Cuối tuần trước, cô gái 22 tuổi - Andreia Muhitu đăng quang cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia Angola 2018, trở thành đại diện của quốc gia này tại Miss Supranational - Hoa hậu Siêu quốc gia 2018, diễn ra tại Ba Lan vào tháng 12 tới. Chiến thắng của người đẹp 9X được xem là bước ngoặc lịch sử tại Angola, bởi đây là lần đầu tiên người bị bạch tạng chiến thắng một cuộc thi nhan sắc khi cùng thi đấu với những cô gái lành lặn, khỏe mạnh.
|
Andreia Muhitu (phải) đăng quang Hoa hậu Siêu quốc gia Angola 2018 |
Andreia Muhitu cũng là người đẹp bạch tạng đầu tiên thi đấu ở đấu trường nhan sắc quốc tế. Trước đó, tại Zimbabwe hay Kenya, đã có những người đẹp mắc bệnh bạch tạng đăng quang hoa hậu, nhưng chỉ trong các cuộc thi dành riêng cho đối tượng này. Họ hoàn toàn không có cơ hội bước ra quốc tế để thi đấu, thể hiện bản thân.
Andreia Muhitu đến từ vùng Cuando Cubango ở Angola. Chiến thắng của Andreia Muhitu đặc biệt, nhưng gây tranh cãi, bởi về sắc vóc, cô không phải là nhân tố nổi bật. Trước những chỉ trích, người đẹp 22 tuổi nói: “Vẻ bề ngoài là sự lừa dối. Tôi thích hình ảnh này (bức ảnh của Andreia được đăng tải - PV), đó là tôi. Tôi có mắt lé, người khác cũng có mắt lé. Và nếu tôi có chúng trong hình ảnh, tôi phải yêu nó. Tôi không phải là người mẫu mắt lé đầu tiên trên thế giới. Bạn được quyền đưa ra ý kiến của bạn. Tôi cũng có quyền của tôi. Tôi sẽ không thi đấu nếu không tin rằng tôi có thể giành chiến thắng”.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Andreia Muhitu mô tả bản thân là người mạnh mẽ, sẵn sàng đối diện với dư luận. Người đẹp mong muốn trong suốt nhiệm kỳ sẽ thực hiện được một chiến dịch chống lại sự phân biệt đối xử đối với người bị bệnh bạch tạng - điều mà Andreia Muhitu xem là tiêu cực, vô nhân đạo.
“Tôi đã bị phân biệt đối xử trong cuộc sống của tôi. Đó là lý do tôi sẽ tận dụng chiến dịch này để bảo vệ mọi người ở đất nước của tôi. Mọi người không nên bị lên án bởi làn da hoặc giới tính của họ. Tôi mong mọi người thay đổi hành vi, để chúng ta chung sống tốt hơn, dựa trên sự tôn trọng những khác biệt”, người đẹp chia sẻ. Câu chuyện của Andreia Muhitu cũng sẽ là một nét chấm phá thú vị trên hành trình bước ra quốc tế sắp tới của cô.
|
Người đẹp 22 tuổi mong muốn mọi người đều được sống bình đẳng, hạnh phúc, không phân biêt màu da, giới tính... |
Thực tế, trong nhiều năm qua, người bạch tạng ở châu Phi bị xem như một món hàng có giá trị lớn. Họ bị săn lùng không khác một loài động vật quý hiếm. Nguyên nhân xuất phát từ quan niệm khá lạ lùng của những người có tiền, có quyền thế, đặc biệt những thầy cúng - những người tin rằng, sở hữu một bộ phận cơ thể người bị bạch tạng sẽ mang lại sự may mắn, thịnh vượng.
Theo thống kê vào năm 2015, Tanzania là quốc gia có số vụ tấn công và sát hại người bị bạch tạng cao nhất. Thu nhập bình quân đầu người của quốc gia này vào năm 2013 khoảng 700 USD/năm, năm 2017 tăng lên khoảng hơn 1.000 USD/năm. Trong khi đó, các đối tượng thu mua sẽ chi từ 3.000 đến 4.000 USD cho bàn tay, bàn chân của người bị bạch tạng. 75.000 USD là mức giá cho toàn bộ cơ thể. Giá trị này cao gấp nhiều lần mức thu nhập bình quân đầu người ở các quốc gia châu Phi. Ngoài cơ thể người sống, xác của người bạch tạng chết cũng được săn lùng ráo riết.
|
Người bị bạch tạng bị tấn công để lấy đi các phần cơ thể hoặc nội tạng |
Malawi là nơi có số lượng người bạch tạng bị tấn công, giết hại nhiều nhất. Trong 2 năm, đã có 115 người bị tấn công, 20 người thiệt mạng vì những cuộc săn lùng. Cậu bé 17 tuổi - David Fletcher trên đường đi xem trận bóng đã đã bị bắt cóc và giết chết cách khu dân cư 80 km. Cái chết của David Fletcher được mô tả như giết dê ngoài chợ.
Các cuộc thi dành cho người bạch tạng tại Kenya, Zimbabwe, dù mang thông điệp rút ngắn khoảng cách, sự kỳ thị; những người chiến thắng đều phải sống trong lo sợ bị giết để lấy cơ thể, nội tạng.
Đau lòng hơn khi người bị bạch tạng có thể bị chính người thân, gia đình bán đi. Tháng 12/2014, cô bé 4 tuổi - Pendo Emmanuelle Nundi mất tích bí ẩn. Sau đó, cha và chú của cô bé bị bắt vì tình nghi đã bán bé. Năm 2013, Liên hiệp quốc ghi nhận trường hợp một người phụ nữ châu Phi 38 tuổi bị chồng và 4 người đàn ông khác tấn công trong lúc chị đang ngủ, để lấy đi cánh tay. Cảnh người cha rời phòng ngủ cùng với chiến lợi phẩm là cánh tay của mẹ trở thành nỗi ám ảnh trong lòng đứa con chị, chỉ mới 8 tuổi. Người bị bạch tạng gặp nguy hiểm trong chính gia đình của họ, nơi vốn được xem là chốn bình an nhất.
Ngoài ra, người bị bạch tạch cũng vấp phải sự kỳ thị của xã hội, ít có cơ hội việc làm. Vì thế, cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn. Tại các quốc gia châu Phi, để tạm thời giải quyết những thực trạng đau lòng trên, người bị bạch tạng được đưa vào sống trong những căn nhà có tường rào cao. Cuộc sống của những con người khác biệt càng thêm tách biệt với thế giới xung quanh.
|
Nơi sống của những trẻ em bị bạch tạng được bảo vệ với tường rào cao |
Thông điệp nhân văn mà Andreia Muhitu mang đến cuộc thi sắc đẹp vào cuối năm nay tại Ba Lan và trong suốt nhiệm kỳ hoa hậu tới sẽ là cách tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng người bạch tạng tại Angola và cả châu Phi, khi được lan truyền ở phạm vi rộng. Vượt lên những định kiến về nhan sắc, Andreia Muhitu đáng được tôn trọng bởi sự dũng cảm trên hành trình tìm và khẳng định giá trị của người bạch tạng. Sự chỉ trích nên được thay thế bằng sự yêu thương, đồng cảm, bởi ai cũng có quyền, có khát khao được sống bình đẳng, hạnh phúc.
Thành Lâm