Định mệnh với rừng
Trên nền chiến khu cũ hoang tàn, từng bị nhuộm trắng chất độc da cam, bom đạn và tàn tích của chiến tranh còn ám ảnh ký ức của bao lớp người Cần Giờ, sau gần 50 năm, rừng sác đã hồi sinh một cách kỳ diệu. Là mảng xanh bạt ngàn giữa mênh mông biển trời, rừng Cần Giờ trở thành “lá phổi xanh” của TPHCM, là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2000.
Những ngày cuối năm 2023, tôi trở lại lõi rừng ngập mặn Cần Giờ. Đội công nhân giữ rừng ở tiểu khu 6, phân khu III thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đón tôi bằng một bữa cơm đậm chất rừng. Bữa cơm ấy có những người giữ rừng ở phân khu III, chị em thường gọi là “cơm tháng” bởi mỗi tháng chỉ có 1 lần vào dịp họp giữa đại diện ban quản lý và hộ giữ rừng.
|
Phạm Thị Oanh đã có hơn 12 năm gắn bó với công việc giữ rừng Cần Giờ |
Phạm Thị Oanh (31 tuổi) có nụ cười trong veo và khỏe khoắn. Oanh là người dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên ở thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2011, Oanh vào tỉnh Bình Dương làm công nhân, tình cờ làm quen với Lê Hoàng Anh (30 tuổi) qua làn sóng phát thanh của chương trình kết bạn bốn phương. Đôi trẻ hẹn gặp mặt sau gần 2 tháng chuyện trò qua điện thoại. Sau lần gặp đầu tiên, Oanh cảm mến chàng trai quê ở huyện Cần Giờ, có cha mẹ, ông bà làm nghề giữ rừng. Trong lần gặp thứ hai, Oanh quyết định đi theo tiếng gọi tình yêu, đến với rừng Sác. Ngày đầu tiên vào chốt giữ rừng, Oanh bất ngờ bởi nơi này quá im vắng. Cô không thể ngờ, ở một thành phố hiện đại nhất nhì cả nước, người người tất bật, vội vã, lại có một khoảng không gian mênh mông diệu vợi, rừng cây ngút ngàn và những con người chất phác, hồn hậu, quanh năm bám rừng, giữ màu xanh cho thành phố.
Cha mẹ Lê Hoàng Anh nhìn nước da trắng hồng, bờ môi đỏ lịm của Oanh mà không khỏi xót xa. Ông bà thật thà nói: “Nhà bác 3 đời giữ rừng, chỉ biết đến rừng”. Oanh hiểu rằng, chấp nhận đến với Hoàng Anh là dấn thân vào chốn u tịch của rừng cây, sông nước. Nhưng cô đồng ý mà không cần thời gian suy nghĩ. Cô nhanh chóng bỏ làm công nhân để làm nghề giữ rừng. Cha mẹ Hoàng Anh truyền nghề lại cho đôi trẻ, nhận trông giữ 98ha rừng ngập mặn ở tiểu khu 6, phân khu III.
Oanh đưa tôi đi thăm nhà của vợ chồng cô. Nơi cô gọi “nhà” là cái chốt được xây bằng bê tông theo kiểu chòi trên nền khu đất cao ráo quay mặt về hướng sông Lòng Tàu. Nhà của Oanh cũng như hàng trăm ngôi nhà canh giữ rừng ở khu dự trữ sinh quyển này, đều có diện tích khoảng 30m2, có gian nhỏ nấu ăn, có phòng nhỏ để ngủ, bên ngoài có bồn hứng nước mưa, trên mái nhà có tấm pin năng lượng mặt trời be bé. Phía trước sân, Oanh trồng nhiều rau trong thùng xốp. Oanh mát tay nên thùng nào, rau cũng xanh mơn mởn dù phía dưới chỉ có lớp đất bùn trộn với mùn lá đước ủ thành phân.
|
Màu xanh của “lá phổi” Cần Giờ có sự chung tay gìn giữ của những người làm công tác giữ rừng phòng hộ - Ảnh: Sơn Vinh |
Oanh tự hào khi giới thiệu căn nhà của mình. Oanh bảo, sống ở rừng, có căn nhà như vậy là hạnh phúc lắm rồi, không đòi hỏi gì hơn nữa. Giữ rừng là nhiệm vụ chính của vợ chồng Oanh với mức tiền công 10 triệu đồng/tháng/98ha. Nếu chỉ có 2 nhân khẩu thì khoản tiền đó cũng đủ sống, nhưng vợ chồng Oanh còn có 2 đứa con nhỏ đang gửi học ngoài trung tâm xã nên có phần “lỏng lẻo”. Oanh nói: “Dù không tốn nhiều chi phí như học sinh nội thành nhưng do tụi em có quá ít tiền nên phải đong đếm, cân đo nhiều thứ. Đứa đầu học lớp Sáu, đứa út lên lớp Hai. Tụi em lo cho các con quần áo, sách vở, còn ăn ở thì ké nhà ông bà nội, nhờ ông bà nuôi giùm”.
Để có thêm thu nhập, vợ chồng Oanh đi đốn dừa nước, soi ba khía, mò cua, bắt ốc. Lúc hải sản lên giá, họ cũng kiếm được dăm ba trăm ngàn mỗi đêm; khi giá xuống thấp thì túng thiếu một chút. Nhưng dẫu khó khăn, lựa chọn duy nhất của họ vẫn là bám rừng, giữ rừng. Với suy nghĩ mộc mạc, Oanh tâm sự: “Rừng là lá phổi xanh của thành phố. Nhiều người khi tới thăm tụi em đều ca ngợi, ngưỡng mộ, ai cũng yêu quý việc làm của những người giữ rừng. Nhưng em thì nghĩ đơn giản, vì mình thích sống như thế này, mình yêu rừng, làm việc có lương, hơn hẳn lúc làm công nhân”.
Trọn vẹn tình yêu
Nghe hỏi về các phương tiện giao tiếp với “thế giới văn minh” ngoài kia, Oanh rút điện thoại ra mở Facebook, Zalo khoe ảnh con gái, con trai. Oanh lại cười hồn hậu, vô tư. Hoàng Anh ngồi cạnh vợ, nói chen vào: “Chị lấy wifi nhà em không, bữa nay nắng lên, sóng mạnh lắm”. Nói rồi, Hoàng Anh chỉ ra ngọn cây đước, giáp bờ sông Lòng Tàu, khoe vừa sắm được cục phát wifi, treo ngoài đó. Sóng wifi ở rừng ngập mặn cũng lạ lắm. Cục thu phát sóng phải treo ở bên ngoài, nơi hứng được ánh nắng mặt trời, cách nhà khoảng 30m, còn nếu treo trong nhà hay trên nóc đều không có tác dụng do bị tán đước che đi.
Từ ngày có sóng wifi, cuộc sống của vợ chồng Oanh văn minh và hiện đại hơn. Oanh gọi điện thoại video về cho cha mẹ ở Thanh Hóa, cả nhà nhìn mặt nhau, nói cười tíu tít, khoảng cách địa lý như bị xóa nhòa. Oanh lên mạng đọc báo, xem ti vi, tra cứu thêm quy định pháp luật về bảo vệ rừng, về chế độ đãi ngộ cho người giữ rừng…
12 năm giữ rừng, Oanh hiểu được tầm quan trọng của cánh rừng ngập mặn mà mình đang ngày đêm trông giữ. Oanh chỉ ra khoảng trời bao la trước mặt, nói với tôi: “Nơi này đã một thời bị bom đạn trút xuống, bao lớp người đã nằm lại để bảo vệ cho cánh rừng. Chiến tranh qua đi để lại tàn tích khủng khiếp của chất độc dioxin. Vậy mà ông bà nội của tụi em, ba mẹ tụi em vẫn bám trụ, cùng hàng ngàn người tình nguyện trồng rừng, xung phong giữ rừng. Cứ nghĩ đến công lao đó, em lại thêm gắn bó bền chặt với rừng”.
Không chỉ có vợ chồng Phạm Thị Oanh nặng nợ với rừng sác mà rải rác trên khoảng 40.000ha vùng lõi và vùng đệm của rừng Cần Giờ, đang có khoảng 168 hộ dân nhận giao khoán bảo vệ rừng. Họ sống và canh giữ “lá phổi xanh của thành phố” với tình yêu cây rừng, với tình yêu thành phố.
Ngọc Hoa
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. | |
Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html
|