Cô gái sinh năm 2002 đã quyết tâm vượt khỏi vòng tròn tự cung tự cấp bao đời của làng, không muốn phải nghỉ học giữa chừng hay lấy chồng sớm. Không chỉ muốn thay đổi cuộc đời mình, cô còn quay về giúp thay đổi cuộc sống, suy nghĩ của đồng bào H’mông, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong làng.
|
Dế và những tấm vải lanh dân tộc |
Thay đổi bằng học hành và tấm vải lanh gia truyền
Từ nhỏ, Vàng Thị Dế đã thấy lòng trĩu nặng khi nhìn cuộc sống của những người phụ nữ quanh mình. Mẹ Dế ngày nào cũng đi làm nương khi gà mới gáy, trời chưa sáng đến lúc trời tối mới trở về nhà. Bà dường như không biết đến nghỉ ngơi. Các bạn nhỏ quanh Dế phải bỏ học từ cấp II để phụ giúp gia đình.
Dế chia sẻ: “Tôi không muốn đi theo con đường đó. Vì vậy, tôi quyết tâm học tập không chỉ để thay đổi cuộc sống của bản thân mà còn để có thể thay đổi cách nhìn của cộng đồng tôi. Tôi tin rằng khi được học hành, được phát triển, tôi sẽ giúp được một phần nhỏ cho các bà, các mẹ, các em bé…”.
Dù Dế luôn nỗ lực học rất giỏi nhưng khi Dế học hết lớp Chín, mẹ cô không cho cô đi học tiếp. Bà bảo: “Học cao thì làm được gì, cuối cùng cũng vẫn về lấy chồng thôi”. Dế phải thuyết phục mãi mẹ mới đồng ý cho cô tiếp tục đến trường. Nhưng sau khi Dế học hết cấp III, mẹ Dế lại không cho con gái thi đại học. Dế vẫn cương quyết thi và đỗ Đại học Văn hóa Hà Nội. Biết con định xuống Hà Nội học, mẹ Dế lại ngăn cản quyết liệt vì “nhà nghèo, lo ăn còn chưa xong, tiền đâu học đại học”. Dế rất buồn nhưng cô nói với mẹ: “Con vẫn sẽ đi”.
Xuống Hà Nội, Dế phải làm rất nhiều việc như phát tờ rơi, phục vụ quán ăn… để có tiền trang trải việc học hành. Thử thách xảy ra khi năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Dế không thể đi làm thêm nên không kiếm được tiền. Sau một thời gian bị kẹt tại Hà Nội vì giãn cách xã hội, tháng 10 năm đó, cô gái trẻ trở về Hà Giang.
Một buổi chiều muộn, mẹ bảo Dế lên dọn gác và trong lúc dọn dẹp, Dế phát hiện ra những tấm vải lanh rất đẹp. Những tấm vải lanh này vốn là những món đồ “gia bảo” truyền thống của người H’mông. Đi lễ hội, về nhà chồng hay khi sang bên kia thế giới, người H’mông đều mặc trang phục may bằng vải lanh. Một tấm vải lanh ra đời mất rất nhiều công sức nên phụ nữ H’mông không dệt vải lanh để làm kinh tế. Họ làm vải lanh để may váy cho mình, may áo cho chồng, làm của hồi môn cho con…
Vì kinh tế gia đình rất khó khăn ở thời điểm đó, Dế đã xin phép mẹ bán tấm vải mẹ để dành làm của hồi môn cho cô: “Mẹ tin con đi, con bán nó rồi sau này sẽ mua về nhiều hơn”. Sau khi mẹ đồng ý, Dế chụp ảnh những tấm vải lanh đăng bán trên Facebook. Thật bất ngờ khi vừa đăng liền có một chị ở Sài Gòn hỏi mua 1 tấm. Đơn hàng đầu tiên có giá 560.000 đồng. Sau khi nhận được tấm vải lanh, chị khách rất ưng ý và đã mua hết số vải lanh Dế có. Đó là dấu mốc đầu tiên khiến Dế nảy ra ý định kể những câu chuyện về vải lanh truyền thống để vừa quảng bá văn hóa của dân tộc vừa góp phần tạo ra sinh kế cho người dân trong làng.
Dế đã phải đi đến từng nhà trong bản thuyết phục rất nhiều để gom từng mét vải. Dế kể, vì tốn công sức cả năm trời mới tạo ra 1-2 tấm vải nên vải của các mẹ rất đẹp, đều là “gia bảo” cả. Chỉ đến khi không đi làm kiếm tiền được, khi đã già, khi trên gác không còn ngô, các mẹ mới đem vải lanh đi bán để đổi lấy tiền sinh hoạt. Gom được những tấm vải, Dế lại tiếp tục đăng trên Facebook cá nhân để bán. Sau một thời gian, Dế đã thành công trong việc đưa những tấm vải của dân tộc mình xuống miền xuôi, thậm chí ra nước ngoài.
|
Vàng Thị Dế (phải) trong phần trình diễn trang phục dân tộc tại Diễn đàn Côn Minh về hợp tác và trao đổi giáo dục Nam Á và Đông Nam Á tháng 11/2023 |
“Từng có khách sống ở Mỹ đặt tôi đơn hàng vải lanh giá trị hơn 50 triệu đồng. Tôi rất vui mừng nhưng cũng lo vì không biết lấy đâu ra vốn để nhập hàng, rồi giao hàng ra nước ngoài bằng cách nào… Rất may, sau đó khách chủ động nhắn tin cho tôi xin chuyển tiền cọc trước và liên lạc với người thân ở Việt Nam nói chuyện trực tiếp với tôi” - Dế kể về đơn hàng lớn đầu tiên trong đời.
Tăng thu nhập cho đồng bào, trồng thêm cây lanh cho núi rừng
Hết thời gian giãn cách vì dịch COVID-19, Dế xuống Hà Nội tiếp tục học. Nhưng khác với trước đó, những đơn hàng từ nước ngoài giúp cô có thêm mục tiêu mới cho việc học. Con đường cô đi sáng rõ hơn. Dế xây dựng dự án Hemp Hmong Việt Nam với 3 mục đích đúng như ước mơ ngày đầu: giữ gìn và bảo tồn truyền thống, hỗ trợ phụ nữ, hướng tới các em nhỏ.
Dế cho biết: “Tôi muốn gìn giữ văn hóa và nghề dệt truyền thống của dân tộc H’mông không chỉ để lưu truyền cho các thế hệ sau mà còn để khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng. Dự án của tôi cũng hướng tới những phụ nữ trong xóm, những người không có nhiều tài chính, giúp họ có cơ hội tạo ra thu nhập từ việc sản xuất vải lanh. Tôi tin rằng khi có thu nhập ổn định, cuộc sống của gia đình họ sẽ được cải thiện. Tôi cũng mong rằng dự án này sẽ tạo ra nguồn lực tài chính đủ để hỗ trợ các em nhỏ tiếp tục việc học, mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng hơn”.
Tốt nghiệp đại học, Vàng Thị Dế quay trở về làng, dồn toàn bộ tâm sức phát triển dự án. Không chỉ dừng lại ở cung cấp vải lanh thô cho các cá nhân, cửa hàng thời trang, nhà thiết kế…, dự án còn thiết kế những sản phẩm thời trang từ vải lanh như túi, khăn, áo… dựa trên sự kết hợp tính truyền thống và hiện đại, dễ ứng dụng. Ngoài ra, Hemp Hmong Việt Nam còn nhận thiết kế sản phẩm theo yêu cầu riêng của khách hàng.
Để làm được những việc này, ngoài quảng bá và xây dựng hình ảnh trên các trang mạng xã hội, Dế kết nối các thôn, xã trong khu vực, tập trung vào 1-2 hộ chuyên sản xuất vải lanh. Trong thôn Dế có khoảng 10 người cùng tham gia sản xuất, mỗi hộ đảm nhận một công đoạn như xe lanh, dệt vải hay lăn vải. Sự hợp tác này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tạo ra công việc cho nhiều người. Nghĩ cho chặng đường phát triển xa hơn, vừa tốt nghiệp đại học, bằng sự nhiệt huyết, đam mê của tuổi trẻ, Dế đã sang Lào, Philippines, Campuchia… tìm hiểu và nghiên cứu về cách dệt thủ công.
Dế bộc bạch: “Khó khăn lớn nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm. Vải lanh là sản phẩm thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng công đoạn. Khó khăn kế tiếp là nguồn vốn. Bởi dù giá trị sản phẩm cao nhưng lợi nhuận thu lại vẫn còn hạn chế, trong khi vốn đầu tư lại thiếu. Khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng vải dệt thủ công với chất liệu tự nhiên và thân thiện môi trường. Tuy nhiên, đôi khi việc truyền thông và quảng bá chưa tiếp cận tới được nhiều nguồn khách hàng tiềm năng”.
Cũng từng có đơn hàng lớn từ nước ngoài khiến Dế lao đao. Đó là lần cô phải vay 40 triệu đồng, rồi mất 2 tuần liền đi khắp các nhà thu mua vải gửi cho khách. Vậy mà đơn hàng ấy bị hoàn, Dế phải thanh lý lỗ rồi xoay xở đủ cách mới trả được khoản vay… Tất cả khó khăn trên đều là những vấn đề cô và mọi người đang tìm cách đương đầu, vượt qua. Song, Dế xác định cứ đi từng bước nhỏ, cơ hội sẽ dần mở ra.
Sự ủng hộ từ cộng đồng, những lời khen từ các khách hàng khó tính hay nụ cười tươi của phụ nữ H’mông khi có thêm thu nhập đã tạo động lực lớn cho Dế. Cũng nhờ vải lanh, Dế đã giúp nhiều gia đình H’mông thay vì chỉ làm 4-5 cuộn lanh/năm nay làm 10-15 cuộn, có thêm khoảng 10 triệu đồng/năm. Đây là khoản tiền lớn với những phụ nữ H’mông quanh năm chỉ cặm cụi trên nương rẫy. Mục tiêu của Dế là nâng cao thu nhập cho bà con, từ đó khuyến khích họ gìn giữ nghề truyền thống.
Trong tương lai, Dế mong muốn phát triển dự án vải lanh bằng cách tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, từ quà lưu niệm cho khách du lịch đến trang trí nội thất, thời trang… Cô cũng hy vọng tạo ra không gian trải nghiệm cho du khách, để họ có thể tham gia vào các công đoạn dệt vải thủ công.
“Tôi luôn tự hào là một người con của đồng bào H’mông. Nhận thức sâu sắc về sự mai một của văn hóa dân tộc mình, trong tương lai, tôi mong muốn không chỉ thực hiện dự án giữ gìn nghề dệt vải lanh truyền thống mà còn có các dự án về văn hóa - nghệ thuật dân tộc H’mông…
Cát Tường
Ảnh do nhân vật cung cấp