Cô gái người Việt trở thành giảng viên của Đại học Harvard

01/02/2025 - 07:10

PNO - Xuất phát điểm là nữ sinh với sức học “bình bình” nhưng một cú hích sau đó, giúp Vũ Kim Hạnh liên tục giành học bổng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ rồi được nhận vào làm giảng viên ở trường đại học danh giá của Mỹ.

Giành học bổng từ cử nhân tới tiến sĩ ở Mỹ

Đó là câu chuyện của Vũ Kim Hạnh (30 tuổi, Hà Nội). Sinh ra ở phố cổ Hà Nội, Hạnh tự nhận thời phổ thông Hạnh chỉ có học lực ở mức khá và không có gì nổi bật so với bạn bè. Thậm chí, cô còn bị định kiến là “cô gái ăn chơi” bởi đam mê nhảy hiphop và thường xuyên tham gia tập nhảy với nhóm nhảy của mình.

Tuy nhiên, nhờ chọn theo học tiếng Đức và có năng khiếu về ngôn ngữ nên sau đó được chọn vào lớp chuyên tiếng Đức của trường, tiếng Anh cũng khá tốt lại thêm hoạt động xã hội sôi nổi nên năm lớp 10 cô được nhận học bổng Thủ lĩnh thanh niên Đông Nam Á của Đại sứ quán Mỹ và có chuyến du học ngắn hạn ở Mỹ.

Chuyến du học ngắn hạn này đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của Hạnh, cô quyết tâm tìm kiếm học bổng để theo học ở Mỹ. Bài luận về những định kiến xã hội, nhất là với phụ nữ từ những trải nghiệm của bản thân đã giúp Hạnh nhận học bổng du học của Trường ĐH Louisiana tại Lafayette (bang Louisiana, Mỹ) ngành Marketing.

Vũ Kim Hạnh liên tục giành học bổng từ cử nhân, thạc sĩ tới tiến sĩ và dành gần 10 năm để hoàn thành việc học ở Mỹ - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vũ Kim Hạnh liên tục giành học bổng từ cử nhân, thạc sĩ tới tiến sĩ và dành gần 10 năm để hoàn thành việc học ở Mỹ - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo học cử nhân, cô học song ngành Tâm lý học và Marketing. Sau khi có thành tích học tập xuất sắc, cô tiếp tục được nhận học bổng toàn phần học thạc sĩ tâm lý học tại trường ĐH University of Louisiana at Lafayette. Rồi tiếp tục nhận học bổng tiến sĩ chuyên nghiên cứu về tâm lý học xã hội. Cô dành cả chục năm để hoàn thành việc học và nghiên cứu.

Nghiên cứu về phân biệt chủng tộc

“Mình không học về tâm lý học trị liệu và biết các cách chữa cách bệnh tâm lý mà nghiên cứu về tâm lý học xã hội, chuyên tập trung về các vấn đề chính trị và xung đột nhóm. Một trong những đề tài nghiên cứu của mình tập trung vào những yếu tố tâm lý ảnh hưởng tới trào lưu phản đối giáo dục về nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Mặc dù Mỹ là một cường quốc nổi tiếng về việc tự do ngôn luận và hệ thống giáo dục phát triển, trong những năm gần đây họ lại đi ngược lại những giá trị cốt lõi này và ra nhiều điều luật để cấm việc giảng dạy và nghiên cứu về các vấn đề phân biệt chủng tộc tại Mỹ” - Hạnh giới thiệu về nghiên cứu của mình.

Nghiên cứu của cô cho thấy trào lưu này nhận được sự ủng hộ cao từ những người Mỹ da trắng với tâm lý ái kỷ chủng tộc cao (racial collective narcissism). Trong tâm lý học trị liệu, ái kỉ cá nhân là khi một cá thể thường xuyên phóng đại tầm quan trọng của bản thân và khao khát được mọi người ngưỡng mộ. Giống như ái kỉ cá nhân, một người có tâm lý ái kỉ chủng tộc cao khi là họ thường xuyên phóng đại tầm quan trọng của chủng tộc mình và khao khát được các chủng tộc khác tôn vinh chủng tộc mình thuộc về.

Những người có tâm lý ái kỉ chủng tộc cao thường rất nhạy cảm với những điều có thể ảnh hưởng xấu tới hình ảnh chung của họ và thường phản ứng cực đoan tới tới những lời chỉ trích. Vì giáo dục về đề tài phân biệt chủng tộc thường chỉ ra những tội ác trong quá khứ mà người da trắng đã làm với người da màu.

Kim Hạnh được nhận vào làm College Fellow - giảng viên và nghiên cứu sau đại học tại ngôi trường danh giá của nước Mỹ - Đại học Harvard
Kim Hạnh được nhận vào làm College Fellow - giảng viên và nghiên cứu sau đại học tại Đại học Harvard

Nói về lý do dành phần lớn thời gian của tuổi trẻ để theo đuổi việc học, Hạnh cho biết cô từng đi làm công sở trước khi học thạc sĩ. Nhưng cô thích cảm giác được phát triển bản thân và trau dồi kiến thức của mình mỗi ngày nên cô quyết tâm song song vừa đi học vừa đi làm.

“Trong lúc mình đi học tiến sĩ và loay hoay xoay xở tài chính thì nhiều bạn cùng trang lứa đều đã có công việc ổn định và thành công riêng trong sự nghiệp. Nhưng mình chưa bao giờ hối hận vì việc theo đuổi việc học bởi những trải nghiệm và kiến thức có được trong những năm qua rất quý giá” - Hạnh chia sẻ.

Cô hoàn thành tiến sĩ vào tháng 6/2024 nhưng ngay từ đầu tháng 1/2024 cô đã được nhận vào làm College Fellow - giảng viên và nghiên cứu sau đại học - tại ngôi trường danh giá của nước Mỹ - Đại học Harvard.

“Lúc nộp đơn cho vị trí này và được mời phỏng vấn, mình cũng không có kỳ vọng nhiều về việc được nhận vì môi trường việc làm học thuật bên Mỹ cạnh tranh rất cao, nhất là tại một ngôi trường nổi tiếng như Harvard. Thế nên lúc mình nhận được email của trường mời về làm việc, mình thực sự rất bất ngờ. Mình nghĩ, có lẽ những kinh nghiệm về giảng dạy của bản thân tại Trường Đại học Rutgers trước đó và những bình luận đánh giá cuối kì tốt từ học sinh cũ đã giúp mình có công việc này”, Hạnh nói.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI