Cô gái chạy dưới hàng cây hoa vàng

28/05/2020 - 17:41

PNO - Giữa người với người, tưởng là không có ranh giới gì đâu, vậy mà có đó, rành rạnh.

Đó là những buổi sáng, bất kể sương mù giăng ngang thành phố, bất kể cảnh báo ô nhiễm không khí vượt mức báo động cho lá phổi mỏng manh của con người, thức dậy, rời khỏi giường, đến đường chạy, đã trở thành thói quen của cô.

Trước đây, nơi căn hộ tầng thấp của mình, cô có thể quét mắt nhìn ra xa thành phố. Giờ xung quanh đã mọc lên rất nhiều block nhà cao gấp 3, gấp 5, gấp 10 lần chỗ cô ở. Nhiều đám cây cổ thụ xung quanh bị hạ xuống, nhường cho những đại công trình. Có hôm, nằm trên gác mái nhà mình, cô nghe rõ tiếng cưa máy chạm sâu vào thân cây, rõ từng nhịp ngã của chúng.

Cũng những ngày ấy, có bầy ong mật bay lạc, lên làm tổ bấu víu trên sào phơi quần áo nơi ban-công nhà cô. Tiếng rì rì của đám ong nghe yếu ớt và hoang mang. Hoặc do tâm trạng của cô lúc đó, đầy cảm giác mất mát. Biết ngày mai nhìn từ nơi mình ở, những tán cây xanh đã được thay thế bằng những mái tôn che tạm. Đêm đêm, tiếng xe tải, tiếng sắt thép quẳng xuống loảng xoảng, dội vào giấc ngủ nhọc nhằn.

Nơi này người ta trồng hẳn một hàng huỳnh liên. Loại cây bông chùm vàng hình chuông này rất phổ biến. Vô tình, hàng huỳnh liên nằm giữa con đường lại như phân chia ranh giới. Bên kia, là block nhà mới, đang xây dựng nham nhở. Bên này là cái khu nhà cũ thấp tè nơi cô ở.

Có hôm, cô thấy Facebook mình hiện lên một group ghi: “Cư dân 101” - tên của khu nhà mới. Cụm từ đó khiến cô tò mò nên vào group xem thử, thấy dòng giới thiệu: “Thông tin và hình ảnh từ cư dân sống ở đây”.

Làm gì đã có cư dân nào sống thật sự ở đây? Nơi này vẫn đang xây dựng. Nhưng như trong câu chuyện của những người già đi bộ mà cô nghe loáng thoáng mỗi sáng rằng, hàng ngàn căn hộ “trong mơ” đã trao tay hết rồi, ngay cả khi nơi này chưa xây xong.

Người ta chụp nghiêng góc nắng, xiên từ hàng huỳnh liên, một góc xiên từ cái công viên bé xíu nằm bên trái, thêm một vài dòng giới thiệu theo phong thủy, thoáng nắng, gió, cây xanh… để những người chưa tới đó, thấy tráng lệ và tiện nghi.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người ta đã bỏ qua những phần xấu xí khác. Hoặc là những phần này, chỉ vì cô chạy bộ mỗi sáng, nên mới nhận ra. Như có hôm, cô chú ý một cái lỗ trống hoác giữa hàng huỳnh liên. Ai đó đã nhổ cây đi. Vài hôm sau nữa, lại một cây huỳnh liên khác biến mất nhường cho một lỗ đất sâu hoắm khác. Người ta có thể hồn nhiên trộm một cái cây đem về, chỉ để làm đẹp cho sân nhà mình? Và rồi, người ta trả lại nơi con đường vắng này những đống rác chù ụ. 

Vài ba hôm, lại thấy lù lù hiện ra từng đống nệm cũ, ghế sofa gãy. Khi đống này được dẹp đi, thì những bịch vải vóc vụn, hộp gốm bể, tủ giường, bồn cầu… xếp chất chồng. Thêm những bịch ni-lông, hộp xốp vướng vào hàng huỳnh liên, vướng theo chân lúc chạy ngang qua. Đâu đó, con người, vẫn đầy những toan tính.

Những căn hộ chọc trời cứ tiếp tục hiện ra và cây cối mất dần. Nhiều khi cô nghĩ, người ở tầng thứ 32, 45, 58, 69, 73… họ có cảm giác gì về cây cối hay về mây và trời không? Có lần, đứa cháu kể, nó lên tầng 36 ở một chung cư nọ để dự sinh nhật bạn. Tầng 36 đó, cũng có công viên, hồ bơi. Cô chỉ muốn hỏi nó, rằng chim chóc có bay lên tầng thứ 36 để ngụ ở cái công viên kia không? 

Và thằng nhỏ đã cười chảy cả nước mắt. Rằng, nó không hiểu vì sao, ở thời đại này, nó vẫn có một người cô lạc hậu, bởi vì, công viên tầng thứ 36, chỉ có đời sống của tuổi trẻ, của những quán bar, âm nhạc và tất nhiên, có nhiều cây cảnh vẽ. 

Có những ngày mưa, từ căn hộ cũ thấp tè nhà mình, cô nhìn xuyên từ cửa sổ ra con đường, thấy hàng huỳnh liên nghiêng ngả. Chỉ mai mốt đây thôi, nơi này sẽ đầy ắp người. Chắc sẽ không còn ai tự tiện nhổ trộm cây và đêm đêm đem rác nhà mình ra quăng lên nó nữa. Nhưng không biết đến lúc đó, cô có còn chạy nữa không. Hay những sớm mai thức dậy, tự nhiên thấy sợ người. Kiểu giống như sợ phải ập vào đời, gặp toàn người là người, với đầy đủ những thương tích va chạm không đâu.

Hàng huỳnh liên chia rõ ràng ranh giới bên này với bên kia. Thật ra thì, đó không phải là nhiệm vụ của hàng cây, khi được trồng lên nơi này. Nhưng, như giữa người với người, tưởng là không có ranh giới gì đâu, vậy mà có đó, rành rạnh. 

Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI