu của mình.

- Anh ơi, gửi tiền cấp dưỡng cho con đi anh, qua mấy ngày rồi, con đang bệnh!

- Bệnh gì? Cô nuôi con tôi làm sao để nó bệnh?

- Con nít năm, bảy tuổi, bệnh làm sao em biết được! Mà anh gửi tiền chưa ạ, em kẹt lắm!

- Có gan ly hôn thì đừng đòi cấp dưỡng! Cô liệu mà lo cho con tôi hết bệnh đó nhen!

Đó là mẫu đối thoại cuối cùng của tôi và chồng cũ.

'Co gan ly hon thi dung doi cap duong'
Tôi và 2 con ngày sắp ly hôn.

Ngày đó, tôi và chồng sống được tám năm, sinh hai con thì phải ly hôn do anh không có ý chí cầu tiến. Việc làm cứ giậm châm tại chỗ, lương nhân viên văn thư trường học không tăng nhưng chiều nào cũng tụ tập bạn bè đến nỗi lương hàng tháng của anh là bà chủ quán nhậu lãnh, vì đơn giản bà là chị của hiệu trưởng nơi anh làm việc.

Tay nách hai con nhỏ, tôi làm đủ thứ việc nhưng vẫn không tài nào nuôi sống đủ gia đình. Tôi can ngăn chuyện nhậu nhẹt, anh bảo “chiều tan trường, hiệu trưởng bảo vô quán, không vô lạc bầy coi sao được”. Vậy là để anh khỏi “lạc bầy” thì mẹ con tôi phải chịu khó khăn thiếu thốn, con cơm không đủ no, sữa không đủ uống, tiền học phí cứ phải hẹn lần hẹn lữa.

Thế rồi, trong một lần anh đi cùng thủ quỹ nhà trường để nhận lương về cho giáo viên (thời 2005 chưa trả lương qua thẻ ATM như bây giờ), họ đã ghé vào một quán nhậu và… mất số tiền đó. 10 triệu đồng tại thời điểm đó khá nhiều, và họ phải trả lại bằng mọi cách.

Tôi đã vay mượn mọi nơi để chồng có tiền bù vào khoảng mất mát đó, rồi khuyên chồng nghỉ việc để ra ngoài làm ăn vì đàn ông ngoài ba mươi mà ngồi một chỗ nơi bàn giấy đó thật phí sức. Nhưng anh không đồng ý, thế là bất đồng xảy ra vì anh vẫn nhậu nhẹt mỗi chiều chứ không phải vì mất số tiền lớn vì rượu chè mà anh tỉnh ra.

Tôi làm đơn ly hôn vì tư tưởng sống không hợp nhau. Trước tòa anh bảo “Đã có gan ly hôn thì đừng đòi cấp dưỡng”. Tuy anh nói vậy, nhưng pháp luật vốn công bằng nên quyết định ly hôn có hiệu lực và buột anh cấp dưỡng 300 ngàn/tháng cho hai đứa con. Năm 2008, số tiền đó cũng coi là nhiều”.

Thế nhưng sau đó anh chẳng bao giờ đả động tới tiền cấp dưỡng dù hàng ngày vẫn đi qua nhà mẹ con tôi, thấy chúng tôi tạm bợ trong căn chòi nhà ngoại thế nào.

Rồi nhờ trời thương, hay như câu “Nợ hay mòn/con hay lớn”, các con tôi từ đó bỗng mạnh khỏe cùi cụi, mỗi chiều không còn cảm giác sợ sệt vì cha đi làm về mà chân nám đá chân xiêu, nói năng nhì nhằng nhề nhệ nữa.

Công việc tôi ổn định hẳn, hai con ngoan ngoãn, chịu học hành và phụ mẹ việc nhà…

'Co gan ly hon thi dung doi cap duong'
Tôi và 2 con bây giờ.

Hơn 10 năm qua, tôi đã nuôi con một mình bằng sức lực của mình mà chẳng nhận đồng cấp dưỡng nào nhưng con tôi vẫn khôn lớn như ai.

Vậy nên tôi xin có lời nhắn tới các bà mẹ lỡ phải ly hôn, là đừng mong và cũng đừng đòi tiến cấp dưỡng, vì một khi người đàn ông đã không biết trân quý vợ con để đến nỗi bước qua con đường ly hôn, thì anh ta sẽ ít khi bận tâm về tiền cấp dưỡng. Bởi, nếu họ biết quý vợ con, đã lo cho vợ con cuộc sống ấm êm chứ đâu phải để ly hôn rồi mới “ném tiền qua cửa sổ” như thế.

Trang Thùy (Tây Ninh)

Có người mẹ đơn thân, một nách nuôi hai con, nhiều ngày liền một mình đứng trước cửa nhà người chồng cũ để hỏi về tiền cấp dưỡng. Cửa vẫn đóng bặt, không thể liên lạc được, trong khi những chi phí từ việc nuôi con như hứa hẹn trước đó trước tòa hoàn toàn là một con số không tròn trĩnh.

Một người mẹ kể, "năm lần bảy lượt nhắn tin gọi điện, anh ta còn trả lời đầy thách thức: “Đã hiểu là không có tao thì mẹ con mày cạp đất mà ăn chưa?”

Những câu chuyện đau lòng chỉ người trong cuộc mới hiểu. Chúng tôi mở diễn đàn bàn luận về vấn đề này, mời bạn chia sẻ quan điểm, câu chuyện của mình, gởi bài qua email tinhyeuhonnhan@baophunu.org.vn. Những bài viết tiêu biểu sẽ đăng tải lên chuyên mục phần nào xoa dịu nỗi lòng những người đồng cảnh ngộ, phần nào hi vọng giúp các nhà làm luật có động lực có thể cải tiến các chế tài mạnh hơn trong việc thực thi nghĩa vụ này.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI