Cô gái nhỏ gói Hội An trong chiếc áo

21/01/2018 - 09:58

PNO - Nuôi dưỡng ước mơ từ năm chín tuổi để rồi 15 năm sau, cô gái Hội An ấy khởi nghiệp ở tuổi 24 với một tiệm may nho nhỏ tại quê nhà.

Sau bốn năm, ngoài cửa tiệm chính ở Hội An, cô gái nhỏ ngày nào còn mang “đứa con cưng” của mình rón rén đặt chân đến Sài Gòn, Đà Nẵng cùng thật nhiều hoài bão. 

Những chiếc áo dài từ cửa tiệm nhỏ xinh của cô theo chân du khách bốn phương về với bao miền đất lạ, âm thầm quảng bá cho đường kim mũi chỉ tài hoa của nghệ nhân Việt. Cô gái ấy là Trần Thị Thúy Bình - người sáng lập chuỗi cửa tiệm Chiba Hội An - Đà Nẵng - Sài Gòn.

Co gai nho goi Hoi An trong chiec ao
Chiếc áo dài thêu này đã theo chân một du khách về với nước Pháp xa xôi

Phóng viên: Khi người trẻ có xu hướng sống gấp, chạy theo chủ nghĩa xê dịch, vì sao bạn lại chọn nghề may - được cho là đã lỗi thời, không phù hợp với tuổi trẻ - để khởi nghiệp? 

Chị Trần Thị Thúy Bình: Như là duyên nợ, ngay lần đầu nhìn thấy chất liệu linen và lụa, tôi đã khát khao được chạm tay vào, được sở hữu và làm ra thật nhiều sản phẩm đẹp cho bản thân và cho người khác. Cũng vì thế, đây chính là hai chất liệu chủ yếu cho sản phẩm của Chiba. Rất may, cả linen và lụa đều rất được lòng du khách. 

14 tuổi, tôi cặm cụi vẽ chiếc đầm đầu tiên rồi mang hình đến tiệm nhờ may, sau đó cặm cụi thêu. Cái đầm đầu tiên màu hồng, ngọt ngào như giấc mơ đầu đời của tôi. Vì tình yêu đối với vải vóc, thêu thùa, ở cái tuổi còn chưa kịp lớn, một buổi đến trường, một buổi tôi đi làm thêm tại các cửa tiệm bán quần áo may sẵn ở phố Hội và tranh thủ học nghề. 

24 tuổi, tôi mở tiệm với hành trang là tình yêu nghề và mớ kiến thức về nghề cóp nhặt suốt thời niên thiếu. Tiệm nhỏ, vốn liếng không nhiều, một tay tôi lo từ việc chọn từng cái bàn, cái ghế sao cho đúng chất cổ xưa của phố Hội. Những ngày đầu, tôi tự tay chọn vải, cắt, ngâm, may, vẽ, thêu… với tất cả háo hức, đam mê.

Mỗi sản phẩm thêu là một tác phẩm ngẫu hứng của tôi, như chiếc lá trầu bên rào hàng xóm, khóm cúc trong vườn nhà buổi sớm mai còn ngậm sương, đóa hướng dương rực rỡ giữa cánh đồng hướng dương nơi tôi tình cờ ghé qua, bụi hoa dại ven đường, mấy chú chim sẻ chí chóe trên mái ngói rêu phong… Những cảm hứng lượm lặt được mỗi ngày từ cuộc sống được tôi gói ghém trong từng chiếc áo trao cho khách. 

Tên tiệm là Chiba bởi tôi là chị ba trong nhà và cũng bởi thành phố Chiba (Nhật Bản) mang đậm nét văn hóa Nhật với những truyền thống đẹp là nơi tôi ao ước được một lần đặt chân đến. Hơn nữa, cái tên ấy khá thân thiện và bình dị, đúng tinh thần của tiệm cũng như những sản phẩm ra đời từ Chiba.

Co gai nho goi Hoi An trong chiec ao
Thúy Bình (thứ hai từ trái sang) bên những người bạn mới quen nhờ cầu nối là những chiếc áo dài thêu

* Ở Hội An, người ta dễ dàng tìm được những cửa tiệm chuyên bán sản phẩm thêu trên chất liệu linen hoặc lụa. Nhưng do đâu Chiba vẫn là một điểm hẹn “rỉ tai” của nhiều khách trong nước lẫn bạn bè quốc tế?

- Trước tôi rất nhiều anh chị đã làm và rất thành công với hàng may mặc thêu tay. Chiba ra đời muộn và may mắn được du khách đón nhận có lẽ là do sự chăm chút trong từng đường kim mũi chỉ bên cạnh mức giá bình dân; đặc biệt chỉ áp dụng thống nhất một mức giá với khách trong nước lẫn khách nước ngoài. Từ ngày đầu tôi đã xác định không thể để khách chỉ ghé đến Chiba một lần rồi thôi.

Tôi muốn nhắc đến Chiba là nhắc đến một không gian văn hóa nơi bạn bè khắp năm châu có thể làm quen, ngồi lại với nhau trong giây lát, uống chút trà, ăn miếng bánh quê xứ Quảng, tặng nhau dăm câu chuyện làm quà, trao nhau nụ cười để quên hết muộn phiền, trao đổi địa chỉ email, Facebook… bởi đâu dễ gặp nhau trong cuộc đời này.

Đó cũng là lý do mà tháng Năm năm ngoái tôi vừa mở thêm một quán nước nhỏ xíu bên cạnh tiệm, hoàn toàn miễn phí để mời khách ghé tiệm nghỉ chân xem chúng tôi thuê thùa, may vá.

* Giá thành rẻ, phục vụ miễn phí trà bánh, kinh doanh có vẻ như không màng đến lợi nhuận, dường như bạn đang ấp ủ một kế hoạch dài hơi nào đó?

- Tôi sống khá đơn giản nên thường không vẽ cho bản thân những con đường dài mà chủ yếu đi theo những gì trái tim cho là đúng. Trước mắt, tôi cố gắng học hỏi để hoàn thiện hơn nữa công việc hiện tại, đem đến cho khách hàng sự hài lòng cao nhất, với khát khao đem thế giới xích lại gần nhau hơn qua những chiếc áo dài thêu.

Trong năm nay, tôi dự định mở một vài workshop miễn phí để giới thiệu kỹ thuật thêu tay đến những ai quan tâm, đặc biệt là với khách nước ngoài muốn tìm hiểu về văn hóa Việt. Ngoài ra, tôi cũng muốn tiệm trở thành một không gian mở, một điểm hẹn thân tình, chốn nhỏ dừng chân nơi mọi phụ nữ đều có thể đến để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau; thậm chí để thư giãn, trò chuyện, tâm tình…

Co gai nho goi Hoi An trong chiec ao
Thúy Bình thường tự làm mẫu cho chính những sản phẩm do cô thiết kế

* Tiệm được bài trí như một ngôi nhà cổ giản dị mà người ta có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi nào tại Hội An. Giữa một rừng cửa hiệu hào nhoáng bắt mắt, sao bạn lại chọn cho đứa con tinh thần của mình vẻ ngoài bình dị đến thế?

- Có lẽ vì tôi vốn giản dị, luôn quan niệm rằng khách và tiệm gặp nhau cũng vì cái duyên. Nếu khách thích sự hào nhoáng thì chắc chắn không hợp với phong cách của tiệm, của tôi. Thế nên dù không phô trương nhưng tôi vẫn có một lượng khách quốc tế dồi dào.

Nhiều khách về nước rồi vẫn theo dõi Facebook của tôi, tâm sự và thỉnh thoảng đặt may theo số đo tiệm đã có. Thậm chí, Chiba còn may mắn được tiếp không ít vị khách vốn là bạn bè, người thân, đồng nghiệp… của khách cũ - biết đến tiệm qua lời giới thiệu trước đó.  

* Bạn nghĩ sao khi một số bạn bè quốc tế mà tôi quen biết gọi bạn là một sứ giả văn hóa của Việt Nam?

- Danh xưng này quả là to tát so với những gì tôi đã làm được. Bằng tình yêu quê hương, tôi chỉ mong mô hình Chiba được nhân rộng thêm nữa để ngày càng nhiều bạn bè quốc tế biết đến sản phẩm áo dài Việt thêu tay, đồng thời hiểu thêm về văn hóa Việt qua chiếc áo thêu, đôi guốc mộc, chiếc giỏ đan hay tách trà, miếng bánh quê...

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ.

Phương Trang
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI