Cô gái làm túi tái chế vì thích… cô đơn và khác biệt

02/04/2022 - 13:17

PNO - Manh nha khởi nghiệp với những chiếc túi xách tái chế từ năm 2020 nhưng phải đến đầu tháng 3/2022, Phạm Thị Hải Dương mới quyết định “chơi lớn”. Sau khi nhiều sản phẩm đến được thị trường Mỹ, cô bắt đầu đổi tên, thay logo, làm thẻ tên, danh thiếp mới. Khách hàng sẽ nhận diện thương hiệu của cô bằng cái tên rất đặc biệt, ẩn chứa nhiều thông điệp và câu chuyện về cuộc sống - Cruella de Vil handbags.

Công việc… vượt thời gian

Năm 2017, Phạm Thị Hải Dương từ Phú Yên vào Sài Gòn lập nghiệp. Với tấm bằng cử nhân báo chí (Đại học Sư phạm Đà Nẵng) cùng năng khiếu viết lách, Dương có thu nhập tốt nhờ nắm giữ những vị trí quan trọng trong đội truyền thông  ở một số công ty, trường học quốc tế. 

Cũng trong thời gian này, cô tự mình mày mò thêm về ngành thời trang. Cô miệt mài tìm hiểu về váy áo nhưng rồi trong một lần phát hiện tủ áo quần của mình có quá nhiều quần jeans không còn dùng đến, cô ấp ủ dự định tái chế chúng thành những chiếc túi xách độc đáo.


Hải Dương chia sẻ: “Tất cả sản phẩm của tôi đều được tạo ra từ quần jeans cũ. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng cũng như tính thẩm mỹ thì quần jeans phải còn tương đối mới, không bị mòn, mục rách quá nhiều; các chi tiết như túi, lai quần… phải còn nguyên. Quần phải được làm sạch, xử lý ra màu, đảm bảo không khiến người dùng gặp bất kỳ vấn đề gì khi sử dụng. Tôi làm những điều này với khao khát góp một phần nhỏ bé của mình vào công cuộc tái chế rác thải của cộng đồng”.

Cô gái ấy vẫn thường đùa với bạn bè rằng tái chế là một công việc vượt thời gian bởi những lúc mọi người làm thì cô làm, những lúc mọi người nghỉ cô vẫn tiếp tục làm.

Mùa dịch, Hải Dương chọn khởi nghiệp trong gian phòng nhỏ của gia đình. Cô miệt mài với từng chi tiết, đam mê trong từng ý tưởng, để rồi mỗi sản phẩm làm ra đều chứa đựng một câu chuyện và mang một linh hồn.  

Hải Dương - cô gái có nhiều đam mê với việc sản xuất, kinh doanh thời trang tái chế
Cô chia sẻ: “Làm túi từ nguyên liệu tái chế là một công việc thú vị, hấp dẫn vì nó hàm ẩn sự cô đơn và khác biệt. Công việc này như những cú chạm sâu sắc nhất để bản thân trải nghiệm và khám phá giới hạn của chính mình. Nhiều lúc, tôi có cảm tưởng mình đang “sáng tác” một tác phẩm, hệt như làm thơ hay viết tiểu thuyết chứ không còn là lao động chân tay đơn thuần. Vậy nên tôi làm đêm làm ngày, có khi quên hết thời gian”.

Tái chế hay là… Ikigai

Khởi thủy với cái tên Hộp Handmade, Hải Dương chưa bao giờ cho ra đời một dòng sản phẩm nào theo kiểu làm hàng loạt. Từ màu sắc đến chất liệu, mỗi thiết kế đều là duy nhất. Nhờ trách nhiệm và sự tỉ mỉ, chuyên nghiệp, kho hàng của cô luôn trong tình trạng thiếu hàng cung cấp. 
Không dừng lại ở thị trường trong nước, đầu năm 2022, tiếng lành đồn xa, hàng của Hải Dương được xuất bán sang thị trường Mỹ, nhận về nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng. Cô đột phá, khoác lên sản phẩm của mình một cái tên mang tính “toàn cầu” - Cruella de Vil Handbags.

Những sản phẩm thời trang tái chế do Hải Dương thực hiện
Những sản phẩm thời trang tái chế do Hải Dương thực hiện

“Cruella de Vil - tên nhân vật phản diện đình đám trong phim 101 con chó đốm (One hundred and one dalmatians) có các đặc điểm tương đồng với sứ mệnh và mục tiêu tôi hướng đến. Cruella bản điện ảnh ra mắt năm 2021 với sự hóa thân của nữ minh tinh Emma Stone đã thể hiện thành công hình ảnh một ác nữ làng thời trang độc đáo, duy nhất, dữ dội, phá cách, không ngừng sáng tạo bất chấp các định chế và cái nhìn đương thời. Mạnh mẽ khai phá lối đi của mình, tạo ra sản phẩm độc đáo và có giá trị, định hình bản sắc riêng chính là mục đích sống của Cruella và cũng chính là con đường thương hiệu túi tái chế de Vil Handbags theo đuổi” - Hải Dương cho biết.

Đầy say sưa, Hải Dương kể tiếp: “Tôi tình cờ biết đến khái niệm Ikigai của người Nhật và rất tâm đắc. Ikigai là từ ghép của từ iki (sống) và gai (từ được gắn phía sau động từ để thể hiện ý nghĩa “đáng”). Ikigai có thể hiểu nhanh là “đáng sống”. Đó là “bài tập” giúp chúng ta tìm được lý do sống thực sự; từ đó thúc đẩy bản thân làm việc không mệt mỏi, luôn vui vẻ với mỗi việc mình làm, mỗi giây mình sống.

Ikigai là điểm giao thoa giữa bốn điểm: điều bạn thích, điều bạn xuất sắc, điều bạn được trả tiền và điều thế giới cần. Khi bạn tìm được một việc có thể đáp ứng đủ bốn điều trên nghĩa là bạn đã tìm được Ikigai của bản thân. Ikigai dung hòa cả bốn yếu tố trên, giúp con người đạt được một cuộc sống viên mãn. Còn gì hạnh phúc hơn việc mình đang làm vừa giúp chúng ta sống với đam mê, vừa kiếm được thu nhập, vừa góp phần xây dựng và phát triển xã hội. Tái chế chính là công việc giúp tôi cảm thấy hạnh phúc và đáng sống hơn”.

Tái chế không phải chuyện của một người

Hiện tại, Hải Dương có ba nguồn quần jeans cũ để làm túi xách: của cá nhân khách hàng gửi đến thanh lý, tặng; mua ở các cơ sở bán quần jeans cũ; do những người phụ trách tủ quần áo từ thiện cho các vùng sâu vùng xa gửi lại.

Hải Dương cho hay: “Ở nhiều làng bản xa xôi, mỗi năm mọi người thường nhận quần áo từ thiện với số lượng lớn, trong số đó có nhiều quần áo thời trang không phù hợp để sử dụng. Bà con thường chôn chúng xuống đất, vứt ra sông suối, bìa rừng hoặc đốt bỏ. Điều này gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường. Trong tương lai, tôi sẽ sắp xếp thời gian, nhân lực để thu gom nguồn nguyên liệu tại những địa chỉ này”. 

Hải Dương cùng học viên tập trung xử lý sản phẩm
Hải Dương cùng học viên tập trung xử lý sản phẩm


Hải Dương tâm niệm việc tốt cũng như tiếng vỗ tay, mỗi người góp một chút sẽ tạo thành một tiếng vọng đủ lớn để đánh thức, khởi động những trào lưu thực sự có ý nghĩa cho cộng đồng. Mỗi lần đi đến đâu thu mua, gom nhặt quần cũ, cô luôn tận dụng cơ hội để tuyên truyền thông tin, kiến thức về việc hạn chế xả thải ra môi trường. Trong đó, việc sử dụng thời trang tái chế chính là xu hướng tiêu dùng bền vững mà mọi người nên cân nhắc, phát triển. Xu hướng này khuyến khích người dùng không vứt bỏ những món đồ cũ, thay vào đó là tái chế và sửa chữa chúng thành món đồ đẹp, độc đáo nhờ sự pha trộn và kết hợp chất liệu, màu sắc...

Để làm tốt hơn sứ mệnh của mình, trong hai năm qua, ngoài sản xuất túi, cô còn mở các lớp dạy làm túi online và offline. Học viên của cô đa phần là phụ nữ ở Sài Gòn, một số từ các tỉnh miền Tây, Hà Nội... Chị Trần Anh Thư, ngụ TP.Bến Tre, là một cô giáo từng theo khóa học offline do Hải Dương đào tạo. Có những bạn bè tận đất nước Hà Lan xa xôi đã đăng ký khóa học tái chế của Dương. Họ rất háo hức chờ ngày khai khóa… Hải Dương mong muốn sau khi thạo nghề, học viên của mình sẽ góp thêm sức lực vào việc bảo vệ môi trường. 

Khi được hỏi vì sao các sản phẩm thủ công lại có giá mềm như vậy, chỉ khoảng 500.000 đồng, Hải Dương nói: “Tôi nghĩ một trong những thành công lớn nhất, khiến tôi vui vẻ nhất chính là việc người tiêu dùng tiếp cận, sử dụng được những sản phẩm tốt nhưng vẫn vừa túi tiền. Khi mọi người thấy sản phẩm rẻ, đẹp mà vẫn tốt thì xu hướng tiêu dùng này sẽ dần dần khởi sắc, lan tỏa nhiều hơn. Những chiếc quần jeans được kéo dài vòng đời sử dụng sẽ giảm thiểu việc làm chật và ô nhiễm không gian, môi trường”.

“Để bảo vệ môi trường, tái chế là một xu hướng cần thiết và phù hợp. Đó không còn là câu chuyện hay sự thành công của một người” - Hải Dương tâm niệm. 

Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI