Cô gái chỉ có một quả thận, tốt nghiệp đại học sớm với thành tích xuất sắc

25/04/2025 - 13:17

PNO - 3 tuổi, Mỹ Ngọc đã phẫu thuật cắt bỏ thận trái. Sức khỏe gặp nhiều khó khăn, nhưng Ngọc vẫn luôn mạnh mẽ và đạt thành tích học tập xuất sắc.

Sáng 25/4, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức Lễ tốt nghiệp và trao bằng các hệ đào tạo đại học và sau đại học. Đáng chú ý, trong đợt nhận bằng này, cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, ngành kỹ thuật y sinh, khiến nhiều người không khỏi trầm trồ bởi nỗ lực đáng nể của mình.

Thay mặt các tân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ nhận bằng tốt nghiệp đợt này, Mỹ Ngọc gửi lời cám ơn sâu sắc đến nhà trường, thầy cô đã hỗ trợ suốt thời gian qua. Đặc biệt, cô cúi đầu cám ơn các đấng sinh thành luôn là "hậu phương vững chắc" để các học viên hoàn thành việc học.

“Sự yêu thương của cha mẹ là động lực chinh phục tri thức của chúng con. Thay mặt các tân cử nhân, con xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các bậc phụ huynh, đã cho chúng con một cơ hội để viết tiếp ước mơ của gia đình và cả tương lai của đất nước. Về phần mình, con xin được cảm ơn mẹ đã một mình “vượt mọi chông gai” để làm hậu phương cho con” - Mỹ Ngọc xúc động nói.

Tốt nghiệp sớm để giảm gánh nặng cho mẹ

Tốt nghiệp sớm 1 kỳ, loại xuất sắc, Nguyễn Thị Mỹ Ngọc chia sẻ về hành trình hoàn thành việc học ở ngôi trường đáng mơ ước của mình bằng câu ngắn gọn: “Mình đã nỗ lực hết sức rồi”.

Ngọc cho biết, năm 3 tuổi, cô phải cắt bỏ thận trái do bệnh thận đa nang bẩm sinh. “Thời gian đó, nằm ở bệnh viện cả tháng trời, mình được truyền cảm hứng rất nhiều bởi các y bác sĩ, và mong muốn sau này được làm việc ở các ngành nghề y tế, chăm sóc sức khỏe” - Mỹ Ngọc cho biết.

Với lý do này, hơn 3 năm trước, Mỹ Ngọc đã chọn học ngành kỹ thuật y sinh tại Trường đại học Bách khoa như một cách để hoàn thành ước nguyện thuở bé của mình.

Tuy nhiên, vì chỉ có mẹ lo học phí, nên vấn đề tài chính luôn là điều khiến Ngọc lo lắng. Một học kỳ theo đúng lộ trình chỉ khoảng 14-15 tín chỉ, trong khi sinh viên có thể học tới 17 tín chỉ mà không phát sinh thêm chi phí.

Để giảm gánh nặng cho mẹ, Mỹ Ngọc tăng số tín chỉ mỗi kỳ lên dù việc học khá áp lực. Cô bắt đầu học nhiều hơn 1-2 môn/kỳ so với lộ trình, thậm chí học thêm vào mùa hè để tích lũy đủ tín chỉ cho các học phần tốt nghiệp.

Ngoài ra, nữ sinh cũng lập bảng kế hoạch để theo dõi và điều chỉnh kế hoạch học tập cá nhân, nên giúp cô tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

“Với các môn học thêm, mình đưa một số môn đại cương dự kiến cho kỳ 8 vào các kỳ trước đó, đồng thời linh hoạt điều chỉnh các tín chỉ tự do sao cho phù hợp. Mình không cố định cụ thể môn nào sẽ học ở kỳ nào, mà xem việc lên kế hoạch như một trò chơi “điền vào chỗ trống”.

Do nhiều môn chỉ được mở một lần mỗi năm, việc đăng ký học phần phải tính toán kỹ, vì phải sắp xếp môn học và tranh suất đăng ký môn học”, nữ sinh chia sẻ.

Nguyễn Thị Mỹ Ngọc tốt nghiệp sớm, loại xuất sắc Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) - Ảnh: N.Q
Nguyễn Thị Mỹ Ngọc tốt nghiệp sớm, loại xuất sắc ngành kỹ thuật y sinh, Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) - Ảnh: N.Q

Ngoài ra, theo Ngọc, khả năng quản lý thời gian và năng lượng cá nhân tốt sẽ giúp sinh viên duy trì kết quả học tập tốt. Để làm được điều này, Ngọc thường tìm hiểu trước nội dung bài học, tích cực học tập trên lớp, sau đó làm bài tập hoặc ôn lại sau giờ học. Nhờ vậy, mỗi kiến thức cô được tiếp cận ít nhất 3 lần, giúp việc ôn thi hiệu quả hơn, không bị dồn nén.

Ngọc nói: “Thử thách lớn nhất của mình là cân bằng giữa sức khỏe và lịch học. Vào khoảng giữa năm hai, mình bị rối loạn nhịp tim, trong khi lịch học khá dày. Có những ngày học liên tục từ 7g sáng đến 6g tối. Vì vậy, mình sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý trong tuần để tránh bị quá tải vào những giai đoạn làm đồ án, kiểm tra hay thi”.

Mong muốn du học để viết tiếp ước mơ

Không chỉ dành thành tích học tập xuất sắc, Mỹ Ngọc còn tham gia nhiều đề tài nghiên cứu.

Cô tham gia vào dự án sử dụng quang học để kiểm tra chất lượng thực phẩm và đo đường huyết không xâm lấn. Tập trung vào việc sử dụng ánh sáng để theo dõi mức đường huyết một cách tiện lợi và an toàn mà không cần dùng kim tiêm. Trong nghiên cứu về kiểm tra chất lượng thực phẩm, Ngọc tham gia thực hiện thí nghiệm và xử lý số liệu, xác định chất lượng thịt heo, trái cây.

Nhờ những nỗ lực của bản thân, Ngọc giành được hàng loạt thành tích trong học tập và nghiên cứu như: giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024; Sinh viên 5 tốt tiêu biểu cấp trung ương năm 2024; Sinh viên 5 tốt 2 năm liền cấp thành phố năm 2023, 2024. Cô cũng tham gia nhiều hoạt động quốc tế và trong nước, nhận nhiều học bổng trong quá trình học tập.

Mỹ Ngọc được tuyên dương tại giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024 - Ảnh: N.Q
Mỹ Ngọc (áo dài trắng hàng đầu) được tuyên dương tại giải thưởng Nữ sinh Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024 - Ảnh: N.Q

Với mong muốn có thêm kinh nghiệm và nguồn lực để tiếp tục tham gia các nghiên cứu chuyên sâu, Ngọc cho biết, sau khi tốt nghiệp cô sẽ tìm học bổng phù hợp để du học nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh.

Chứng kiến khoảnh khắc con nhận bằng tốt nghiệp, bà Hoàng Thị Hoa - mẹ Mỹ Ngọc - xúc động nói: “Để đạt được thành tích như hôm nay, con bé đã phải nỗ lực gấp đôi người bình thường”.

Giáo sư, tiến sĩ Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa - cho biết, đợt này, trường trao bằng tốt nghiệp cho 11 tiến sĩ, 260 thạc sĩ, 1.088 kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân. Đặc biệt, trường khen tặng 1 huy chương Vàng cho sinh viên Lã Nguyễn Gia Hy, Khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, tốt nghiệp trước hạn, xếp loại xuất sắc với GPA 4/4.0; tặng giấy khen cho 21 sinh viên tốt nghiệp trước hạn có thành tích tốt, cùng 13 học viên cao học xếp loại xuất sắc và 4 học viên vừa học vừa làm có thành tích học tập đứng đầu khóa học.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI