Cô gái khuyết tật và cuộc đời như cổ tích

08/11/2024 - 06:20

PNO - “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, cứ nung nấu không ngừng, nếu ý chí và niềm tin đủ mạnh thì một ngày không xa tất cả ước nguyện của chúng ta sẽ thành hiện thực. Hãy mỉm cười với đời để đời cười lại với mình các bạn nhé” - đó là lời nhắn gửi đến các bạn cùng cảnh ngộ của Nguyễn Thị Sari - 39 tuổi, cô gái khuyết tật đã vươn lên, vượt qua sự nghiệt ngã của định mệnh, để viết nên “chuyện cổ tích” về mình.

Tuổi thơ cơ cực

Sari tâm sự, thời thơ ấu chị đã trải qua chuỗi ngày tháng cơ cực đẫm nước mắt. Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, năm lên 3 tuổi, một cơn sốt bại liệt đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân của chị. Lúc ấy ba mẹ chị nghèo, nghèo đến mức không mua nổi chiếc xe lăn, nên chị đành phải ngồi trên lưng chị Hai để đi học.

Các thầy cô giáo thấy chị học giỏi, lại ham học, nên đã chung tay góp tặng chị chiếc xe lắc tay để có thể tự di chuyển mà không cần trợ giúp. Gia đình không có ruộng vườn nên ba mẹ phải đi làm thuê khắp nơi để nuôi 4 đứa con nhỏ ăn học. Nhà cũng không có nên cả gia đình phải tá túc nhờ bên ngoại. Mùa khô nắng nóng, hỏa hoạn cháy nhà, cả nhà lại dắt díu nhau đi nương nhờ tứ phương.

“Năm tôi học hết lớp Bốn thì cả nhà dắt nhau lên Sài Gòn kiếm sống. Mẹ tôi bán bún riêu hè phố. Ba đi làm thợ hồ. Ngoài giờ học, tôi đi bán khoai lang nướng phụ chị Hai…” - Sari nhớ lại.

Chị Nguyễn Thị Sari được biểu dương điển hình trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”  khu vực phía Nam năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng. Ảnh do nhân vật cung cấp
Chị Nguyễn Thị Sari được biểu dương điển hình trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” khu vực phía Nam năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng. Ảnh do nhân vật cung cấp

Lăn lóc nơi vỉa hè, góc phố, dầm mưa, dãi nắng, nhưng số tiền dành dụm được không đủ chi phí học hành, vì vậy, chị Hai của Sari phải nghỉ học để đi làm phụ giúp ba mẹ, nhường lại “ước mơ con chữ” cho các em. Cố gắng đến hết trung học phổ thông thì Sari cũng ngậm ngùi dừng bước để nhường cơ hội cho 2 em tiếp tục đến trường. Dù vậy, trong thâm tâm cô vẫn nung nấu ý chí học hành lên cao hơn khi có cơ hội.

Sari vào học nghề tại một trung tâm dạy nghề miễn phí. Học xong, chị đi “gõ cửa” khắp nơi xin việc làm và may mắn đã mỉm cười khi được một cơ sở may thêu nhận vào cắt chỉ thừa.

Đôi chân tật nguyền không ngăn được ý chí

Cũng nhờ công việc cắt chỉ thừa tại cơ sở may mà Sari gặp được ông Trần Hoàng Minh - Chủ nhiệm mái ấm Mùa Xuân, nơi cưu mang những số phận không may mắn - một bậc tiền bối mà chị hết sức kính trọng.

Theo ông Trần Hoàng Minh về mái ấm Mùa Xuân, Sari thấy được những cảnh đời, những số phận còn kém may mắn hơn mình. Chị chợt nhận ra, mình mất đôi chân nhưng không phải mất tất cả. Dưới sự động viên, hướng dẫn và truyền năng lượng tích cực của ông Minh, ước mơ đại học của Sari sống lại. Nhưng trước tiên chị bắt đầu phát huy khả năng của đôi tay bằng cách tiếp cận với bộ môn bơi lội.

Năm 2007, Sari bắt đầu tập bơi. Vì đôi chân không cử động được nên chị đã không ít lần bị… uống nước. Chị kể: “Mỗi lần luyện tập là mỗi lần uống nước, người cứ như bị xoay vòng, tay mỏi nhừ. Lắm lúc mệt mỏi, tuyệt vọng, tôi muốn bỏ cuộc. Nhưng lại nhớ hình ảnh bác Minh chở mấy chị em đến hồ bơi, trong cơn mưa, nước ngập, xe chết máy, bác phải cõng từng đứa… nên lại quyết tâm tập luyện.

Sau 3 ngày thì tôi biết bơi, sau 6 ngày tôi có thể bơi được 50m và sau 3 tháng tôi tham gia giải bơi lội toàn quốc đầu tiên tại Thừa Thiên - Huế và đoạt 3 Huy chương Vàng” - chị chia sẻ.

Rồi tiếp theo đó là các giải đấu trong nước, giải châu Á, ASEAN Para Games 2008, ASEAN Para Games 2009… giải đấu nào chị cũng đoạt nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng. Cho đến nay, chị đã đoạt 49 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng các giải trong nước và 19 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng các giải Đông Nam Á và châu Á. Nhờ những tấm huy chương ấy, chị có tiền thưởng, giúp đỡ cho gia đình và tích góp để tiếp tục theo đuổi con đường học vấn.

Chị Nguyễn Thị Sari (thứ hai từ trái sang) đoạt Huy chương Bạc ASEAN Para Games 9 tại Malaysia - Ảnh do nhân vật cung cấp
Chị Nguyễn Thị Sari (thứ hai từ trái sang) đoạt Huy chương Bạc ASEAN Para Games 9 tại Malaysia - Ảnh do nhân vật cung cấp

Đáng nói là trong quá trình tham gia đội tuyển bơi lội quốc gia, chị Sari đã tranh thủ ôn thi đại học. Và rồi chị đã thi đỗ vào chuyên ngành tiếng Anh của Trường đại học Hùng Vương. Chị lý giải, tuổi thơ, vì gia cảnh khó khăn, không có điều kiện học hành, nên chị rất sợ môn tiếng Anh. Đó cũng là lý do mà giờ đây chị quyết tâm chinh phục. Ngoài ra, biết tiếng Anh còn là điều kiện thuận lợi khi chị tham gia các giải đấu ở nước ngoài.

Sari hãnh diện khoe: “Năm 2012, tại rạp Hòa Bình, tôi vinh dự nhấc từng bước trên đôi nạng gỗ lên bục nhận bằng tốt nghiệp đại học trong niềm sung sướng tột cùng và những tiếng reo hò cổ vũ. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay. Tôi cười mà rơi nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng pha lẫn tự hào. Tôi đã vượt qua chính mình, vượt qua nghịch cảnh, vượt qua nghèo khó để vươn đến ước mơ đại học dù thiếu đôi chân”.

Mẹ đơn thân và lớp dạy tiếng Anh “0 đồng”

Sau khi tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, thấy mình khiếm khuyết đôi chân, không thể lập gia đình như những người bình thường khác, chị Sari quyết định làm mẹ đơn thân với ước mong có một đứa con để yêu thương bầu bạn. “Thế là một kế hoạch tiếp theo được tôi lập ra và thực hiện là để dành tiền sinh con và nuôi dạy con. Mỗi ngày tôi cố gắng luyện tập thể lực, kéo dây, tập tạ hàng giờ để quay lại đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu. Ngoài ra, tôi cũng đang làm việc tại một trung tâm ngoại ngữ ở huyện Cần Đước để có thu nhập. Đến nay, con tôi đang học mẫu giáo” - chị Sari trải lòng.

Cách nay 8 năm, khi cuộc sống đã tạm ổn, chị Sari quyết định mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí để hỗ trợ các em nhỏ mất căn bản và giúp những học sinh nghèo không có điều kiện. Đều đặn, từ 17g45 - 19g30 các ngày Chủ nhật, thứ Hai, thứ Ba, lớp học tiếng Anh “0 đồng” của Sari lại sáng đèn và căn nhà bé nhỏ, đơn sơ tại xã Phước Đông, huyện Cần Đước lại rộn rã tiếng trẻ thơ.

Không chỉ dạy tiếng Anh, Sari còn kèm toán, tiếng Việt cho các em học sinh tiểu học. Đến nay, lớp học đã duy trì được gần 8 năm và đã có gần 100 học sinh theo học, hầu hết là các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Về chuyện mở lớp dạy học miễn phí, chị Sari tâm sự: “Tôi xuất thân từ đói nghèo, bệnh tật, trong quá trình dài vươn lên, đạt được những vinh quang, tôi may mắn được rất nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, hỗ trợ, đồng hành. Khi trở lại huyện Cần Đước xây nhà, tôi cũng được Liên đoàn Lao động trao tặng mái ấm. Vì vậy, tôi mong muốn làm được việc gì đó để tri ân cuộc đời”.

Tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Sari - một cô gái tật nguyền sinh ra trong nghèo khó, đã vượt qua bao nghịch cảnh để làm nên những kỳ tích đáng nể, tôi bỗng nhớ đến những câu văn trong tác phẩm Mùa lạc của nhà văn Nguyễn Khải: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

Tấm gương giàu nghị lực

Với những nỗ lực của mình, tháng Mười vừa qua, chị Nguyễn Thị Sari vinh dự là 1 trong 17 gương điển hình tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” khu vực phía Nam năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương trao tặng. Chị cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Long An trao tặng bằng khen về thành tích tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2024”. Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ tịch UBND xã Phước Đông, huyện Cần Đước - nhận xét, chị Nguyễn Thị Sari là tấm gương giàu nghị lực, vượt khó với những thành tích đáng trân trọng, có nhiều đóng góp tích cực vào công tác xã hội, đặc biệt là lớp dạy tiếng Anh “0 đồng” cho trẻ em.


Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI