Cô gái mù hát lên tiếng lòng người mẹ

05/05/2019 - 14:21

PNO - Sinh ra con bị hỏng mắt, chị Phạm Thị Thúy Hằng (42 tuổi, TP.HCM) học làm... người mù suốt 10 năm trời để dìu dắt con nên người... Đến nay, con chị không những học giỏi, hát hay mà còn có thể biểu diễn trên sân khấu.

Nhìn con gái say sưa đàn, hát, chị Phạm Thị Thúy Hằng (42 tuổi, nhà ở TP.HCM) cố kiềm xúc động, 15 năm trước, nếu chị bỏ cuộc, có lẽ bây giờ hai mẹ con đang ở một nơi rất xa, kết thúc cuộc đời không ánh sáng của con mình trong màn đêm tăm tối.

 

Clip: Hương Giang 

Suốt 3 năm chìm trong nước mắt

Năm 2003, chị Hằng được bổ nhiệm làm giáo viên một trường cấp 2 tại TP.HCM ngay khi tốt nghiệp sư phạm Sinh học. Cũng trong năm đó, con gái chị, bé Nguyễn Phạm Hoàng Việt Hoa ra đời.

Bé Hoa bị sinh non cùng nhiều biến chứng về hô hấp, tim mạch, bé lịm dần, tái tím rồi mềm nhũn, chị và chồng ôm con chạy đến bệnh viện cầu cứu. Khi bé Hoa được hơn 1 tháng, bệnh tật lùi dần, tưởng chừng khó khăn đã qua đi, nhưng không...

Co gai mu hat len tieng long nguoi me
Vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, hơn 10 năm qua, vừa đi dạy, cô Hằng vừa đi học chữ viết, kỹ năng,... dành cho người mù để về dạy lại cho con.

Bác sĩ chẩn đoán bé bị di chứng sinh non bong võng mạc độ 5, không thể cứu chữa. Không chấp nhận số phận, vợ chồng chị bán nhà, ôm con đi nước ngoài điều trị. Trải qua nhiều lần phẫu thuật, hy vọng cứ mất dần, giây phút bác sĩ lắc đầu, cũng là khi chị tay trắng. “Tôi không nghĩ được gì, cứ ôm con vào lòng. Mỗi lần buông ra, bé lại khóc thét vì sợ hãi. Tôi trả nhiệm Sở, ở nhà bên cạnh bé Hoa suốt đời”, chị Hằng nhớ lại.

Mỗi khi đêm về, nhìn ra màn trời đen thẳm, chị Hằng bị ám ảnh về con đường của bé Hoa, đầy u ám, tăm tối. Sự dày vò liên tục kéo đến, chị lại nghĩ hay ôm con nhảy lầu, chết là hết, hai mẹ con chị sẽ đi đến một nơi không còn tiếng khóc, không còn sợ hãi. Chị ẵm bé Hoa bước ra hành lang ban công, khoảnh khắc tuyệt vọng, bé Hoa khóc ré khiến chị giật mình. 

Nhìn xuống phía dưới, những đứa trẻ hàng xóm chạy nhảy, vui đùa, chị tự hỏi lòng tại sao phải đau khổ, có con là điều tuyệt vời, tại sao lại để nước mắt cuốn trôi niềm hạnh phúc của hai mẹ con. Cuộc sống đã cướp đi của con đôi mắt, chị không cho phép ích kỷ bản thân hủy đi người mẹ của con mình, chị phải cùng con đi hết chặng đường mẫu tử. Chị lùi lại, nắm tay con viết lại cuộc đời. 

Co gai mu hat len tieng long nguoi me
Chỉ cần bé Hoa thích điều gì, chị lại học hỏi rồi dịch sang chữ nổi cho con.

“Tôi nghĩ nếu như nhảy xuống, tôi chết nhưng bé Hoa còn sống thì phải làm sao. Tôi chết, bản thân tôi nhẹ nhàng nhưng con tôi sẽ càng tội nghiệp hơn, tôi không có quyền rời bỏ con mình”, chị Hằng nhớ lại.

Không chết nữa, chị học… làm người mù, học cách di chuyển, cách ăn uống, vui chơi, viết chữ của người mù, rồi từng bước bước vào thế giới của con. Hơn 10 năm “làm người mù”, chị Hằng không chỉ dìu con mình thoát khỏi bóng tối, tự tin vút cao giọng hát trên sân khấu, mà còn dìu những phụ huynh khác bước qua hố đen số phận.

Giọt nước mắt tuyệt vọng chảy thành dòng hạnh phúc

Để tìm màu tươi tô lại mảng đen của con, chị Hằng đến Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM xin cho bé nhập học. Bé Hoa được vào lớp can thiệp sớm - lớp mà cô giáo sẽ hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc và giáo dục trẻ khiếm thị. Càng đi học với con, chị càng nhận ra mù không phải là dấu chấm hết của đời người.

Co gai mu hat len tieng long nguoi me
Từ những giọt nước mắt bất lực, cô nắm tay con gái mình đi tìm niềm vui.

Chị nói: “Tôi thấy học sinh ở đây tuy không nhìn thấy gì nhưng vẫn có thể học tập, vui chơi, nói cười, có những em còn vào đội văn nghệ, đi biểu diễn ở các nơi. Thậm chí thầy Thanh đang dạy ở đây, cũng là người khiếm thị nhưng thầy vẫn đi dạy, có gia đình như bao người khác. Tôi nguôi ngoai phần nào, tin con có thể tự lập, tự lo cho bản thân, tự chủ cuộc đời mình vì bây giờ con đã biết cười, không sợ hãi khi ngồi một mình”.

Chị bật khóc, 3 năm qua chị đi nhiều chỗ nhưng nơi chị cần tìm là đây, nơi con gái chị bước vào đời là đây. Quyết tâm cùng con đến trường, chị Hằng ôn thi vào ngành Giáo dục đặc biệt tại Trường Đại học Sư Phạm rồi xin vào Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM, Ban giám hiệu nhà trường chấp thuận.

Co gai mu hat len tieng long nguoi me
Thay cho tiếng thét sợ hãi gọi mẹ, bé Hoa tự tin hơn em ngồi đàn, hát trước nhiều khán giả từ sân khấu đến phòng trà, nhưng cô Hằng khẳng định, cho bé Hoa đi biểu diễn vì em thích chứ không đặt nặng việc kiếm tiền. Việc quan trọng hiện tại của bé Hoa vẫn là đi học.

Biết hoàn cảnh của hai mẹ con, trong thời gian cô Hằng công tác, hễ trường mời được các chuyên gia của nước ngoài hay có lớp tập huấn kỹ năng dành cho trẻ khiếm thị, Ban giám hiệu đều tạo điều kiện cho cô Hằng tham gia. “Hạnh phúc lắm, cứ mỗi lần được vào lớp học, tôi lại khóc do quá vui sướng. Tôi mừng khi biết dạy con định hướng di chuyển, dạy con cách cài áo, tự xúc ăn… bé Hoa tiến bộ thấy rõ, những cục u, mảng đỏ trên ra, sẹo do bé tông trúng bàn ghế, cột nhà dần ít lại. Bé còn biết bấm nốt nhạc trên cây đàn đồ chơi, đàn đúng nhưng đoạn nhạc thiếu nhi mà bé thích”, cô Hằng tự hào.

Co gai mu hat len tieng long nguoi me
Những bản dịch nhạc sang chữ nổi nâng tiếng hát của Việt Hoa vào đời.

Một lần, thầy giáo dạy nhạc phát hiện Việt Hoa có năng khiếu nên cho em vào đội văn nghệ của trường. Ngày đầu con đứng trên sân khấu trong dịp lễ, cô Hằng lại khóc vì quá vui. Đứa trẻ nhút nhát, khóc thét đòi mẹ ngày nào đã tự tin vút cao tiếng hát. 

Mấy năm sau, một chương trình chuyên về ca hát của Thành phố đến Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM mời học sinh mù dự thi, Việt Hoa tham gia với bài hát “Gặp mẹ trong mơ” khiến cả ban giám khảo rơi nước mắt. Một người nói với cô Hằng hãy cho bé đi học hát, bé Hoa có chất giọng, có năng khiếu. 

“Không ai nhận dạy nhạc cho bé cả, các thầy cô đều nói bé không nhìn thấy, họ không biết dạy bé như thế nào. Tôi chạy đi nhờ thầy Thanh (thầy khiếm thị) đang dạy nhạc ở trường chỉ cho tôi cách viết nốt nhạc bằng chữ nổi rồi quay lại thầy sáng xin cho Việt Hoa học. 

Co gai mu hat len tieng long nguoi me
Hơn 10 năm “làm người mù”, chị Hằng không chỉ dìu con mình thoát khỏi bóng tối, tự tin vút cao giọng hát trên sân khấu, mà còn dìu những phụ huynh khác bước qua hố đen số phận.

Do con tôi không thấy nên không hiểu thầy nói gì, tôi đứng ở cửa sổ ráng nhớ nốt để về dịch ra chữ nổi cho con. May mắn, Việt Hoa thẩm âm tốt, thầy vừa đàn xong, bé có thể đàn theo ngay, thầy thương tình cho tôi vào lớp ngồi chung”, cô Hằng nói.

Suốt 13 năm vừa đi dạy, vừa theo con đi học chữ nổi, học nhạc, học kỹ năng, thậm chí bé Hoa được học hòa nhập cùng các bạn sáng mắt, cô Hằng chưa bao giờ biết mệt. Bé Hoa học một, cô học mười, học đến nỗi buông chiếc dùi đục chữ ra, bị ngã ngang ngủ gật không hay.

Không phụ công của mẹ, Việt Hoa hiện tại vừa đi học tại Trường TPĐB Nguyễn Đình Chiểu, vừa học lớp 10 hòa nhập tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10, mỗi tháng vài lần, em được mời đi đến phòng trà, quán cà phê ở Sài Gòn hoặc các tỉnh thành biểu diễn.

Co gai mu hat len tieng long nguoi me
Những tưởng phải đóng lại giấc mơ làm cô giáo, ôm con suốt cuộc đời, cô Hằng sung sướng khi được Ban giám hiệu Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM tạo cơ hội để dạy học, hiện cô đang dạy lớp 2 kỹ năng cho những học sinh mù, đa tật.

Vẽ thành công những màu tươi đẹp cho con gái, cô Hằng càng muốn gắn bó với Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM hơn để dạy học cho học sinh của mình – những thiên thần ham chơi bỏ quên đôi mắt. Không chỉ vậy, đoán biết được phụ huynh nào đang chán nản, muốn bỏ cuộc, chị lại dành thời gian động viên, giúp đỡ để họ tiếp tục. 

Cô Hằng nói: “Tôi muốn dùng hoàn cảnh của mình để khuyên cha mẹ của học sinh mình đừng bỏ cuộc, nếu họ dừng lại, những đứa trẻ kia mới thật sự bất hạnh, thật sự khuyết tật. Các bé không chỉ ở lớp của tôi mà tất cả học sinh ở đây đều có quyền học tập, vui chơi, có quyền là chủ cuộc đời mình. Học sinh của Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu TP.HCM có thể làm tất cả từ học cùng các bạn sáng mắt, tự sinh hoạt, vui chơi, thậm chí còn nấu ăn, buôn bán. Các em không khuyết tật, định kiến mới khiến các em thực sự khuyết tật”.

Co gai mu hat len tieng long nguoi me
Thấy sự tiến bộ của con mình, cô Hằng luôn tin học trò của cô rồi đây cũng sẽ tự chủ trong cuộc sống.

Cô Hằng vừa dứt lời, tiếng đàn cùng lời ca của Việt Hoa ngân lên chứng minh niềm tin mà hai mẹ con vun đắp bấy lâu. Cơn mưa nhè nhẹ ngoài khung cửa dịu dàng xua tan cái nóng bức của đường phố, nỗi tuyệt vọng của người mẹ mà hơn 10 năm về trước đã muốn đặt dấu chấm hết trong cuộc đời mình.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI