Cô gái trẻ và những cuốn “sách sống”

01/03/2017 - 06:30

PNO - Chính ý muốn tốt đẹp của Thư đã thuyết phục thành công hầu hết những cuộc đời gặp được, khiến họ sẵn sàng buông mặc cảm, mạnh dạn gia nhập Thư viện sống.

Không như những cuốn sách thông thường để bạn đọc lần theo con chữ, họ - vừa là nhân vật, vừa là “đầu sách” - trực tiếp kể với “độc giả” câu chuyện đời mình. Họ nằm trong Dự án Thư viện sống lần đầu có mặt tại Việt Nam, mà chủ dự án là Lê Anh Thư, cô sinh viên năm thứ hai Trường cao đẳng Oberlin, Mỹ.

 

Co gai tre va nhung cuon “sach song”
Lê Anh Thư

Đi tìm những “đầu sách kể chuyện”

Sinh ra tại Hà Nội, Lê Anh Thư có sở thích đọc sách từ nhỏ. Cô đặc biệt quan tâm dòng tác phẩm tự sự, được viết nên từ chuyện đời, nỗi lòng của tác giả. Lớn lên, Thư thường xuyên trăn trở với những áp lực, thiệt thòi mà phụ nữ phải gánh chịu: nạn nhân của nhiều loại tội phạm, tệ nạn, định kiến. Bởi thế, không ai ngạc nhiên khi quyết định du học, Thư chọn chuyên ngành nghiên cứu về phụ nữ, tình dục và giới tính. Chưa định hình công việc của tương lai, song điều thôi thúc Thư bấy giờ là ngày trở về, với sự am hiểu sâu về lĩnh vực mà người Việt ngại đề cập, cô sẽ giúp chị em nói lên những tiếng lòng ẩn ức giấu kín.

Sang Mỹ, Thư tình cờ phát hiện một thư viện lạ lẫm: thư viện sống. Ở đó, người “đọc” sẽ gặp gỡ, trò chuyện với những “tác phẩm” là những con người thực, bằng xương bằng thịt. Ấn tượng trước “đầu sách” là một cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam, khi ông kể về những mất mát, day dứt, bị sang chấn tâm lý và đổ vỡ trong các mối quan hệ dẫn đến cuộc đời ông bị phá hủy sau ngày về, Thư nhận ra, có quá nhiều câu chuyện ẩn sau những cuốn sách thông thường mà vì nhiều trở ngại, đã không được đề cập hoặc lột tả cặn kẽ trong những cuốn sách Thư tìm đọc.

Đến với thư viện sống thường xuyên, Thư càng bị lôi cuốn bởi tính chân thật, nhân văn của hàng trăm “đầu sách”, để rồi đầu năm 2016, Thư chợt nghĩ: “Dự án này có thể mang về thực hiện ở Việt Nam”. Nghĩ là vậy, song cô không tránh khỏi băn khoăn về những khó khăn nếu thực hiện: mô hình quá mới mẻ liệu có thu hút “độc giả”; nhân vật người Việt liệu có chịu chia sẻ chuyện riêng với đám đông... Tìm kiếm những “đầu sách” dám kể ra bao khúc mắc, bi kịch, tâm tư của đời mình đồng thời phản ánh được những vấn đề xã hội đang quan tâm hẳn không phải một chuyện dễ dàng. Mang trăn trở này bộc bạch với người thân, cô được bố mẹ động viên “có ước mơ, cứ một lần thử thực hiện mơ ước”.

Biết ra đời từ năm 2000, hiện có mặt ở 70 quốc gia, Thư vẫn chưa dám công khai mơ ước với nhiều người. Cô lặng lẽ gửi hồ sơ cho “cha đẻ” của dự án - Tổ chức Human Library Đan Mạch - xin bản quyền. Human Library Đan Mạch trước nay nhượng quyền mô hình cho các quốc gia thông qua các tổ chức, nhưng với tư cách cá nhân, Thư đã chinh phục họ bằng những dòng cảm nhận sâu sắc về ý nghĩa nhân văn của dự án, qua đó muốn độc giả Việt Nam được tiếp nhận, trải nghiệm mô hình này. Được họ đồng ý, Thư mạnh dạn kêu gọi sự giúp đỡ, bắt đầu từ những bạn trẻ nhiệt tình, năng động.

Về Hà Nội, Thư trình bày với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về mong muốn được tiếp cận những phận người mà với chung quanh, họ không được tôn trọng hoặc chịu nhiều định kiến: phụ nữ bị bạo hành, bị mua bán; người trải qua cú sốc tâm lý, người đồng tính…  Dẫu được giúp đỡ, song với Thư, hành trình đến với những cuộc đời nói trên để khiến họ tin tưởng vào dự án đã khó, thuyết phục họ trở thành “đầu sách” của thư viện càng khó hơn.

Những câu chuyện từ “sách sống”

Khăn gói về một vùng quê miền núi, Thư tìm gặp chị T. Phận đời chị được tóm gọn: “Lấy chồng sớm, trốn khỏi chồng do bị bạo hành rồi bị bán sang Trung Quốc hai lần. Được giải cứu về Việt Nam, T. lập gia đình mới nhưng lại tiếp tục bị chồng mới đánh đập, chì chiết, đay nghiến, bị ép làm gái mại dâm. Vì con, T. tủi nhục cam chịu”.

Co gai tre va nhung cuon “sach song”
Với hành trình dám ước mơ và thực hiện mơ ước, Thư cũng là một "đầu sách"

Gần hai tháng ròng, Thư quyết định dọn đến sống cùng chị T. để lắng nghe những trải nghiệm đau đớn, không lối thoát. Rồi Thư đề nghị chị công khai chia sẻ chuyện đời mình. Những nỗi ngại ngùng, lo sợ cuối cùng cũng được chị T. xóa bỏ, chị đồng ý kể chuyện đời mình với “độc giả” để xã hội có cái nhìn khách quan, bao dung hơn với những mảnh đời như chị. Và, chị trở thành “đầu sách” tên .

Tiếp tục tìm đến hai “đầu sách” là người chuyển giới, Thư cũng chinh phục họ bằng cách lắng nghe, đồng cảm với nỗi dằn vặt, khổ tâm, muốn chấm dứt cuộc sống của những tâm hồn nữ tính trong nhân dạng nam nhi, và bao áp lực họ phải chịu khi bị coi thường, ngăn cản họ muốn sống thật với chính mình. Cũng như tâm sự cùng Thư, thông qua dự án, họ muốn được xã hội thực sự thấu hiểu trước khi đưa ra quan điểm, dẫu khắt khe hay rộng thoáng.

Từ đó, hy vọng góp phần xóa tan những định kiến đang từng ngày làm đau họ, cô lập họ. Theo Thư, để những cuộc đời như vậy trở thành các “đầu sách”, cần phải  tiếp cận họ bằng sự chân thành, từ đó động viên họ dám trải lòng mình, qua đó bày tỏ hy vọng, gửi gắm đến xã hội cái nhìn khách quan, bao dung hơn.

Chính ý muốn tốt đẹp của Thư đã thuyết phục thành công hầu hết những cuộc đời gặp được, khiến họ sẵn sàng buông mặc cảm, mạnh dạn gia nhập , nâng tổng số “đầu sách” lên 30 trong nửa năm tìm kiếm. Chỉ một số ít trường hợp từ chối do không sắp xếp được thời gian phù hợp với của thư viện - diễn ra trong hai ngày vào tháng 7/2016 tại Hà Nội, thu hút hơn 800 người “đọc” và hơn 500 người cũng trong hai ngày tại TP.HCM vào đầu năm 2017. Số lượng “độc giả” vượt ngoài dự kiến không chỉ mang lại thành công bước đầu cho dự án mà điều Thư mừng nhất là dự án đã được thực hiện đúng với mục đích, ý nghĩa, sự nhân văn vốn có.

Là “đầu sách” , em H. kể: “Cha mẹ ly hôn, lúc bảy tuổi, tôi về sống với nội. Có một người hàng xóm thường xuyên mượn cớ thương yêu, cưng nựng để sàm sỡ tôi. Ông dùng những ngón tay sờ mó vào bắp đùi, vùng ngực khiến tôi ghê tởm nhưng không dám thổ lộ cùng ai vì ngại, vì sợ. Những năm tháng dậy thì, tuy biết cự tuyệt biểu hiện yêu thương kỳ lạ của người hàng xóm ấy, nhưng nhìn cơ thể thay đổi của mình, tôi vẫn mặc cảm, đau khổ và cảm thấy ghê tởm chính nó. Mãi sau này, tôi mới dần yêu quý bản thân, không còn tự trách mình bằng những vết rạch tự làm đau mình. Trở thành “đầu sách”, tôi hy vọng những trang đời của mình sẽ là bài học cảnh tỉnh, giúp nhiều bạn gái biết bảo vệ bản thân và trên hết là để các bạn yêu quý bản thân hơn và hiểu rằng, quá khứ luôn không thay đổi được, nên hãy cố gắng sống thật tốt cho hiện tại và tương lai”.

Không ít phản hồi từ độc giả khiến Thư bật khóc. Có phụ huynh sau khi “đọc” đã bày tỏ sự thấu hiểu, cảm thương hơn cô con gái của mình - một cô gái đang giằng xé giữa việc yêu một cô gái khác và không làm “mất mặt” cha mẹ, họ hàng mình. Vị phụ huynh ấy giờ đây chỉ muốn con gái được sống vui, hạnh phúc nên đã chấp nhận cho con tự lựa chọn cách sống của mình. Có bạn trẻ bày tỏ nỗi hối hận đã nhiều lần miệt thị người xăm mình, sau khi “đọc sách” , đã nhận ra, đôi khi người xăm mình chỉ cảm thấy đẹp, tự tin hơn khi có một hình xăm, giống như một loại trang sức mà họ muốn sở hữu…

Không dừng lại đó, Thư khoe, sau những , mong ước của chị T. “có một triệu đồng mở quán nước vỉa hè để nuôi con, từ bỏ nghề mại dâm” đã trở thành sự thật. Chương trình của Thư đã quyên góp được ba triệu đồng tặng chị. Hiện tại, chị T. đang triển khai kế hoạch mở quán nước mưu sinh…

Đang trong những ngày tất bật vừa học, vừa lên kế hoạch mang về các tỉnh thành khác trong thời gian tới, Thư cũng đồng thời tích cực tìm kiếm những “đầu sách” có giá trị nhằm đem đến những thông tin bổ ích, thiết thực cho "bạn đọc". Cũng từ hành trình này của mình, cô gái trẻ khẳng định: “Rất nhiều người trong chúng ta có những mơ ước lớn lao nhưng còn rụt rè, không thực hiện. Ví như một “đầu sách”, tôi cũng muốn truyền đi cảm hứng đến nhiều người”.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI